Bát nháo đồ gia dụng kém chất lượng
Hiện nay, không ít đồ điện gia dụng giả, nhái, kém chất lượng bày bán trôi nổi trên thị trường. Những mặt hàng này không được kiểm soát nghiêm ngặt về mức độ an toàn, song nhiều người vẫn chọn mua vì giá rẻ.
Người
tiêu dùng cần xem kỹ nhãn mác khi mua đồ điện gia dụng.
Mù mờ chất lượng
Khảo sát tại một số cửa hàng điện gia
dụng, chúng tôi thấy chỉ riêng bình đun nước siêu tốc cũng có hàng chục chủng
loại, nhãn hiệu khác nhau. Trong đó có nhiều sản phẩm in nhãn hiệu Panasonic,
Philips... song chữ in trên sản phẩm nhòe nhoẹt, kém sắc nét, chất liệu làm từ
inox mỏng, yếu hoặc vỏ nhựa không trơn bóng, kết cấu không chắc chắn. Nhân viên
một cửa hàng trên đường Quang Trung (Nha Trang) lý giải: “Đó là loại “hàng
thường”, giá chỉ 150.000 - 200.000 đồng, không được bảo hành. Nếu muốn loại tốt
hơn thì mua hàng chính hãng, giá từ 480.000 - 620.000 đồng tùy loại, bảo hành 3
- 4 tháng”. Thấy chúng tôi tỏ ra nghi ngờ đây là hàng giả, hàng nhái, nhân viên
này cho biết: “Chị cứ yên tâm, hàng loại này nhiều người mua về dùng vài năm
vẫn ổn. Cửa hàng không dám bán hàng giả đâu vì phạt rất nặng (?)”.
Tại các cửa hàng điện gia dụng, nồi
cơm điện là một trong những mặt hàng được bày bán nhiều nhất, chiếm ưu thế là
các thương hiệu Sharp, Cuckoo, Panasonic, Saiko... Ngoài chức năng nấu cơm, các
loại nồi còn có thể hấp thức ăn, nấu cháo, làm bánh, có chế độ hẹn giờ... Tuy
nhiên, giá các sản phẩm có sự chênh lệch đáng kể. Chẳng hạn, cùng loại nồi Sharp
dung tích 1,8 lít, hình thức như nhau nhưng một cửa hàng trên đường 2-4 (Nha
Trang) bán với giá 2,1 triệu đồng còn cửa hàng khác trên đường Quang Trung lại
chỉ có giá 1,3 triệu đồng. Xem xét kỹ, chúng tôi thấy sản phẩm giá rẻ hơn in
dòng chữ “made in China” trên vỏ hộp, không có tem bảo hành, không nhãn phụ ghi
rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem hợp chuẩn CR. Trong khi đó, sản phẩm giá cao
hơn có tem nhãn đầy đủ, xuất xứ tại Thái Lan.
Cửa hàng điện tử T. trên đường Võ Thị Sáu
(Nha Trang) cũng bày bán khá nhiều đồ điện gia dụng không rõ xuất xứ. Theo lời
người bán, loại bóng đèn của Trung Quốc tuy độ bền không cao song vẫn được
nhiều người mua vì có nhiều kiểu dáng bắt mắt, giá thành rẻ. Cụ thể, một bóng
đèn tiết kiệm điện (9 - 12W) hiệu Philips, Điện Quang, Rạng Đông giá từ 35.000
- 70.000 đồng thì loại của Trung Quốc chỉ 18.000 - 20.000 đồng. Ổ cắm điện của
Rạng Đông, LiOa... giá từ 90.000 - 130.000 đồng còn hàng “made in China” giá chỉ
20.000 - 30.000 đồng. Trên bao bì các sản phẩm giá rẻ này chỉ có một vài thông
số kỹ thuật đi kèm các chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài, không có cảnh báo cho
người dùng bằng tiếng Việt.
Theo quy định của Bộ Khoa học và Công
nghệ, có 6 mặt hàng đồ điện gia dụng phải thực hiện việc dán tem hợp quy CR là:
Dụng cụ điện đun nóng tức thời; dụng cụ điện đun và chứa nước nóng; máy sấy tóc
và các dụng cụ làm đầu khác; ấm đun nước; nồi cơm điện; quạt điện... Việc gắn
tem nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa các mặt hàng đã được
kiểm định an toàn về chất lượng. Quy định là vậy, song thực tế sản phẩm có tem
CR còn rất khiêm tốn và nhiều người tiêu dùng được hỏi cũng tỏ ra mơ hồ. Ông
Phan Minh Quang (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) cho biết: “Lâu nay tôi chỉ nghe
nói gắn tem CR với đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm... chứ ít nghe nói gắn tem CR
đối với đồ điện tử. Tôi chủ yếu chỉ xem nhãn hiệu, mẫu mã, thấy giá cả hợp lý
thì mua”.
Cẩn thận khi mua và sử dụng
Theo ông Trần Văn Ngọc, thợ sửa điện
tại cửa hàng Quang Thảo (đường 23-10, Nha Trang), sản phẩm đồ điện gia dụng
chính hãng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ,
sử dụng chất liệu an toàn và được kiểm tra kỹ trước khi xuất xưởng. Còn với
những sản phẩm không rõ nguồn gốc, các cơ sở lắp ráp không đúng kỹ thuật, dùng chất
liệu kém chất lượng, dây dẫn không đạt chuẩn, dễ gây rò rỉ điện, quá tải, chạm
mạch, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Nhiều người muốn tiết kiệm tiền nên chọn mua các
sản phẩm giá rẻ nhưng thực tế, các sản phẩm này có độ bền thấp, tiêu hao nhiều
năng lượng nên chi phí tiền điện cao hơn các sản phẩm chính hãng.
Gia đình bà Nguyễn Châu Anh (phường
Vĩnh Hải, Nha Trang) là một trong những trường hợp mua phải hàng dởm vì ham rẻ
và thiếu kiến thức về sản phẩm. Bà Anh cho biết: “Cách đây 3 tháng, tôi mua một
nồi cơm điện được quảng cáo là giảm giá 50% tại một cửa hàng trên đường Thống
Nhất. Dùng chưa được lâu thì phía đáy nồi đã bị trầy xước, bong tróc, cơm chín không
đều và thường xuyên cháy khét. Tôi mang nồi ra cửa hàng khiếu nại thì họ từ
chối với lý do hàng mua đợt khuyến mãi đó không được bảo hành”. Còn bà Lê Thị
Thúy An (phường Lộc Thọ, Nha Trang) thì dùng bình nước siêu tốc được vài tháng
đã thấy đóng cặn và hỏng chế độ tự ngắt điện khi sôi. “Có lần nước sôi gần cạn
bình mà điện vẫn chưa ngắt, tôi vội vàng rút phích cắm vì sợ cháy nổ.” - bà An
kể.
Theo bà Nguyễn Thị Trang, Phó Chủ tịch
Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh, trong số các khiếu nại gửi tới hội
thời gian gần đây, nội dung khiếu nại liên quan nhiều đến các mặt hàng điện
máy, điện gia dụng. Không ít trường hợp mua hàng thiếu hóa đơn, chứng từ nên
không có cơ sở giải quyết khiếu nại. Vì vậy, khi mua hàng, người tiêu dùng nên
xem xét kỹ các thông tin về sản phẩm và yêu cầu cung cấp đầy đủ hóa đơn, phiếu
bảo hành...