Giao lưu trực tuyến: “Hướng tới Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5” (Phần 1)
TS Nguyễn Xuân Toàn - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nhằm biểu dương, tôn vinh đội ngũ cán bộ làm Khoa học Công nghệ (KH&CN) cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ; Động viên thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Báo Đất Việt phối hợp với Trung tâm truyền thông Khoa học Công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến trên báo Đất Việt Online với chủ để: “Hướng tới ngày khoa học công nghệ 18/5”.
Thời gian: từ 9h00 -
11h00, thứ Ba ngày 29/4/2014. Địa điểm: Tòa soạn Báo Đất Việt - 3/C11, Ngõ 17,
Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội.
|
Ông
Nguyễn Xuân Toàn, GĐ Trung tâm nghiên cứu và Phát triển truyền thông đang suy
nghĩ trước câu hỏi của độc giả.
|
-Xin ông cho biết ý
nghĩa của ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam. Tại sao Bộ Khoa học lại chọn
ngày 18/5 là ngày KH&CN Việt Nam mà không phải là một ngày nào
khác thưa ông? (Đức Hùng, Sinh viên ĐH Quốc gia, HN)
Ông Nguyễn Xuân
Toàn: Như chúng ta đều biết KH&CN đã có nhiều đóng góp to lớn
trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử của
ngành là vào ngày 18/5/1963, tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội phổ biến Khoa học
và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu: “Khoa học
phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng,
nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân,
bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Câu nói cô đọng và giản dị của Bác
đã hàm chứa đầy đủ nhận thức và trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với sự
phát triển KH&CN nước nhà.
Với lý do đó, Bộ KH&CN
đã đề xuất Chính phủ trình Quốc Hội thông qua Luật KH&CN năm 2013 ngày
18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa XIII, trong đó quy định ngày 18/5 là
ngày KH&CN Việt Nam.
Năm 2014 là năm đầu tiên
công bố Ngày KH&CN Việt Nam, từ năm nay vào dịp này hàng năm, Ngày 18/5 sẽ
thực sự là ngày hội của người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN và toàn xã
hội. Đây là dịp chúng ta tri ân, tôn vinh các Nhà khoa học xuất sắc, các công
trình KH&CN có giá trị đóng góp cho sản xuất và đời sống, biểu dương người
dân và các bạn trẻ đam mê KH&CN và các đơn vị ứng dụng KH&CN tiên tiến
hiện đại. Đồng thời cũng là dịp để mỗi người chúng ta, nhà khoa học,
người làm KH&CN, doanh nghiệp, nhà quản lý nâng cao mạnh mẽ nhận thức và
trách nhiệm thúc đẩy KH&CN đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững đất
nước. Từng bước để Ngày KH&CN là dấu ấn trong cả năm và biến KH&CN trở
thành văn hóa trong xã hội. Nhân dịp này, trong nhiều tháng gần đây, các cơ
quan thông tấn báo chí đã có rất nhiều tin bài phong phú và đa dạng phản ánh về
Ngày KH&CN Việt Nam.
Đây thực sự là sự ủng hộ, động viên to lớn đối với giới làm KH&CN.
-Để kỉ niệm ngày quan
trọng này, về phía Bộ KH&CN đã có những chuẩn bị cụ thể nào, sự phối hợp
của Bộ với các đơn vị khác trực thuộc ra sao để ngày khoa học thực sự ghi dấu
ấn ngay lần tổ chức đầu tiên này thưa ông? Cụ thể là công việc chuẩn bị cho
ngày này tại các Sở KH&CN các tỉnh ra sao? (Nông Thị Huyền, Quảnh
Ninh)
Trong không khí phấn khởi
của đông đảo người tâm huyết và cộng đồng đối với sự nghiệp KH&CN, Bộ
KH&CN đã có chủ trương phối hợp tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam 18-5 tại
các bộ ngành, địa phương, các cơ sở khoa học ở viện, trường trong toàn quốc.
Ban Tổ chức và một số tiểu ban đã cụ thể hóa các hoạt động chào mừng với nhiều
nội dung và hình thức phong phú. Lễ Công bố lần đầu tiên Ngày KH&CN Việt
Nam sẽ được tổ chức vào đúng ngày 18/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình
với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị
xã hội và của hàng nghìn người quan tâm đến lĩnh vực KH&CN. Ngày 17/5 tại
Hà Nội, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt các nhà khoa học và thanh niên sinh
viên, Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các tác giả có công trình nghiên cứu
ứng dụng KH&CN xuất sắc. Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình tổ chức
triển lãm trưng bày thành tựu KH&CN nổi bật.
Đồng thời tại các Thành
phố lớn và một số địa phương, Tuần Lễ KH&CN Quốc gia sẽ được tổ chức với
rất nhiều hoạt động đa dạng. 63 tỉnh thành trong cả nước, với Sở KH&CN là
đầu mối, đã có kế hoạch và chương trình tổ chức Ngày KH&CN. Viện Hàn lâm
khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các Đại học Quốc
gia, các viện nghiên cứu, trường đại học và nhiều cơ sở KH&CN đã thành lập
Ban Tổ chức và cụ thể hóa các nội dung hoạt động chào mừng Ngày KH&CN. Các
hoạt động chủ yếu có thể kể đến là: hội thi sáng tạo; trao Giải thưởng
KH&CN; tổ chức triển lãm, giới thiệu các thành tựu kết quả KH&CN; kết
nối cung cầu công nghệ; hội chợ công nghệ; giao lưu giữa giới trẻ với các nhà
khoa học và tổ chức KH&CN; các hội nghị hội thảo trong nước và quốc tế;…
Một hoạt động rất có ý nghĩa để thanh thiếu niên, học sinh sinh viên tiếp cận với
KH và CN, khơi dậy niềm đam mê KH và CN là các bạn trẻ có thể tham quan hàng
loạt phòng thí nghiệm tại các cơ sở KH&CN, tìm hiểu quá trình nghiên cứu
thực hiện tại các cơ sở đó, chuyện trò với các cán bộ nghiên cứu. Các phòng thí
nghiệm được đồng loạt mở cửa trong dịp này nằm tại các thành phố Hà Nội,
TP.HCM, Nha Trang, Đà Lạt… trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công Nghệ Việt
Nam, các Đại học Quốc gia và tại nhiều Viện,Trường khác.
Hoạt động nổi bật chào
mừng Ngày KH và CN tại các địa phương có thể ví dụ như Bộ KH và CN phối hợp với
Đại học Đà Nẵng, Sở KH và CN Đà Nẵng tổ chức khai mạc Tuần lễ KH và CN Quốc gia
với hàng loạt các sự kiện: Hội nghị Quốc tế về đổi mới hoạt động KH và CN và
truyền thông KH và CN với nhiều đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước; giao
lưu với sinh viên chủ đề đổi mới sáng tạo – chìa khóa của thành công,… Thành
phố Đà Nẵng tổ chức tổng kết giải thưởng sáng tạo KH và CN năm 2013, tổ chức
Hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng,… tỉnh Quảng Ninh tổ chức
Festival sáng tạo trẻ, tổ chức thăm quan Bảo tàng, Thư viện cho học sinh, sinh
viên... Tại Trà Vinh, Sở KH&CN phối hợp tổ chức tọa đàm về ứng dụng KH&CN,
Hội nghị đánh giá về Sở hữu trí tuệ,… Các tỉnh thành khác cũng đã có kế hoạch
và thông báo đến công chúng về các hoạt động tại địa phương mình.
-Được biết ông là giám
đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH và CN trực thuộc Bộ Khoa
học và Công nghệ. Xin ông cho biết những công việc chính mà Trung tâm đảm nhận
là gì? Những kết quả nổi bật mà Trung tâm đã đạt được trong thời gian qua? (PV
tờ khampha.vn hỏi)
Hoạt động truyền thông KH&CN
được Bộ KH&CN coi là một trong những hoạt động quan trọng của ngành. Mục
đích của công tác truyền thông là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ
quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và công chúng đối với vai trò và tác động
của KH&CN trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an
sinh xã hội. Chính vì vậy hoạt động truyền thông KH&CN cần làm tốt các công
việc sau đây: Tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối, cơ chế chính sách
phát triển KH&CN đến cộng đồng xã hội; Nêu bật được đóng góp to lớn, các
thành tựu quan trọng của KH&CN, tôn vinh biểu dương các nhà khoa học, các
công trình nghiên cứu có giá trị với sản xuất và đời sống để khẳng định hiệu
quả của KH&CN trong sản xuất và đời sống; Đưa đến công chúng mọi mặt hoạt
động KH&CN của các Bộ ngành, địa phương, các cá nhân và tổ chức KH&CN
nhằm thúc đẩy các ứng dụng KH&CN.
Nhận thức vai trò của công
tác truyền thông KH&CN, Trung tâm chúng tôi đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt
động đa dạng. Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN truyền thông các
hoạt động của Bộ và ngành; Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung
ương, địa phương, các bộ ngành xây dựng nhiều chương trình truyền thông, đa
dạng các loại hình: Phát thanh, Truyền hình, Báo in, Báo điện tử, Internet…; Tổ
chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng về nghiệp vụ kỹ năng truyền
thông KH&CN; Hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước phát triển công
tác truyền thông KH&CN…. Một điều quan trọng trong giai đoạn tới chúng tôi
sẽ sớm hoàn thiện và trình Bộ KH&CN đề án phát triển truyền thông KH&CN
trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XI của Đảng, Luật KH&CN năm
2013, chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020.
Nhân chào mừng ngày KH&CN
Việt Nam 18/5, Trung tâm đã kết nối với các cơ quan thông tấn báo chí bám sát
các sự kiện diễn ra từ đầu năm để đưa đến công chúng các hoạt động sâu rộng tại
các địa bàn: Hàng tuần phối hợp thực hiện các chuyên mục trên các kênh truyền
hình, phát thanh của VTV, Truyền hình thông tấn, VOV, Truyền hình Hà Nội, Cổng
thông tin điện tử Chính phủ,… thực hiện các chuyên trang KH&CN trên các Báo
in, Báo điện tử, cổng thông tin điện tử, tạp chí,… Trung tâm cũng đã tổ chức
phối hợp với các đơn vị các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, đào tạo và bồi
dưỡng về truyền thông KH&CN.
- Ai cũng biết rằng,
để kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn phải đảm bảo rất
nhiều yếu tố. Một trong những cầu nối quan trọng dẫn đến thành công là công tác
truyền thông đến xã hội. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, ông đánh giá hiện nay
công tác này đã thật sự mang lại hiệu quả hay chưa? (Đàm Sen, tp.HCM)
Câu hỏi của bạn rất thú
vị, sự kết nối giữa nghiên cứu của nhà khoa học với ứng dụng thực tiễn kết quả
nghiên cứu của doanh nghiệp, người dân rất cần sự tích cực từ cả hai phía; Nếu
làm tốt công tác truyền thông thì cũng đẩy nhanh được quá trình liên kết. Trong
nhiều năm qua thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình truyền
thông như triển lãm, hội nghị, hội thảo, hội chợ,… mối liên kết nghiên cứu ứng
dụng trong thực tiễn đã có rất nhiều kết quả đáng khích lệ đặc biệt trong giai
đoạn nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng và đòi hỏi nâng cao năng suất,
chất lượng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy vậy công tác
truyền thông để kết nối nghiên cứu ứng dụng chưa tương xứng với yêu cầu đòi hỏi
của xã hội. Thời lượng các chương trình chuyên trang, chuyên mục KH&CN trên
các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa có kênh truyền hình riêng nào
về KH&CN; Đội ngũ cán bộ khoa học làm truyền thông và đội ngũ nhà báo thấu
hiểu truyền thông KH&CN còn ít và chưa được trang bị kỹ năng đầy đủ. Các
hình thức truyền thông KH&CN chưa phong phú, phần nào ảnh hướng đến hiệu
quả truyền thông KH&CN.
Để đẩy mạnh công tác này,
cần thiết phải đầu tư cho hoạt động truyền thông KH&CN. Đội ngũ các nhà
báo, cán bộ truyền thông KH và CN cần được tăng về số lượng và chất lượng,
thường xuyên được đào tạo và bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Các cơ
quan thông tấn báo chí nâng cao số lượng, thời lượng chương trình, nội dung
hình thức các chuyên mục, tin bài về KH&CN. Cơ sở hạ tầng cho truyền thông
KH&CN cần được đầu tư nhằm phổ biến nhanh và đầy đủ kết quả nghiên cứu vào
sản xuất và đời sống: Hệ thống dữ liệu thông tin KH&CN, kênh truyền hình hấp
dẫn thu hút độc giả về KH&CN, hệ thống bảo tàng công viên khoa học, thường
xuyên tổ chức hội chợ triển lãm rộng rãi,…
- Để ngày khoa học
thực sự trở thành ngày hội, có ý nghĩa đối với giới khoa học nói chung và toàn
xã hội nói riêng, ông có điều gì muốn chia sẻ với độc giả báo Đất Việt thưa
ông?
Năm 2014 là năm đầu tiên
toàn xã hội và lực lượng làm khoa học trong cả nước vui mừng chào đón ngày
KH&CN Việt Nam
và đó thực sự là ngày hội trên toàn quốc. Các hoạt động đa dạng phong phú trong
nhiều ngày qua đã được thông tin và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại
chúng. Chúng tôi hi vọng rằng thông qua việc tham dự hưởng ứng của toàn xã hội
trong các sự kiện, mỗi chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về xu thế tất yếu phát
triển đất nước từ KH&CN và bằng KH&CN. Bản thân tôi gắn bó với hoạt
động đào tạo và nghiên cứu cũng mong muốn chia sẻ trước mỗi thành công và khó
khăn đối với phát triển KH&CN. Thông qua các phương tiện thông tin đại
chúng, tôi cũng rất vui khi biết được hiện nay rất nhiều bạn trẻ đã quan tâm,
ham tìm hiểu, đam mê và giành được nhiều giải thưởng giá trị trong nghiên cứu
ứng dụng. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng KH&CN sẽ ngày càng có đóng góp
thiết thực và hiệu quả đối với sự phát triển nhanh của đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Còn tiếp Phần 2)