Khoa học công nghệ trên đất Nam Trung bộ - Tây Nguyên
Hàng trăm đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) được triển khai trong thời gian qua tại 13 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã góp phần đưa kinh tế của các địa phương trong vùng tăng trưởng cao, ổn định.
Trồng mía trên đất đồi
Minh Long, Quảng Ngãi
Do vậy, trong chiến lược
phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương thời gian tới vẫn xác định đẩy
mạnh việc ứng dụng các thành tựu KHCN cũng như tăng cường tiềm lực, đổi mới cơ
chế, hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN.
Trên 195 tỷ đồng đầu tư
cho khoa học
Theo báo cáo của Bộ Khoa
học và Công nghệ, giai đoạn 2011-2013, các tỉnh, thành phố trong vùng Nam Trung
bộ - Tây Nguyên đã triển khai 596 đề tài, dự án, với tổng kinh phí sự nghiệp
khoa học là 195,31 tỷ đồng. Các đề tài, dự án được xây dựng và triển khai gắn
kết với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, “phủ sóng”
trên mọi lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược,
khoa học xã hội, khoa học nhân văn…
Nhiều đề tài dự án đã và đang
phát huy hiệu quả như “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp ngầm hóa lưới điện và cáp
thông tin khu vực trung tâm TP. Đà Nẵng”, TP. Đà Nẵng; Chuyển giao công nghệ
xây dựng hầm biogas bằng nhựa composite tại tỉnh Gia Lai; Nghiên cứu quy trình
sinh sản nhân tạo giống cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss Walbaum) tại Lâm Đồng;
Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình thâm canh mía trên đất đồi, gò theo hướng cơ
giới hóa tại huyện Minh Long, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Phục hồi, phát triển, quản
lý và bảo vệ quần thế chim yến tại các hang đảo vùng ven biển tỉnh Phú Yên…
Bên cạnh việc chú trọng
các hoạt động nghiên cứu KHCN, một số tỉnh, thành phố cũng tích cực triển khai
xây dựng thị trường công nghệ trên mạng Internet như Đà Nẵng, Quảng Nam…. Từ khi
thị trường công nghệ và thiết bị trên mạng của TP. Đà Nẵng đi vào hoạt động từ
năm 2008 đến nay, đã có 5.321 DN Việt Nam và 153 DN nước ngoài tham gia với số
lượng sản phẩm là 34.320 và số lượng giao dịch là 7.754.
Cũng trong giai đoạn này,
nhiều DN trong vùng đã mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, để tăng sản
lượng hàng hóa, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, các Sở KHCN trong vùng đã tiến
hành thẩm định 98 dự án đầu tư, 6 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Gần 600 DN đã
áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như TCVN ISO 9001:2008…; Đã
có 1.751 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và có 1.217 văn bằng được cấp…
Và những “mùa xuân” mới
Câu chuyện “cây mía trên
đất đồi huyện Minh Long, Quảng Ngãi” vẫn còn là câu chuyện đầy sự “ngạc nhiên”
với nhiều người dân nơi đây. Bởi vùng đất gò đồi cằn cỗi, tưởng như không một
cây, con nào có thể sinh sôi nảy nở ấy lại mang tới những vụ mía nguyên liệu
“bội thu” như hôm nay. Kết quả ấy có được, từ sau khi Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi
phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Long và chính
quyền địa phương, nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng và đưa giống mía ROC 27 vào trồng
thử nghiệm. Đây là loại mía có khả năng chịu hạn lớn, thích hợp với các vùng
đất trung du ít chủ động nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, loại mía này lại có chữ
đường cao vượt trội so với các giống mía khác. Năng suất đạt từ 60-65 tấn/ha,
sau khi trừ chi phí, người dân có thể thu lãi khoảng 30 triệu đồng/ha… Trồng
mía trên đất gò đồi đang hứa hẹn mở ra những triển vọng mới cho cuộc sống đồng
bào Hrê nơi đây…
Tại cao nguyên Kon Plông,
tỉnh Kon Tum, từ khi chính quyền đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật
phát triển cây cà phê catimor (một loại cà
phê chè), cuộc sống của người dân cũng đã có nhiều thay đổi. Nhờ
trồng cà phê, mà mỗi năm mỗi hộ gia đình ở đây đã có nguồn thu nhập ổn định
trên 20 triệu đồng/ha. Hiện nay, huyện Kon Plông có trên 415ha cà phê catimor,
tập trung ở các xã có khí hậu lạnh như Măng Cành, Đăk Long, xã Hiếu và xã Bờ Ê…
Bên cạnh cà phê, huyện Kon Plông còn đang tích cực sản xuất các giống rau, hoa,
quả xứ lạnh phục vụ sản xuất hàng hóa kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Đến
nay, đã có khoảng 32 DN đăng ký đầu tư vào lĩnh vực rau, hoa, quả xứ lạnh ở đây
với số vốn là 389 tỷ đồng…/.