Các quy định về công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính
Ngày 07 tháng 02 năm 2014, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 05/2014/TT-BTP về việc hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính.
Thông tư
này quy định chi tiết và hướng dẫn về điều kiện, phạm vi công bố thủ tục hành
chính; hình thức và nội dung Quyết định công bố thủ tục hành chính; trách nhiệm
xây dựng Quyết định công bố thủ tục hành chính; trách nhiệm đôn đốc, kiểm soát
chất lượng dự thảo Quyết định công bố; quy trình xây dựng, ban hành Quyết định
công bố thủ tục hành chính của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan nganh bộ, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tổng giám đốc cơ quan; niêm yết thủ tục hành chính,
chế độ báo cáo kết quả kiểm soát thủ tục hành chính. Cụ thể, đối với các cơ
quan cấp tỉnh được quy định như sau:
Thứ nhất,
Thông tư 05/2014/TT-BTP xác định các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng quyết định công bố thủ tục
hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý ngành, lĩnh vực ngay sau khi nhận
được quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ.
Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp có
trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm soát chất lượng đối với dự thảo quyết định
công bố do các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh xây dựng.
Thứ hai,
quyết định công bố thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải
được ban hành chậm nhất trước 05 (năm) ngày tính từ ngày văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quy định về thủ tục
hành chính có hiệu lực thi hành.
Thứ ba,
trách nhiệm niêm yết công khai thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định
tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, cụ thể: Các cơ quan, đơn vị có
nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương phải
thực hiện niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ thủ tục hành chính thuộc thẩm
quyền tiếp nhận, giải quyết.
Thứ tư,
việc niêm yết thủ tục hành chính phải đảm bảo các yêu cầu về tính kịp thời,
chính xác, rõ ràng, đầy đủ các thủ tục hành chính và bộ phận tạo thành thủ tục
hành chính theo Quyết định công bố, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân
tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp
pháp của cá nhân, tổ chức. Đồng thời có cơ sở, điều kiện để thực hiện quyền
giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức
nhà nước.
Thứ năm, cách thức niêm yết được quy định rõ ràng, cụ thể, được chia
thành tập theo từng lĩnh vực và công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp
tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính là yêu cầu bắt buộc theo Điều 17 Nghị
định số 63/2010/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.
Thứ sáu, về trách nhiệm báo cáo, Thông tư quy định:
Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị chuyên môn thuộc sở, ngành có trách nhiệm
báo cáo theo nội dung tại các biểu mẫu kèm theo thông tư này. Sở Tư pháp giúp Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo của các cơ quan chuyên môn về ngành,
lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và báo cáo của
Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh ký ban hành báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành
chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/3/2014.