Đặc tính sinh học sự ra hoa và phát triển trái của cây chanh Tàu
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều giống chanh được trồng như chanh giấy, chanh không hạt của Mỹ, chanh Tàu trong đó chanh Tàu là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân do dễ chăm sóc, trái đẹp, năng suất cao và đây cũng là giống thích nghi rộng với điều kiện môi trường, có thể trồng khi mới lên liếp lập vườn.
Ảnh minh họa (Nguồn: nongnghiep.vn)
Nhằm tìm hiểu đặc tính sinh học sự ra hoa và phát triển
trái chanh Tàu để làm cơ sở cho các nghiên cứu cải thiện năng suất và phẩm chất
của loại cây trồng này, nhóm
nghiên cứu Trần Văn Hâu, Phạm Vũ Linh và Trần Sỹ Hiếu thuộc Khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, Trường
Đại học Cần Thơ đã tiến hành khảo sát đặc tính sinh học của sự
ra hoa trên vườn chanh Tàu 8-10 năm tuổi tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy,
thành phố Cần Thơ được xử lý ra hoa bằng cách “phá lá” theo kinh nghiệm của
nông dân. Nghiên cứu đã đạt được một số kết quả sau:
Tỉ lệ ra hoa đạt 21,51%, trong
đó có 87,7% hoa mang lá và 12,3% hoa không mang lá. Hoa nở chủ yếu vào khoảng
10:13±1:00 giờ, thời gian từ khi nở cho đến khi rụng cánh là 2,46±0,07 ngày. Tỉ
lệ đậu trái sau khi hoa rụng cánh đạt 59,2%. Sự rụng trái non bắt đầu vào tuần
thứ 3, sau đó giảm dần và kết thúc ở tuần thứ 10 sau khi đậu trái. Hoa có mang
lá có tỉ lệ đậu trái cao và rụng trái non ít hơn so với hoa không mang lá. Quá
trình phát triển từ khi đậu trái đến khi thu
hoạch của trái chanh Tàu kéo dài trong 21 tuần, chiều cao và đường kính
trái tăng trưởng cực đại ở tuần thứ 6 và thứ 8, trong khi trọng lượng trái tăng
trưởng cực đại ở tuần thứ 12-13. Hàm lượng vitamin C có giá trị cao ở tuần thứ 11-12,
sau đó giảm dần cho đến khi thu hoạch, trong khi tổng số chất rắn hòa tan (TSS)
tăng dần từ tuần thứ 12 và ổn định từ tuần thứ 16 đến khi thu hoạch.
Với các kết quả đạt được, nhóm
nghiên cứu đã đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu việc cải thiện tỉ lệ ra hoa và
hạn chế sự rụng trái non cho chanh Tàu để đạt năng suất cao hơn. Kết quả nghiên
cứu này được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 27B năm
2013.
TC Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, phần B, số 27 (2013)