Truyền thông khoa học: Cần một “nhạc trưởng” tài ba
Trao đổi với phóng viên về ngày KH&CN Việt Nam đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 18/5 tới GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã cho biết như trên.
Cần khuyến khích thế hệ trẻ say mê nghiên cứu khoa học.
(Trong ảnh: Sinh viên trường Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên
với sản phẩm Mô hình ô tô điều khiển từ xa. Ảnh: Ngũ Hiệp)
Giáo sư,
Viện sĩ (GS.VS) Nguyễn Văn Hiệu thuộc thế hệ các nhà khoa học đầu đàn của nền
khoa học Việt Nam chia sẻ, để khoa học công nghệ (KH&CN) trở thành
quốc sách hàng đầu, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, trước
tiên phải có những nhà khoa học giỏi nghiên cứu ra những đề tài đáp ứng nhu cầu
cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay có một tình trạng, nhà khoa học làm ra kết quả
không biết ai dùng và người cần thì không biết có kết quả đó. Chính vì vậy rất
cần đến người làm công tác trong lĩnh vực truyền thông KH&CN.
Trao đổi
với phóng viên Trung tâm Truyền thông về ngày KH&CN Việt Nam đầu tiên sẽ
được tổ chức vào ngày 18/5 tới, ông ví làm truyền thông KH&CN như chơi một
dàn nhạc giao hưởng, trong đó Trung tâm Truyền thông của Bộ KH&CN phải là
một nhạc trưởng tài ba trong dàn nhạc này.
Ông cho
rằng hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ phổ biến, thông tin đến mọi
tầng lớp nhân dân mà đặc biệt là đến các nhà lãnh đạo, nhà quản lý các ngành,
các cấp, các nhà khoa học, nhà sản xuất và toàn thể những người lao động những
đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN, về các chiến
lược, kế hoạch phát triển KH&CN của nước nhà. Qua đó giới thiệu với xã hội
những thành tựu mới của KH&CN trong và ngoài nước để mọi người biết và sử
dụng các kết quả nghiên cứu đó.
Nhưng
không phải chỉ có thế, ông cũng cho rằng hoạt động truyền thông KH&CN còn
có tác dụng động viên khuyến khích mọi người nỗ lực, hăng hái trau dồi kiến
thức để kịp thời nắm bắt tình hình phát triển trên thế giới cũng như trong nước
các lĩnh vực KH&CN có liên quan đến lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của
mình, cố gắng học hỏi nâng cao trình độ và ứng dụng vào hoạt động nghiên cứu.
Hoạt
động truyền thông KH&CN còn có tác dụng rất lớn đó là tôn vinh, nêu lên
những tấm gương của các nhà khoa học, tập thể nhà khoa học kiên trì miệt mài
nghiên cứu, đưa khoa học về phục vụ sản xuất đời sống của nhân dân, đóng góp
vào sự phát triển kinh tế, xã hội, qua đó động viên toàn xã hội, nhưng trước
hết là động viên giới khoa học nỗ lực hơn nữa cống hiến cho đất nước bằng tài
năng, bằng trí tuệ của mình cũng như là khuyến khích lớp trẻ, đặc biệt là những
người còn đang ngồi trên ghế nhà trường đam mê, nỗ lực nghiên cứu khoa học,
phấn đấu để trở thành những nhà khoa học tài năng.
GS.VS
Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, những năm gần đây hoạt động truyền thông KH&CN
bắt đầu phát triển mạnh mẽ, quy về một mối thống nhất và phát huy tác dụng.
Dưới góc độ của một người làm nghiên cứu khoa học ông nhận định, truyền thông
KH&CN nên chú ý đến việc phổ biến rộng rãi và tìm ra những hình thức thích
hợp để tuyên truyền. Bởi trong vòng hai thập kỷ qua ngành KH&CN đã có một
hệ thống các chương trình KH&CN cấp nhà nước, các chương trình KH&CN
của cách ngành, địa phương…các kết quả nghiên cứu thu được nhiều và tương đối
có giá trị, nhưng đáng buồn là những kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào
cuộc sống còn ít, nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị làm xong được đánh giá tốt
nhưng lại không có “đầu ra”…. Vì vậy truyền thông KH&CN phải là cầu nối tạo
điệu kiện để sự trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các nhà khoa học và người
dân. “Trong những năm gần đây hệ thống thông tin đại chúng, đặc biệt hệ thống
các đài truyền hình trung ương, địa phương cùng các báo đài đều dành khá nhiều
trang, thời gian cho nội dung truyền thông KH&CN. Tuy vẫn còn rời rạc lẻ
tẻ, nhưng những hoạt động này đã được quy về một mối, trở thành một hệ thống
hoạt động thống nhất ở tầm cỡ quốc gia, và trở thành một bộ phận khăng khít của
sự phát triển KH&CN nước nhà”, GS,VS chia sẻ.
Nói về
ngày KH&CN Việt Nam (18/5), ông cho biết rất vui và tự hào vì giới khoa học
và những người công tác trong lĩnh vực khoa học đã được xã hội ghi nhận và tôn
vinh.
“Được biết, để kỉ niệm Ngày khoa học công nghệ
Việt Nam, các cơ quan đoàn thể từ trung ương tới địa phương sẽ phối hợp với Bộ
KH&CN và các Bộ ngành khác… giới thiệu với người dân và xã hội những thành
tựu mới của khoa học nước ngoài cũng như ở trong nước, tổ chức nhiều diễn đàn
khoa học, câu lạc bộ khoa học, mời các nhà khoa học đến để trình bày giới thiệu.
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng cũng có nhiều chương trình giới
thiệu về KH&CN. Cũng nhân dịp ngày KH&CN các Bộ, các ngành địa phương,
các Viện nghiên cứu, trường đại học làm công tác khoa học tổ chức trao giải thưởng
khoa học cho các cá nhân và tập thể các nhà khoa học có các công trình khoa học
xuất sắc, đó là một hình thức tôn vịnh kịp thời những là khoa học, tập thể có
đóng góp cho xã hội. Tôi tin rằng đây sẽ là ngày KH&CN được toàn xã hội biết
đến bởi nó không đơn thuần chỉ là ngày người này đến tặng hoa người kia mà là
hoạt động ghi nhớ và tôn vinh thật sự”. GS.VS nói.