"Tăng tốc" chống hàng gian, hàng giả dịp cuối năm
Hàng nhập lậu về Việt Nam rồi thay nhãn mác, tuồn ra thị trường ngày càng có chiều hướng ra tăng.
Hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ khi qua các
cửa khẩu. Ảnh minh họa
Theo nhận định của Cục
Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, nhiều hàng hóa nhập từ Trung Quốc, sau đó
thay đổi nhãn mới ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật... đang có chiều
hướng tăng.
Tăng cường các hoạt động
chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm. Ảnh minh họa
Ông Trần Hùng, Cục phó
Cục Quản lý thị trường cho biết, tại các tỉnh miền Bắc, hoạt động buôn lậu, sản
xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại
rất phức tạp, nhất là khoảng thời gian về cuối năm như hiện nay đến giáp tết.
Các mặt hàng chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, đáng chú ý là gia cầm và thủy hải
sản.
Tại các tỉnh miền Nam, hàng hóa
nhập lậu bằng các phương thức như gian lận trong khai báo hải quan, nhập qua
biên giới Lào, Campuchia. Mặt hàng rất đa dạng, phần lớn vẫn xuất xứ từ Trung
Quốc, Thái Lan, Indonesia...
Khu vực miền Trung diễn ra
trên các tuyến, địa bàn trọng điểm là quốc lộ 1A, đường 9, TP Đà Nẵng, khu kinh
tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu gồm rượu, bia,
mì chính, đường, nước giải khát. Đặc biệt là nước giải khát Redbull nhập lậu
được vận chuyển bằng xe container từ đường 8 Hà Tĩnh vào các tỉnh phía Nam
tiêu thụ.
Các đối tượng tham gia
buôn lậu là cư dân biên giới, không có nghề nghiệp ổn định nhưng hoạt động mang
tính chuyên nghiệp. Họ được các đầu nậu thuê vận chuyển hàng qua biên giới vào
nội địa bằng các phương tiện như xe máy, ô tô khách. Còn trên tuyến hàng không,
đối tượng vi phạm là hành khách, một số nhân viên làm việc trên chuyến bay có
hoạt động xuất nhập cảnh nhiều lần trên cùng tuyến bay hay là hướng dẫn viên du
lịch. Thủ đoạn truyền thống là hình thành đường dây sự móc nối chặt chẽ giữa
các đối tượng nội địa và nước ngoài, sử dụng nhiều loại phương tiện, đặc biệt
là xe biển số xanh, chia nhỏ hàng hóa, chia quãng đường vận chuyển.
Có một thủ đoạn mới xuất hiện
đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp (phân ure) là lợi dụng danh nghĩa các
doanh nghiệp xuất nhập khẩu thành lập chi nhánh tại các tỉnh biên giới
nhưng thuê kho trong nội địa. Đối tượng buôn lậu mở tờ khai nhập khẩu tại
cơ quan hải quan cửa khẩu, sau đó xuất hóa đơn điều chuyển nội bộ về kho
nhưng trên thực tế hàng hóa đã bán cho doanh nghiệp khác. Tờ khai nhập
khẩu, hóa đơn điều chuyển hàng hóa nội bộ được sử dụng quay vòng cho
nhiều chuyến hàng khác tại nhiều địa điểm giao nhận.
Cũng theo ông Hùng, tương
tự tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả diễn biến phức tạp, khó kiểm soát,
với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đáng lưu ý là tình trạng hàng hóa ghi
nhãn giả xuất xứ đang có chiều hướng tăng.
Chẳng hạn, hàng nhập từ Trung
Quốc, sau đó thay đổi nhãn mới ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật
Bản. Sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng chuyên nghiệp, các đối tượng vi
phạm sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại để sản xuất hàng giả; tổ chức chặt chẽ,
riêng biệt từng khâu, từ sản xuất bao bì, linh kiện, đóng gói, vận chuyển, phân
phối hoặc trước khi giao hàng mới gắn nhãn mác giả, sản xuất đến đâu tiêu thụ
đến đó. Cất giấu hàng giả tại nhiều nơi và thay đổi liên tục nơi cất giấu để
tránh sự chú ý, phát hiện của cơ quan chức năng.
Một số doanh nghiệp lợi
dụng chủ trương "đưa hàng Việt về nông thôn" đã đưa nhiều loại hàng
giả, hàng kém chất lượng, hàng cận hạn sử dụng để tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa.
Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều là quần áo, sữa, dầu ăn, thực phẩm đóng gói sẵn,
mì ăn liền, điện thoại di động, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dầu nhờn động cơ,
bột giặt...
Bên cạnh đó, gian lận
thương mại dưới hình thức tiêu thụ trái phép tại thị trường Việt Nam các
nguyên, vật liệu tạm nhập để thực hiện gia công hàng hóa cho thương nhân nước
ngoài cũng trở nên phổ biến. Hàng hóa vi phạm dưới hình thức này chủ yếu là giày
dép, túi xách, quần áo các thương hiệu nổi tiếng.
Tám tháng đầu năm 2013,
lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý 57.867 vụ vi phạm. Số vụ vi phạm
về gian lận thương mại chiếm cao nhất là 40.472 vụ. Thứ hai là vi phạm về
sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm với hơn 9.000 vụ. Vi phạm về buôn bán, vận
chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu hơn 8.300 vụ.
Tổng số tiền thu nộp ngân
sách 220 tỉ đồng; trong đó phạt vi phạm hành chính 157,2 tỉ đồng; tiền bán hàng
tịch thu 60,4 tỉ đồng và truy thu thuế 2,4 tỉ đồng.