HƯỞNG ỨNG NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM 18.5: Chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
Những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ (KH - CN) đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam chủ động mở rộng các mối quan hệ thông qua việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về KH - CN.
Theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 6
Khóa XI và Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước đến năm 2020, mục tiêu mà
Việt Nam cần đạt được là giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng
công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP; giá trị sản phẩm công nghiệp chế
tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; nông nghiệp có
bước phát triển theo hướng hiện đại, có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao;
yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%. Đồng thời,
chiến lược cũng chỉ rõ phát triển và ứng dụng KH - CN là một trong 3 giải pháp
đột phá. Đây là những yếu tố trực tiếp quyết định việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng
dụng KH - CN - đặc biệt là công nghệ cao - trong các sản phẩm hàng hóa; nâng
cao năng lực đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; và tăng sức cạnh tranh
cho nền kinh tế bằng việc tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ tri thức và sáng tạo.
Bên cạnh nhiều thành tựu đáng kể, năm
2013 cũng chứng kiến những thách thức và khó khăn trong phát triển KT-XH. Tuy
nhiên, trong bối cảnh đó, có 2 điều nổi trội đó là: vai trò hết sức quan trọng
của KH - CN trong phát triển KT-XH, đặc biệt trong giai đoạn tăng tốc công cuộc
công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến năm 2020; và trong xu thế hội nhập quốc tế
sâu rộng của đất nước trên nhiều lĩnh vực kéo theo sự hội nhập quốc tế trong lĩnh
vực KH - CN một cách mạnh mẽ, từ đó đòi hỏi các hoạt động hợp tác quốc tế được
tăng cường hơn, nội dung đa dạng hơn, các đối tác tham gia vào hoạt động hợp
tác quốc tế cũng phong phú hơn không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học, mà
còn mở rộng ra cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Bộ KH - CN đang
tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó nâng
cao năng lực, đổi mới toàn diện cơ chế quản lý KH - CN; tiếp tục nâng cao chất
lượng nghiên cứu khoa học, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng KH - CN vào đời sống
kinh tế - xã hội, với vai trò doanh nghiệp là trung tâm của ứng dụng và đổi mới
công nghệ; tăng cường hội nhập quốc tế về KH - CN.
Hợp tác và hội nhập quốc tế đang được
tổ chức thực hiện với tư cách là một bộ phận hợp thành trong các hoạt động của
Bộ KH - CN, là một kênh quan trọng để huy động bổ sung nguồn lực về tri thức,
công nghệ và cả tài chính từ bên ngoài phục vụ cho các trọng tâm phát triển KH
- CN. Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn đa phương, hợp tác quốc tế còn đóng
vai trò chính yếu để đưa KH - CN hội nhập chủ động, sâu rộng hơn với cộng đồng
KH - CN quốc tế. Những cơ hội rõ ràng cho KH - CN Việt Nam khi hội nhập
quốc tế đó là khả năng tiếp cận thông tin và tiến bộ kỹ thuật nhanh và khách
quan, khả năng nâng cao tiềm lực KH - CN. Song cũng có những thách thức không
nhỏ đó là thiếu hụt nhân lực trình độ cao, thiếu cơ sở vững chắc cho môi trường
cạnh tranh lành mạnh và bất cập về quản lý kinh tế vĩ mô.
Trong giai đoạn hiện nay, hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực KH - CN ngày càng được mở rộng. Hợp tác quốc tế có tính tương
tác rất rõ, thường xuất phát từ các hoạt động như thiết lập và mở rộng quan hệ;
xây dựng lòng tin; đi đến làm việc ký kết hiệp định hợp tác KH - CN. Chúng ta
đã và đang mở rộng các mối quan hệ thông qua việc ký kết các hiệp định/thỏa
thuận hợp tác song phương, tích cực tham gia trong các diễn đàn hợp tác KH - CN
đa phương (ASEAN, APEC, ASEM, UNESCO…). Và ở góc độ nào đó, trong các mối quan
hệ này đang có chiều hướng đổi từ “thụ động” sang “chủ động” hơn.
Cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh
về năng lực KH - CN của các tổ chức KH - CN trong nước, sự hỗ trợ từ Nhà nước
thông qua các cơ chế khuyến khích cụ thể, và đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu
phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam, các hoạt động hợp tác và hội nhập KH
- CN quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ có đổi mới theo
hướng chủ động hơn: chủ động trong việc lựa chọn vấn đề hợp tác, lựa chọn đối
tác, lĩnh vực ưu tiên và trách nhiệm đóng góp.
Các đối tác quốc tế hợp tác với Bộ KH
- CN cũng đa dạng hơn, bao gồm các bộ phụ trách về kinh tế, công nghiệp, quỹ
đầu tư, và tập đoàn đa quốc gia có hàm lượng công nghệ lớn như IBM, Microsoft.
Nguồn vốn ODA đang từng bước được khai thác có hiệu quả, gắn chặt với các định
hướng phát triển KH - CN lớn của quốc gia, tranh thủ được nguồn tài trợ của đối
tác nước ngoài. Có thể kể đến các dự án của Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, Vương
quốc Bỉ, và Ngân hàng thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, hoạt
động hợp tác quốc tế cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Có thể, tính “đặt
hàng” cũng như những nội dung “đặt hàng” mang tính chủ động của ta trong hợp
tác với đối tác nước ngoài còn chưa rõ nét. Điều này dẫn đến việc chưa có nhiều
dự án hợp tác với nước ngoài tranh thủ được giá trị gia tăng từ hợp tác quốc tế
như bí quyết công nghệ và chuyển giao công nghệ; sự liên kết và hợp lực giữa
các chương trình trọng điểm cấp nhà nước với các chương trình/dự án hợp tác với
nước ngoài cần phải được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Điều này một mặt
giúp tối ưu được việc sử dụng nguồn lực trong nước, đồng thời tranh thủ sự hỗ
trợ tối đa của đối tác nước ngoài trong việc triển khai các nội dung trong
chương trình; kênh huy động nguồn kinh phí đối ứng trong nước để thực hiện các
dự án này đang hạn hẹp về quy mô cũng như cơ chế vận hành…
Trước thực trạng trên, để tiếp tục đẩy
mạnh hiệu quả hợp tác và hội nhập KH - CN với thế giới cần tăng cường phối hợp
với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ; ưu tiên
kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức thành
lập các trung tâm R-D hoặc Trung tâm đổi mới công nghệ tại Việt Nam; ưu tiên
cho việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về KH - CN cho các địa phương. Bên
cạnh đó, xây dựng chương trình/kế hoạch vận động các nguồn tài chính từ ODA,
các tổ chức quốc tế có uy tín, các quỹ KH - CN quốc tế... hỗ trợ Việt Nam nâng
cao năng lực hệ thống KH - CN. Ngoài ra, tăng cường hiệu quả điều phối các
chương trình KH - CN trọng điểm quốc gia, trong đó phối hợp chặt chẽ các nội dung
cần đến giá trị gia tăng của hợp tác quốc tế; đồng thời hoàn thiện trình Thủ
tướng ban hành chương trình hợp tác song phương – đa phương và chương trình tìm
kiếm – nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.