Công bố mười sự kiện KH-CN nổi bật 2013
Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học - Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Bộ KH-CN, chiều 26-12, đã công bố kết quả cuộc bình chọn những sự kiện KHCN nổi bật 2013.
Trao chứng nhận cho các
đơn vị được bình chọn.
10 sự kiện được bình chọn thuộc các
lĩnh vực: cơ chế chính sách; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; hội nhập
quốc tế về KH-CN; tôn vinh nhà khoa học; khoa học xã hội và nhân văn.
Nếu như sự kiện Việt Nam chế tạo thành
công vệ tinh siêu nhỏ; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) làm chủ công nghệ
cao góp phần hiện đại hóa quân đội; nhà khoa học Việt Nam công bố kết quả
nghiên cứu trên tạp chí số một thế giới Nature... thể hiện rõ sự trưởng thành
vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu KH-CN, thì nhóm sự
kiện hợp tác quốc tế lĩnh vực hạt nhân vì mục đích hòa bình, “ Gặp gỡ Việt Nam
lần thứ chín”, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, Dự án
FIRST... thể hiện rõ thành công bước đầu trong việc hội nhập quốc tế lĩnh vực
KH-CN.
Có thể điểm qua một số sự kiện
KH-CN tiêu biểu vừa được 60 nhà báo bình như sau:
Việt Nam chế tạo thành công vệ tinh siêu
nhỏ
Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam đưa vào
không gian vào tháng 8 năm nay nhờ tàu vận chuyển HYV của Nhật Bản. Sau hơn ba
tháng được lưu giữ trong module Kibo trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), lúc 17 giờ
17 ngày 19-11 theo giờ Hà Nội, vệ tinh siêu nhỏ (PicoDragon) của nước ta cùng
hai vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ đã được đưa vào quỹ đạo.
Chỉ bốn giờ sau, các trạm mặt đất tại
Nhật Bản đã thu nhận thành công những tín hiệu đầu tiên. Tiếp sau đó, trạm mặt
đất đặt tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia của Việt Nam (VNSC) cũng đã nhận được
tín hiệu từ PicoDragon.
Pico Dragon có kích thước 10x10x11,35
cm, khối lượng 1 kg. Đây là sản phẩm được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ
sư, nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm vệ tinh quốc gia của Việt Nam.
Giải mã thành công hệ gien của 36
giống lúa bản địa Việt Nam
Với sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà
khoa học Anh, lần đầu tiên Việt Nam đã giải mã thành công hệ gien đầy đủ của 36
giống lúa bản địa mang đặc tính về chất lượng, có khả năng chịu mặn, chịu hạn
và kháng bệnh. Kết quả nghiên cứu nói trên mở ra hướng nghiên cứu mới chọn tạo
giống lúa, sản xuất ra các giống lúa mới năng suất cao, có thể kháng đa yếu tố.
Đây là kết quả của Đề tài “Nghiên cứu
giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam”được thực hiện từ tháng
1-2011 đến tháng 6-2013, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc tế về KH-CN
giữa Bộ KH-CN với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Sự sống và Công nghệ sinh học,
Vương quốc Anh. Trong giai đoạn hai các nhà khoa học hai nước sẽ tiếp tục giải
mã bộ gene của 600 giống lúa ở Việt Nam.
“Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ
chín
"Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ
chín năm 2013 tại tỉnh Bình Định, do Trung tâm Gặp gỡ Việt Nam, Bộ khoa học và
Công nghệ và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức từ ngày 12 đến 17-8 với một
chuỗi sự kiện gồm bốn hội nghị khoa học quốc tế lớn, được coi là cơ hội “vàng”
cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghiên
cứu khoa học.
Tại hội nghị khoa học quốc tế, các
lớp tập huấn cho trí thức trẻ Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á, có sự
tham gia của hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có năm nhà bác
học đạt giải Nobel và giáo sư Ngô Bảo Châu. Đặc biệt trong số đó có hơn một nửa
số nhà khoa học trẻ Việt Nam
đang học tập, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài tham dự.
Hoàn tất việc đưa 16 kg uranium rời
khỏi Việt Nam
an toàn
Ngày 3-7, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà
Lạt đã hoàn thành việc vận chuyển và trao trả 16 kg uranium có độ giàu cao ra
khỏi Việt Nam cho Nga.
Việc trao trả uranium được thực hiện
tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là đợt hai của dự án trao trả 141 bó
uranium cho Nga mà Việt Nam
khởi động từ năm 2004. Năm 2007, đợt một của dự án được thực hiện bằng việc
giao trả cho Nga 35 bó uranium có độ giàu cao chưa qua sử dụng. Đợt hai, tiếp
tục trả cho phía Nga 106 bó uranium đã qua sử dụng. Như vậy Việt Nam đã thực
hiện đúng cam kết với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hàng chục
nhà khoa học của Nga, Mỹ và Việt Nam đã tham gia công việc nói trên.
Nhà khoa học Việt Nam công bố kết
quả nghiên cứu trên tạp chí Nature
Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới
Nature đã công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của các nhà khoa học thuộc Đại học
Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội (hợp tác với Trường ĐH Columbia, Mỹ) về lĩnh vực nghiên
cứu ô nhiễm asen trong nước ngầm.
Trong công trình này, các nhà khoa học
của của ĐHQG Hà Nội do GS,TS Phạm Hùng Việt đứng đầu đã có đóng góp từ việc
đề xuất ý tưởng đến việc trực tiếp thực nghiệm, khảo sát hiện trường và xử lý
số liệu. Công trình nghiên cứu được hoàn thành nhờ sự tài trợ một phần của Quỹ
Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), trực thuộc Bộ KH-CN Việt Nam.
Mỗi năm, Tạp chí Nature nhận được hơn 10
nghìn bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua được vòng bình duyệt và
được công bố. Các công trình khoa học công bố trên Tạp chí này đạt trình độ
nghiên cứu cơ bản xuất sắc, có tính đột phá, có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với
cộng đồng khoa học và mà còn cả xã hội. Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo và
nghiên cứu của Việt Nam mới
chỉ có khoảng năm công trình (thực hiện tại Việt Nam) được đăng trên Tạp chí
Nature...