Thành lập các trung tâm xuất sắc: “Trông người lại ngẫm đến ta”
Nhằm tạo ra các cơ sở nghiên cứu – đào tạo xuất sắc bên trong các trường đại học, thời gian gần đây nhiều nước trên thế giới đã đầu tư vào việc thành lập các trung tâm xuất sắc (Center of Excellence - COE) như Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil... Ở Việt Nam, tuy tiềm lực khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cũng đã hình thành một số đơn vị tiềm năng trở thành các COE nếu được đầu tư xứng đáng.
Ảnh: Kỹ sư thiết kế
vi mạch của ICDREC
Kinh nghiệm từ các nước
COE được hiểu là tổ chức
nghiên cứu và đào tạo về khoa học công nghệ (KHCN) đạt trình độ tiên tiến trên
thế giới, với nghĩa là tạo ra sản phẩm khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo
trình độ cao theo các chuẩn mực quốc tế. Nói cách khác, trung tâm xuất sắc phải
đứng ở tuyến đầu, đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực mà nó hoạt động, xét ở
tầm mức quốc tế.
Tế bào của COE là các nhóm
nghiên cứu, gồm các cá nhân xuất sắc. Đó là nơi nhân tài tụ về làm việc và cống
hiến. Do đó, một trong những đặc điểm tiên quyết của COE là con người xuất sắc,
đặc biệt là lãnh đạo xuất sắc, vừa có năng lực chuyên môn, vừa có khả năng tổ
chức, tạo dựng mối quan hệ, tìm kiếm kinh phí... COE thường tập trung vào một
lĩnh vực mũi nhọn, với trang thiết bị hiện đại và hệ thống hỗ trợ mạnh.
Mỹ có thể coi là quốc gia
đi tiên phong trong việc thành lập các trung tâm xuất sắc trong các trường đại
học. Nổi tiếng nhất có Viện Richard E.Smalley (Đại học Rice), được thành lập
năm 1993, có sứ mệnh dẫn đầu thế giới về nghiên cứu công nghệ nano. Sau 10 năm
nhiệm vụ đó cơ bản được hoàn thành với các đề tài nghiên cứu liên quan đến công
nghệ nano trong cơ thể sống, ống nano cacbon, nano trong nghiên cứu năng
lượng... Có hai nhà khoa học của viện này nhận giải Nobel về hóa học năm 1996
là R.Smalley và R.Curi về công trình liên quan đến lồng cacbon C60. Năm 2005,
viện này được tạp chí Small Time bầu là viện nghiên cứu đứng đầu về công nghệ
nano. Bên cạnh đó, trường Đại học Rice cũng thành lập Trung tâm công nghệ nano
cho sinh học và môi trường (CBEN) để ứng dụng những nghiên cứu trong công nghệ
nano vào các ứng dụng sinh học và môi trường. Trung tâm này đã góp phần quan
trọng thiết lập các công ty mới về công nghệ cao.
Tại châu Á, từ năm 2000
Nhật Bản đã khởi động chương trình xây dựng các COE cho thế kỷ 21 “Twenty First
Century Centre of Excellence Programme”. Chương
trình này đã nâng được vị thế của một số trường đại học Nhật Bản đạt đẳng cấp
quốc tế, đồng thời đã tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học tài năng, sáng tạo,
là nguồn cán bộ đầu đàn cho Nhật Bản và cả quốc tế. Trung Quốc cũng đầu tư hàng
tỷ USD nhằm mục tiêu xây dựng các COE để đưa các trường đại học của Trung Quốc
trở thành các đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế...
Đến thực tiễn Việt
Nam
So với các nước phát
triển, việc thành lập COE ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn về nhân lực xuất sắc ở
trình độ thế giới, ngân
quỹ dành cho khoa học thấp, chưa có ngành mũi nhọn ghi được dấu ấn trên thế
giới... nhưng theo nhìn nhận của một số chuyên gia, Việt Nam đã có một số đơn
vị tiềm năng để trở thành COE nếu được đầu tư xứng đáng như Phòng thí nghiệm
nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Phòng thí nghiệm công nghệ Nano, Trung tâm
Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ
Chí Minh...
Tiêu biểu là Trung tâm
Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ
Chí Minh được thành lập năm 2005 với sứ mạng làm hạt nhân trong hoạt động
nghiên cứu và đào tạo về thiết kế vi mạch. Đến nay, ICDREC đã trở thành trung
tâm hàng đầu cả nước trong lĩnh vực công nghệ mới mẻ này. Từ chip SigmaK3 công
nghệ 0,25um- chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 2008, đến nay hàng
loạt chip đã được ICDREC thiết kế và chế tạo để đưa vào các sản phẩm công nghệ
cao như chip VN8-01, chip SG-8V1, chip TH7150, chip VN16-32...
Số lõi IP (lõi IP là một
thành phần tạo nên chip điện tử), đã được ICDREC đăng ký tham gia trên 2 sàn
giao dịch quốc tế là Design& Reuse và Chip Estimate trị giá khoảng 34 triệu
USD. Các sản phẩm của ICDREC đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị ứng dụng với
doanh thu ban đầu hàng chục tỷ đồng. Trên cơ sở các sản phẩm của mình, ICDREC
hợp tác với các doanh nghiệp thành lập 2 công ty spin-off(có thể hiểu là các
doanh nghiệp khoa học)...
Trong Chiến lược phát
triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu, đến năm 2020,
hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế
giới, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với
KHCN, cùng những đổi mới mạnh mẽ từ Luật KHCN (sửa đổi), chúng ta có quyền hy
vọng vào sự ra đời của các COE mang đẳng cấp quốc tế trong tương lai gần./.