Giúp thanh niên làm giàu từ KH&CN
Có một dự án không trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hóa song đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực thông qua việc cung cấp thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) cho nhiều thanh niên các tỉnh Bắc Trung bộ. Không ít mô hình hay, gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi đã bắt đầu khởi nghiệp nhờ những thông tin nhận được từ dự án.
Thông
tin KH&CN đã giúp nhiều thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Đưa thông tin
KH&CN đến với thanh niên
Để tăng cường tuyên
truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, hướng
tới mục tiêu đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN trên địa bàn nông
thôn, vùng sâu vùng xa, thời gian qua, Trung tâm Phát triển KH&CN và Tài
năng trẻ thuộc Trung ương Đoàn đã triển khai Dự án: "Cung cấp thông tin KH&CN
cho thanh niên các tỉnh Bắc Trung bộ". Dự án triển khai tại 15 huyện thuộc
6 tỉnh, bước đầu đạt kết quả tốt và được coi là một trong những yếu tố quan
trọng góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó
GĐ Trung tâm Phát triển KH&CN và Tài năng trẻ, cho biết: Việc đưa nhanh
tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đang là nhu cầu bức thiết hiện nay
để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có
tính cạnh tranh cao. Điều đó đặt ra yêu cầu phải khuyến khích, động viên, thu
hút lực lượng lao động trẻ, có năng lực, trình độ để đảm nhận. Không ai khác,
chính thanh niên phải giữ vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ này. Mục tiêu của dự
án là tăng cường năng lực phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và chuyển giao
công nghệ cho thanh niên, đồng thời giúp người dân trên địa bàn tiếp cận thông
tin về KH&CN thuận lợi, kịp thời để ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Thực hiện mục tiêu này, dự
án đã xây dựng cho mỗi huyện một "Thư viện điện tử KH&CN thanh
niên" với kho cơ sở dữ liệu phong phú gồm 178.000 tài liệu các loại như
sách, báo, phim ảnh, đĩa VCD… Đó là các tài liệu khoa học kỹ thuật phục vụ nông
nghiệp và nông thôn, có nội dung thiết thực, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng,
chăm sóc, bảo quản, chế biến sau thu hoạch các loại vật nuôi, cây trồng. Các
vấn đề gần gũi với đời sống nông thôn cũng là nội dung được chú trọng như việc
làm, làng nghề, phát triển nghề truyền thống…
Ngoài hình thức thư viện,
dự án còn in sao tài liệu ra bản giấy, đĩa VCD, phát cho thanh niên và bà con
nông dân mang về nhà tìm hiểu. Với những thanh niên tiếp cận được với internet,
thông tin được chuyển qua hòm thư điện tử, qua các phương tiện thông tin đại
chúng. Dự án còn tổ chức chiếu phim lưu động tại các xã, thôn, bản, tạo điều
kiện cho thanh niên và bà con dễ dàng tiếp cận thông tin KH&CN.
Nhanh, chính xác,
rẻ
Hình thức cung cấp thông
tin mà dự án triển khai đã tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc lại khắc
phục được những khó khăn về đường sá đi lại ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ sau một
năm triển khai, đến nay dự án đã cho những kết quả tốt. Thư viện KH&CN thu
hút 15.754 lượt thanh niên và nông dân đến tìm hiểu. Không chỉ mang đến hàng
nghìn tài liệu các loại dưới dạng văn bản, đĩa CD, những người làm chương trình
đã tổ chức được gần 200 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 8
nghìn lượt thanh niên.
Mặc dù hoạt động của dự án
không trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hóa, song với những tiện ích mà dự án mang
lại, nhiều thanh niên đã ứng dụng thành công tiến bộ KH&CN vào sản xuất và
bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Từ đây đã xuất hiện nhiều mô
hình hay, nhiều gương thanh niên sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đó là mô hình
trồng cao su của anh Quách Văn Tùng và trồng cây cảnh của anh Lê Tuấn Anh (huyện
Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa); mô hình nuôi cá nước ngọt của anh Hồ Đức Ngọc, nuôi
lợn rừng của anh Phan Văn Hải, trồng hoa cúc của anh Lâm Văn Long (huyện Hương
Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế); mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Tiến (huyện
Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)… Các chủ mô hình đều nhận xét, việc tiếp cận thông tin
KH&CN thông qua dự án có ưu điểm kịp thời, chính xác, phong phú, chi phí
lại thấp nên đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân.
Để đạt được những thành
công bước đầu này, những người làm dự án đã phải vượt qua nhiều thử thách khi
công tác tuyên truyền còn khó đến được với thanh niên vùng sâu, vùng xa, số
người đến khai thác thông tin tại thư viện điện tử chưa nhiều, nhân sự hoạt
động kiêm nhiệm nên chưa dành được nhiều thời gian cho dự án... Ban quản lý dự
án cơ sở Thanh Hóa cho biết: Các buổi tập huấn, chiếu phim khoa học ở các xã
cần phải cơ động trong khi thiết bị của Trung tâm KH&CN thanh niên quá cồng
kềnh, khó khăn trong việc vận chuyển. Khi đó, trung tâm lại phải mượn máy tính xách
tay và máy chiếu của các cơ quan khác, nên đôi khi bị động trong việc bố trí
lịch chiếu phim và tập huấn. Địa hình các huyện phức tạp trong khi hệ thống máy
móc chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, hoạt động của
dự án đã khẳng định được vai trò của tuổi trẻ trong việc tiếp thu, ứng dụng KH&CN
vào sản xuất và đời sống. Bước đầu, dự án còn tạo được nguồn thu từ dịch vụ in,
sao văn bản tài liệu, sao đĩa VCD… Mặc dù nguồn thu còn rất khiêm tốn so với
chi phí bỏ ra nhưng cũng bù đắp được một phần kinh phí để bảo dưỡng, duy tu
trang thiết bị. Nổi bật nhất là huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã thu được hơn 30
triệu đồng, không những bảo đảm được hoạt động của dự án mà còn tạo nguồn hỗ
trợ cho cán bộ tham gia. Đó là những tín hiệu đáng mừng để nhân rộng kết quả dự
án trong thời gian tới.