SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Năm 2014: Khởi đầu những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách KH&CN

[23/01/2014 11:05]

Mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có cuộc tọa đàm với một số nhà khoa học về những giải pháp tổ chức thực hiện Luật KH&CN sửa đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN. Tạp chí Tia Sáng xin trích đăng những ý kiến trong buổi tọa đàm đó.

Tham gia tọa đàm với Bộ trưởng Nguyễn Quân có: TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế; GS.TS. Trần Đức Viên – Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội; PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp; GS.TS. Nguyễn Quang Liêm – Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS. Phạm Thành Huy – Viện trưởng Viện Tiên tiến KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội; GS. TS Phùng Hồ Hải, Viện phó Viện Toán học.

Bộ trưởng Nguyễn Quân

NĂM THAY ĐỔI LỚN VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KH&CN

Trong năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật KH&CN sửa đổi với 5 thay đổi lớn về cơ chế, chính sách KH&CN. Đó là:

Tăng thẩm quyền của Bộ KH&CN trong việc đề xuất kế hoạch phân bổ phần ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho KH&CN đã được Quốc hội thông qua. Trước đây, việc này do Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính làm, Bộ KH&CN hầu như là người ngoài cuộc, và hậu quả là không ai thực sự chịu trách nhiệm về hiệu quả các khoản đầu tư NSNN cho KH&CN. Nay Nghị quyết của Đảng và Luật KH&CN sửa đổi đều quy định là Bộ KH&CN đề xuất phương án phân bổ NSNN dành cho KH&CN, trong đó sẽ xác định: phần kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp KH&CN cho các Bộ, ngành, địa phương; tỷ trọng giữa đầu tư phát triển và sự nghiệp KH&CN (trong chi cho sự nghiệp KH&CN có tỷ trọng giữa chi thường xuyên và R&D); và tỷ trọng giữa đầu tư cho Trung ương và địa phương – Theo quan điểm của Bộ KH&CN thì kinh phí đầu tư cho KH&CN nên được ưu tiên cho địa chỉ nào sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả, còn những nơi sử dụng sai mục đích hoặc kém hiệu quả sẽ phải bị cắt giảm.

Huy động vốn đầu tư của xã hội cho KH&CN qua việc yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải dành một tỷ lệ lợi nhuận trước thuế nhất định đầu tư vào các quỹ phát triển KH&CN của bản thân doanh nghiệp hoặc đóng góp cho các quỹ của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào cuộc sống thì Bộ Tài chính cần sớm cập nhật điều chỉnh các quy định hiện hành - ví dụ với mức lợi nhuận trước thuế năm vừa qua của Viettel là hơn 1tỷ USD thì tập đoàn này có thể đầu tư tới hàng trăm triệu USD (10%) vào các quỹ phát triển KH&CN, nhưng trong thực tế Viettel chỉ tiêu được 400 tỷ do vướng các quy định hiện hành của Thông tư 15/2011/TT-BTC.

Cho phép dùng NSNN đầu tư cho các tổ chức, cá nhân khu vực ngoài Nhà nước làm KH&CN nếu việc đầu tư đó là hiệu quả, có giá trị tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. (Đây là một chủ trương mà Bộ KH&CN kiên trì vận động từ lâu nay nhưng không nhận được sự đồng tình của các Bộ, ngành liên quan).

Thay đổi cơ chế tài chính, trong đó với những quy định có tính đột phá như áp dụng rộng rãi cơ chế quỹ KH&CN trong tài trợ kinh phí nghiên cứu, theo đó mọi hoạt động nghiên cứu dùng NSNN từ cấp Trung ương tới địa phương đều phải thông qua quỹ KH&CN (chỉ dành ngoại lệ cho những nơi chưa có quỹ). Bên cạnh đó là cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng sẽ được quy định cụ thể, cho phép các nhà khoa học khi quyết toán sẽ không còn phải “bịa” hóa đơn chứng từ, ký nhiều giấy họp, mua hóa đơn đỏ, khai khống thời gian đi công tác, v.v. Đồng thời có nhiều nội dung chi được bổ sung như kinh phí thuê chuyên gia, cơ chế hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu, đăng ký bảo hộ SHTT, kinh phí dự phòng, v.v. Trong đó bao gồm cả việc đưa kinh phí chi thường xuyên của các tổ chức nghiên cứu vào dự toán kinh phí của đề tài, dự án, một yếu tố quan trọng để giúp các cơ quan nghiên cứu Nhà nước chuyển sang tự chủ tự chịu trách nhiệm – các tổ chức nghiên cứu càng thực hiện nhiều đề tài thì càng có kinh phí để duy trì và phát triển bộ máy của mình.

Vấn đề cuối cùng là Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách trọng dụng ưu đãi đặc biệt cho các nhà khoa học đầu ngành, các tổng công trình sư thực hiện những nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia, và các nhà khoa học trẻ tài năng. Ngoài ra Bộ KH&CN còn mong muốn có cơ chế giao  khoán kinh phí cho các nhà khoa học đầu ngành để họ được tự chủ trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo, xây dựng đội ngũ (Luật KH&CN sửa đổi cho phép dành một phần kinh phí sự nghiệp khoa học cho đào tạo, hiện nay kinh phí đào tạo vẫn thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT).

Những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách KH&CN quy định trong Luật KH&CN sửa đổi đều phù hợp với thông lệ quốc tế và có những quy định chúng ta đã từng thực hiện, như sự ra đời và hoạt động của Quỹ Nafosted với định mức chi và cơ chế thanh quyết toán thông thoáng hơn, đồng thời với ràng buộc đầu ra là công bố quốc tế trên các tạp chí ISI đã tạo sự chuyển biến lớn về hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu cơ bản qua số lượng công bố trên các tạp chí ISI của Việt Nam tăng nhanh gấp 2 lần. Nhưng để những thay đổi lớn về cơ chế, chính sách đó đi vào cuộc sống còn nhiều vướng mắc về quan điểm giữa Bộ KH&CN với một số Bộ, ngành liên quan trong xây dựng các Nghị định và nhất là xây dựng các Thông tư hướng dẫn. Chẳng hạn như trong việc xây dựng các nghị định về đầu tư tài chính cho KH&CN và Nghị định về chính sách đãi ngộ, trọng dụng các nhà khoa học, do vậy Bộ KH&CN phải báo cáo để Thủ tướng quyết định (và Thủ tướng đã có văn bản kết luận về cơ bản nhất trí với các đề xuất của Bộ KH&CN).

TS. Lê Đăng Doanh:

THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ CHO KH&CN CỦA DOANH NGHIỆP

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện nay được xếp thứ 70, trong khi năng lực giáo dục được xếp thứ 96, năng lực thể chế được xếp thứ 98, còn năng lực sáng tạo KH&CN chỉ được xếp thứ 102. Điều này cho thấy đóng góp của KH&CN đối với nền kinh tế và xã hội của chúng ta còn rất hạn chế.

Năm 2007 khi gia nhập WTO, với nguồn vốn nước ngoài dồi dào – ngoài FDI riêng nguồn tiền của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán lên tới 12 tỷ USD – lẽ ra chúng ta phải tận dụng khai thác một cách hiệu quả bằng việc cải tổ thể chế và đầu tư mạnh mẽ cho KH&CN. Nhưng trong thực tế việc cải cách thể chế bị buông lơi (thể hiện rõ nhất ở việc không có Luật đầu tư công), khiến người ta đua nhau chạy theo những lợi ích nhóm và lợi ích ngắn hạn, làm giàu nhờ bất động sản và khai thác các tài nguyên thô. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn không có ý thức đầu tư cho KH&CN – ngoại trừ Tập đoàn Dầu khí với đặc thù hoạt động khai thác, sản xuất bắt buộc đòi hỏi phải có những nghiên cứu khảo sát, thăm dò.

Để thay đổi thực tế trên, Nhà nước cần sớm có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, trước hết cần có chính sách buộc các doanh nghiệp Nhà nước trích lợi nhuận đầu tư vào các quỹ KH&CN; đồng thời các quỹ này phải có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động với Bộ KH&CN. Bên cạnh đó phải xây dựng cơ chế tín dụng KH&CN cho phép các doanh nghiệp vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tín dụng của chúng ta đang dư thừa tại các ngân hàng.

CHẤN CHỈNH NHỮNG YẾU KÉM TRONG HOẠT ĐỘNG KHCN

Trong mọi hoạt động, giới KH&CN cũng cần có sự nghiêm túc chấn chỉnh, loại trừ những gian dối, tiêu cực để có được niềm tin từ xã hội. Tôi biết ở Việt Nam có những ông viện trưởng không viết một chữ nào trong đề tài được đứng tên, thậm chí còn chưa hề đọc nội dung. Trong khi đó, nếu so sánh với giới KH&CN quốc tế, chỉ cần nhìn sang Trung Quốc sẽ thấy nhà khoa học của họ phải làm việc cật lực để xứng đáng với những đồng kinh phí được cấp cho các đề tài nghiên cứu.

Chúng ta phải sớm học tập kinh nghiệm và thực hiện theo thông lệ quốc tế về kiểm tra, giám sát chéo giữa các tổ chức nghiên cứu. Ví dụ ở một số nước, cứ 3 năm một lần giữa các viện thuộc khối trường đại học với các viện từ Viện Hàn lâm KH&CN có sự kiểm tra lẫn nhau, trong đó mỗi tổ điều tra gồm 5 người, đi kiểm tra chi tiết đến từng đề tài khoa học của một đơn vị, xem xét nội dung đóng góp nghiên cứu của từng thành viên thực hiện đề tài. Nếu ai bị phát hiện có sai phạm, gian dối thì sẽ lập tức bị trừ lương, thậm chí cách chức.

PGS.TS. Trần Đức Viên, Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp HN

ĐỘNG LỰC VÀ NGUỒN LỰC CỦA HOẠT ĐỘNG KHCN

Để cải thiện hiệu quả công việc của các nhà khoa học chúng ta cần tập trung vào hai yếu tố cốt lõi là động lực và nguồn lực. Cụ thể là các nhà khoa học cần được tin tưởng trọng dụng và có môi trường học thuật tự do, độc lập, chuyên nghiệp, các ý kiến của họ cần được các nhà quản lý tôn trọng lắng nghe, kể cả những ý kiến trái ngược. Đặc biệt, cần tôn vinh những người có đóng góp lớn cho khoa học và xã hội vì điều đó với họ nhiều khi còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Với các nhà khoa học hàng đầu phải được giao nguồn kinh phí đầy đủ cần thiết để họ có thể tập hợp quanh mình một đội ngũ nghiên cứu mạnh, đồng thời đào tạo và gây dựng phát triển đội ngũ kế cận là thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ, do đa số các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay còn thiếu kinh nghiệm, chưa thể tự mình đăng ký tài trợ cho các đề tài khoa học.

Hiện nay cách quản lý kinh phí cho các đề tài KH&CN quá nặng nề, luôn nhìn nhà khoa học bằng con mắt ngờ vực, và hầu như chỉ chú trọng quản lý đầu vào, buông lỏng đầu ra; đồng thời việc đầu tư quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị KH&CN còn nhiều thiếu sót, (ví dụ như  các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia) khiến Nhà nước đổ không ít tiền của mà số lượng các công bố và kết quả khoa học thu được rất hạn chế. Để thay đổi thực trạng này, chúng ta phải kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả khai thác toàn bộ trang, thiết bị của các phòng thí nghiệm trong cả nước, yêu cầu các tổ chức nghiên cứu phải đẩy mạnh việc hợp tác chia sẻ nguồn lực và tránh lãng phí, và đối với các phòng thí nghiệm xây dựng mới nhất thiết phải kèm theo ràng buộc về sản phẩm đầu ra.

ĐẦU TƯ CÓ TRỌNG ĐIỂM

Nguồn lực cho KH&CN phải được đầu tư có trọng điểm thay vì đầu tư dàn trải cho hàng nghìn viện trường. Theo kinh nghiệm của Úc, quỹ ARC (Australian Research Council) tập trung tới 66% nguồn kinh phí KH&CN tài trợ cho cho 5 trường đại học hàng đầu quốc gia – nhờ thế năm trường này lọt vào top 50 trường ĐH hàng đầu thế giới. Tương tự như vậy, ở Việt Nam chúng ta chỉ nên tập trung tài trợ kinh phí KH&CN cho các trường tốt nhất và mỗi trường chỉ nên tập trung 2-3 ngành mũi nhọn.

Đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng cũng cần sớm hướng tới các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các đề tài triển khai sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, chúng ta cần thúc đẩy việc huy động nguồn kinh phí các doanh nghiệp. Qua tham khảo kinh nghiệm của Bỉ, chúng tôi thấy rằng ngay ở các trường đại học công nghệ họ cũng dành đến 60% kinh phí cho các nghiên cứu cơ bản, chỉ 40% cho phát triển công nghệ, còn tiền phát triển sản phẩm đưa ra thị trường hầu hết là tiền của các công ty. Để làm được như Bỉ thì Nhà nước nhất thiết phải có quy định tỷ lệ nội địa hóa công nghệ sản xuất của doanh nghiệp để bắt buộc họ phải tìm cách ứng dụng những công nghệ mới của nội địa.

PGS.TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp

NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ HẠN CHẾ VÀ PHÂN TÁN

Nhận thức về sự cần thiết phải đầu tư cho KH&CN của chúng ta còn mang tính hình thức, thể hiện ở mức đầu tư quá khiêm tốn. Chẳng hạn con số 100 triệu USD cho nguồn kinh phí tài trợ các hoạt động KH&CN mà Bộ KH&CN được giao để phân bổ cho các tổ chức nghiên cứu trong nước là quá thấp, thậm chí đáng báo động. Với nguồn kinh phí thế này không một ai có thể đảm bảo có một nền khoa học công nghệ như đất nước kỳ vọng được.  

Hệ thống nghiên cứu tổ chức chưa tốt dẫn đến nguồn lực rất hạn chế này lại bị phân tán nặng nề. Chúng ta có quá nhiều trường, viện, trung tâm KH&CN khiến nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước không tránh khỏi bị dàn trải manh mún. Theo các chuyên gia quốc tế (Nhật Bản) đánh giá, với một đất nước có GDP quy mô dưới 200 tỷ USD như ở Việt Nam thì con số 600 viện nghiên cứu là quá nhiều và là sự lãng phí lớn. Nhóm chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức còn thống kê cả nước hiện có khoảng 1670 tổ chức khoa học công nghệ ở cả Trung ương và địa Phương. Đó là con số rất lớn, góp phần làm dàn trải nguồn lực tài chính vốn đã rất hạn hẹp của chúng ta.

Cách cấp phát kinh phí cũng mong muốn được tốt lên. Ví dụ nguồn kinh phí cho KH&CN được cấp qua Bộ NN&PTNT cho các viện nghiên cứu cũng rất khiêm tốn. Trước đây tính ra trên đầu biên chế chúng tôi chỉ nhận được trên 37 triệu đồng/năm, không đủ để trả lương tháng nhà nghiên cứu ở mức 4 triệu đồng, và hoàn toàn không được giao kinh phí hoạt động bộ máy.

Với việc cấp kinh phí như vậy thì việc xây dựng chiến lược phát triển nghiên cứu của các viện, các nhóm nghiên cứu  trở thành vô nghĩa vì không thể có tiền để thực hiện chiến lược, và khó có thể đăng ký tài trợ Nhà nước cho các đề tài nghiên cứu chuyên sâu do không có tiền để tự tài trợ những nghiên cứu mang tính thăm dò làm cơ sở cho thuyết minh ban đầu của đề tài. Bên cạnh đó, sức sáng tạo của các viện nghiên cứu bị giảm thiểu do mọi hoạt động bị ràng buộc trong kế hoạch cấp phát kinh phí, trong đó từng đề tài bị kiểm soát chi li cho từng dòng, hạng mục kinh phí.

Việc đào tạo những người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn vì phụ thuộc đáng kể vào nguồn kinh phí từ các đề tài nghiên cứu vốn rất hạn chế. Chẳng hạn để đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao, chúng tôi cần ít nhất 2 năm để đào tạo. Nhưng thường mỗi đề tài chỉ kéo dài trong vòng 3 năm, nếu không có đề tài kế tiếp thì những người vừa được đào tạo và trưởng thành sau 3 năm đó sẽ buộc phải ra đi do viện không có tiền để giữ chân họ.

CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO CÁC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG

Các nước xuất khẩu gạo khác trên thế giới chúng ta thấy rằng họ có cơ chế đặc thù trong xây dựng và quảng bá thương hiệu giống cây trồng, với cách đầu tư bài bản, có tính tập trung cao. Ví dụ như Ấn Độ chỉ tập trung vào việc liên tục cải thiện giống Basmati, không cần tạo giống mới, nhờ đó tạo thành một thương hiệu ổn định, dễ duy trì mà không tốn tiền xây dựng các thương hiệu mới. Cách đầu tư như vậy có tính dài hạn mà không tốn kém. Thái Lan dành 10 năm để đầu tư xây dựng và quảng bá cho giống lúa Jasmin của họ, với tổng chi phí khoảng 5 triệu USD. Nhờ có chiến lược đó mà gạo của hai nước này luôn có giá xuất khẩu cao hơn gạo Việt Nam. Hay một ví dụ khác, người Mỹ đã tổng kết: để tạo ra và đưa vào sản xuất thương mại một giống cây trồng biến đổi gene phải mất hơn 10 năm, với chi  phí 50-100 triệu USD. Để là chủ sở hữu của giống cây trong biến đổi gene, chúng ta cũng cần phải có chiến lược dài hạn về thời gian và kinh phí như vậy.

GS.TS. Phùng Hồ Hải, Phó Viện trưởng Viện Toán học VN

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁC NHÀ KHOA HỌC TRẺ

Hiện nay, do chúng ta thiếu một cơ chế hỗ trợ các cán bộ trẻ, tạo điều kiện để họ chín muồi trước khi trở thành nhà khoa học – trong ngành toán, những người sau khi có bằng tiến sĩ vẫn cần thêm khoảng 6 năm để tự hoàn thiện – nên nhiều người giỏi không muốn hoặc không thể tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học, hậu quả là năng lực, trình độ của thế hệ trẻ ngày nay đang thua kém các thế hệ cũ. Để thay đổi thực trạng này, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ cho những người trẻ tuổi trên diện rộng, không chỉ giới hạn ở những người xuất sắc. Trước hết phải có các quỹ học bổng cho người làm nghiên cứu sinh và hậu tiến sĩ (giới hạn thời gian 3 năm đối với hậu tiến sĩ). Tiêu chí về trọng dụng nhà khoa học trẻ tuổi không thể quá khắt khe, ví dụ với các tiêu chí mà Bộ KH&CN đang xây dựng (như có công trình công bố quốc tế xuất sắc khi dưới 35 tuổi) thì ngành toán hầu như không có người đáp ứng.

Bên cạnh đó, như TS. Lê Đăng Doanh đã đề cập, chúng ta cũng cần lập những hội đồng 5 người đánh giá chéo các đơn vị nghiên cứu, rà soát lại xem các đề tài mà họ đã và đang thực hiện có giá trị thực chất hay không. Chúng ta biết rằng ở Mỹ một trường đại học danh tiếng cũng chuyên gia bên ngoài vào đánh giá từng khoa. Nếu không làm vậy thì những gian dối, tiêu cực trong KH&CN tiếp tục tồn tại, ảnh hưởng xấu tới uy tín của giới khoa học Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng Viện KH Vật liệu:

Để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN có 3 vấn đề chúng ta phải làm, đó là: Thay đổi nhận thức trong tất cả mọi lĩnh vực phát triển; Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với sự đóng góp của mọi nhà khoa học thay vì chỉ tập trung cho một số ít người xuất sắc, vì đa số các nhiệm vụ KH&CN quan trọng cần sự chung sức tham gia của rất nhiều người. Hiện nay đội ngũ cán bộ KH&CN của chúng ta không nhiều, chỉ có khoảng 60 nghìn người, trong khi với một đất nước 100 triệu dân như Việt Nam, nếu cứ 1000 dân cần có 1 nhà khoa học thì chúng ta sẽ phải cần đến 100 nghìn người. Theo tính toán sơ bộ, nếu chúng ta tăng mức chi thường xuyên cho một cán bộ khoa học 50 triệu đồng/1 năm (tức 3000 tỷ cho 60 nghìn người), thì sẽ tạo thêm nhiều động lực sáng tạo cho các nhà khoa học, đồng thời chỉ trong khoảng 5 năm sẽ thu hút đông đảo một thế hệ mới những người trẻ tuổi theo học và tốt nghiệp các ngành KH&CN sẵn sàng cống hiến cho đất nước; Hoạt động truyền thông cho KH&CN phải được cải thiện, vừa khích lệ các tấm gương dấn thân trong lao động sáng tạo của nhà khoa học, vừa truyền bá vẻ đẹp của khoa học, giúp nâng cao vị thế của nhà khoa học trong nhận thức của xã hội.

PGS.TS. Phạm Thành Huy, Viện trưởng, Viện tiên tiến KH&CN, ĐH Bách khoa HN

Để thực sự tăng cường sự hợp tác giữa khối doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, chúng ta cần có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho KH&CN, đặc biệt là phải có cơ chế giám sát việc sử dụng những khoản đầu tư này. Bên cạnh đó, nên yêu cầu các đề tài ứng dụng công nghệ phải có phần đóng góp của doanh nghiệp, ban đầu có thể là Nhà nước bỏ ra 2 đồng thì doanh nghiệp phải đối ứng vào 1 đồng, và đến các giai đoạn tiếp theo tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp sẽ phải yêu cầu tăng dần lên.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và xã hội sẽ chỉ thực sự có lòng tin khi các tổ chức nghiên cứu tạo ra những sản phẩm cụ thể có giá trị thương mại hóa rõ rệt. Muốn vậy chúng ta cần những đề tài nghiên cứu sâu hơn, dài hạn hơn (có thể 5-7 năm), và nên ưu tiên đầu tư cho những dự án tiềm năng nhất; đồng thời với việc định kỳ kiểm tra để đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ. Trong nghiên cứu cơ bản, Quỹ Nafosted cũng cần quan tâm đầu tư tài trợ nhiều hơn cho những dự án dài hạn như vậy vì đó là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng các nghiên cứu cơ bản nhất là nghiên cứu có tính ứng dụng cao; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải hiện nay; đồng thời tạo ra công việc ổn định giữ chân các nhà khoa học giỏi.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ