Tăng liên kết giữa nghiên cứu khoa học với nông dân
Ngày 3/9, tại trụ sở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng xem các sản phẩm của ngành nông nghiệp. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng,
Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) đã
tới dự và lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị.
Cùng dự và chủ trì hội
nghị còn có các vị Ủy viên Trung ương Đảng gồm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công
nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn
Quân.
Nhân dịp này, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu dự hội nghị đã tham quan Triển lãm
các sản phẩm khoa học và công nghệ về nông nghiệp chất lượng cao với nhiều gian
hàng của các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) đúc kết
từ những bài học kinh nghiệm, thành tựu của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong nhiều
năm phát triển kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết vừa tổng kết, đánh giá thực
tiễn, vừa định hướng nâng cao hiệu quả công tác nông nghiệp, nông thôn trong
giai đoạn mới. Nghị quyết cũng là biểu hiện của sự hòa hợp từ ý Đảng, đến lòng
dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Sau 5 năm triển khai, việc
tiến hành sơ kết Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) là hết sức cần thiết, nhằm
rút kinh nghiệm, xây dựng chương trình, nội dung công tác trong bối cảnh mới
tình hình thế giới và trong nước.
Khẳng định trong phát
triển nông nghiệp, nông thôn, người nông dân giữ vai trò chủ thể, Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ trong nhiệm vụ đó, khoa học và công nghệ có vai trò
trọng yếu, đảm bảo phát triển bền vững, là điều kiện thiết yếu đem lại hiệu quả
cao cho sản xuất nông nghiệp.
Đánh giá lĩnh vực khoa học
và công nghệ đã có những đóng góp to lớn trong thành tích phát triển nông
nghiệp nước nhà thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng
trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mới, với những yếu tố cạnh tranh
cao, sự phát triển kịp thời của khoa học và công nghệ là đòi hỏi tất yếu đáp
ứng yêu cầu phát triển toàn diện của nền kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp.
Khoa học và công nghệ cùng
với giáo dục đào tạo là hai yếu tố có tầm quan trọng mang tính quyết định đối
với sự nghiệp phát triển tiếp theo của ngành nông nghiệp nước nhà, là tiền đề
thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ của nền kinh tế, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Trên tinh thần đó, Chủ
tịch Quốc hội đề nghị đội ngũ các nhà khoa học vừa tích cực đánh giá, tổng kết
những kết quả đạt được, vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển
và ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, đối
mặt với sự cạnh tranh của các sản phẩm từ những nền nông nghiệp tiên tiến trên
thế giới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, 5 năm qua, khoa học
và công nghệ đã có những đóng góp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông
dân. Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến Bộ Khoa học và Công nghệ trong chọn tạo
giống, đổi mới quy trình canh tác, chế biến sau thu hoạch đã đưa năng suất lên
cao; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 22% GDP và chiếm trên 1/5 kim ngạch xuất khẩu (trên
27 tỷ USD năm 2012). Trong số đó, một số mặt hàng giữ vị trí đứng đầu thế giới
về số lượng như gạo, cà phê, tiêu, điều…
Cũng theo đánh giá của Ủy
ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bên cạnh những thành tựu
đạt được, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mặc dù nhiều nhưng chậm được
ứng dụng trong thực tế, không tạo được chuyển biến lớn trong sản xuất nông
nghiệp.
Các mô hình liên kết, ứng
dụng tiến Bộ Khoa học và Công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như “liên kết 4
nhà”; “cánh đồng mẫu lớn” …chậm được triển khai. Giá trị sản phẩm nông nghiệp
còn thấp, sức cạnh tranh kém, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn thấp. Ngoài
ra, lao động nông nghiệp thu nhập còn thấp so với các ngành nghề khác (bình
quân dưới 50.000 đồng/ngày) nên không thu hút được lao động cũng như đầu tư
trong lĩnh vực này…
Tại hội nghị, đại diện
lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và trên 150 chuyên gia, nhà khoa học đầu
ngành về quản lý khoa học và công nghệ, khối doanh nghiệp đã đánh giá sâu thành
tựu đạt được trong hơn 5 năm qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân,
vướng mắc của khoa học và công nghệ đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong chuyên đề “Tổng quan
nông nghiệp Việt Nam,” nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng đây là
thời điểm để nhìn nhận trách nhiệm của khoa học và công nghệ đối với sản xuất
nông, lâm nghiệp và đời sống nông dân. Ông Tạn kiến nghị cần đẩy nhanh hơn nữa
tỷ xuất cống hiến của khoa học đối với sản xuất nông lâm nghiệp mới có thể đáp
ứng những đòi hỏi bức xúc của sản xuất và đời sống nông dân.
Cho rằng, về cơ bản, nền
nông nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng chỉ là theo chiều rộng,
tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông
nghiệp, Nông thôn đề nghị cần nhanh chóng thực hiện những chính sách đãi ngộ
thỏa đáng để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển
giao khoa học và công nghệ; thu hút mạnh hơn nữa thanh niên, trí thức trẻ về
nông thôn. Đây cũng là thách thức lớn để tạo ra đội ngũ cán bộ giỏi cho ngành
khoa học nông nghiệp.
Tổng kết kinh nghiệm công
tác của mình về xây dựng nông thôn mới, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn Nguyễn Đăng Khoa kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội cho
phép phát hành Trái phiếu Chính phủ; Trái phiếu Ximăng và chủ động vay các tổ
chức tài chính quốc tế để "mở" vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn.
Hội nghị cũng ghi nhận
những ý của đại diện các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp;
kiến nghị Nhà nước mạnh dạn đặt hàng cho các doanh nghiệp trở thành chủ đầu tư
trong các dự án vì đây là đối tượng hiểu rõ nhu cầu của thị trường...
Lắng nghe các ý kiến tại
hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối
với những tâm huyết và cống hiến của đối các nhà khoa học, các chuyên gia đóng
góp cho sự nghiệp phát triển "tam nông" của đất nước.
Tán thành ý kiến cho rằng
công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập cần khắc
phục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tổ chức quản lý tốt để các sản phẩm nghiên
cứu khoa học và công nghệ đem lại hiệu quả cao hơn trong thực tế.
Đề cập đến những yếu tố
mang tính quy luật của nền kinh tế thị trường, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần
bám sát nhu cầu thực tế để tổ chức quy hoạch, cơ cấu, tính toán, lựa chọn, giống,
chủng loại vật nuôi, cây trồng ứng dụng khoa học và công nghệ hợp lý, hiệu quả.
Bên cạnh đó, duy trì tốt mối liên kết giữa sản xuất, trồng trọt với tiêu thụ
hàng hóa, không ngừng tìm kiếm mở rộng thị trường.
Đặc biệt, phải đưa khoa
học và công nghệ vào tất cả các quy trình sản xuất nông nghiệp, gắn bó chặt chẽ
mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và người nông dân; hình
thành chuỗi giá trị để đảm bảo không ngừng tăng năng suất, hiệu quả kinh tế,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh./.