SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hai mảng màu trong bức tranh khoa học công nghệ

[27/12/2013 06:16]

Nhìn lại thực trạng hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trong thời gian qua, chúng ta thấy một bức tranh có những điểm sáng tích cực nhưng cũng nhiều mảng màu trầm lắng, thể hiện ở các chỉ số về tiềm lực, năng lực và kết quả đạt được còn khiêm tốn....

Khoa học công nghệ chính là chìa khóa phát triển nền kinh tế trong giai đoạn mới

Nhiều điểm sáng

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh, hiện nay, hệ thống pháp luật về KHCN được tạo lập và ngày càng hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, tiềm lực KHCN có bước phát triển rõ rệt. Số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) là trên 62 nghìn người (7 người/1 vạn dân). Tổng số giảng viên đại học, cao đẳng trong cả nước là hơn 84 nghìn người. Bên cạnh đó, chúng ta có hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức kiều bào ở nước ngoài.

Các tổ chức KHCN cũng tăng nhanh về số lượng, đa dạng hóa về loại hình. Tính đến nay, cả nước đã có 2.202 tổ chức KHCN đăng ký hoạt động (công lập chiếm hơn 80%) và 419 trường đại học, cao đẳng. Nguồn lực tài chính cho KHCN cũng gia tăng, từ năm 2000 đến nay tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KHCN hàng năm đạt 2%, cơ cấu đầu tư giữa công và tư chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu ứng dụng KHCN được nâng cấp và cải thiện. Thị trường công nghệ đã bước đầu hình thành. Hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường, chất lượng tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN được đẩy mạnh, đã hình thành mạng lưới đại diện KHCN tại nhiều quốc gia, địa bàn trọng điểm.

Đặc biệt, KHCN bước đầu có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó khoa học tự nhiên có bước phát triển đáng kể, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực KHCN mới như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực như toán học, vật lý lý thuyết có thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

KHCN đã có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực; có một số thành tựu nổi bật như thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công suất lớn, giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước dùng để khai thác dầu khí, công nghệ khai thác dầu trong đá móng, các giống lúa mới năng suất cao, khai thác vệ tinh viễn thông, làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc, ghép tạng và sản xuất vắc xin....

Và mảng tối...

Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, mặc dù số lượng cán bộ R&D gia tăng nhưng còn rất khiêm tốn so với các nước như Hoa Kỳ (hơn 1,4 triệu người), Trung Quốc (1,2 triệu), Nhật Bản (656 nghìn), Nga (442 nghìn), Hàn Quốc (264 nghìn). Năng lực của đội ngũ nhân lực KHCN nhìn chung còn hạn chế. Chưa có chính sách hợp lý về trọng dụng cán bộ KHCN trong nước và thu hút trí thức Việt kiều….

Hiện nay, mức đầu tư của toàn xã hội cho KHCN chỉ đạt dưới 1% GDP và ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn thấp, số lượng các doanh nghiệp KHCN chưa nhiều. Cơ chế tài chính trong KHCN còn nhiều bất hợp lý, chậm đổi mới.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thực sự có nhiều công trình, sản phẩm KHCN mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Mặc dù các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế của Việt Nam có tốc độ tăng trung bình 22%/năm nhưng hệ số ảnh hưởng (Impact Factor) và chỉ số trích dẫn (average citation) còn thấp. Số lượng công trình khoa học quốc tế của Việt Nam công bố từ năm 2008 đến nay là khoảng 6.356 công trình, kém Thái Lan 4 lần, kém Singapore 7 lần, kém Nhật Bản 57 lần, Hoa Kỳ 256 lần....

Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 70/148 quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 76/141 quốc gia. Trong khi Singapore ở tốp đầu thế giới và các nước Malaysia, Thái Lan đều đứng trên Việt Nam. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu trong nước được thương mại hóa và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh còn thấp. Tình trạng đề tài, dự án nghiệm thu xuất sắc nhưng “cất vào ngăn kéo” còn chưa khắc phục được.

Để khắc phục các yếu kém, đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một nền KHCN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030 một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới, hoạt động KHCN thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, trong đó đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước “đặt hàng” nhiệm vụ KHCN, cấp phát tài chính linh hoạt theo cơ chế quỹ, có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ đầu ngành, cán bộ trẻ tài năng, lực lượng trí thức kiều bào.... Bên cạnh đó, tập trung phát triển một số viện KHCN, trường đại học cấp quốc gia theo mô hình tiên tiến trên thế giới; phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN, hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian môi giới, đánh giá, định giá công nghệ; triển khai hợp tác KHCN tầm quốc gia với các nước tiên tiến về KHCN.../.

Ven.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ