Giao lưu trực tuyến: “Hướng tới Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5” - (Phần 2)
TS Trần Việt Hùng - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
-Thưa ông Hùng! Tôi là
một độc giả trung thành của Báo Đất Việt. Tôi đã tham gia đặt câu hỏi cho ông
tại một số giao lưu do báo Đất Việt tổ chức có ông tham gia. Tôi thật sự ấn
tượng với những câu trả lời của ông. Nhân kỷ niệm Ngày khoa học công nghệ Việt
Nam vào ngày 18/5 tới, tôi xin hỏi đối với ông nói chung và các nhà khoa học
nói riêng, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào? (Ngọc Ánh, Hà Nội)
TS Trần Việt Hùng:
Ngày KH&CN Việt Nam năm
nay là sự kiện rất có ý nghĩa đối với giới khoa học Việt Nam bởi vì đây
là lần đầu tiên những người làm công tác khoa học và công nghệ có một ngày của
riêng mình. Đây không chỉ là ngày nhằm tôn vinh những nhà nghiên cứu, những
người làm khoa học, công nghệ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước
mà còn là ngày để giới thiệu các thành tựu KH&CN của đất nước với người
dân, là cơ hội để nâng cao nhận thức của xã hội đối với vai trò của KH&CN
đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong ngày này, những
người làm công tác KH&CN cũng có dịp để trao đổi, chia sẻ những kết quả
nghiên cứu của mình cũng như những dự định nghiên cứu trong tương lai. Hy vọng
những hoạt động này sẽ tạo thêm động lực cuốn hút thế hệ trẻ đến với các hoạt
động KH&CN.
-Để chào mừng ngày
quan trọng của toàn giới khoa học như thế này phía Liên hiệp hội có những hoạt
động thiết thực gì để phối hợp với Bộ Khoa học nhân dịp này thưa ông? (tranthanhviet198x@gmail.com).
Liên hiệp hội (LHH)Việt Nam đã tổ chức thực hiện Ngày KH&CN
Việt Nam và có công văn chỉ đạo các hội ngành toàn quốc phối hợp với các bộ
quản lý ngành, liên hiệp hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp
với các Sở KH&CN xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức các sự kiện KH&CN
ở các ngành, các địa phương theo tinh thần công văn số 854/BKHCN – KHTH ngày
17/3/2014 của Bộ KH&CN.
Riêng tại thủ đô Hà Nội,
các hoạt động kỷ niệm tập trung vào một số nội dung như:
- Tổ chức lễ tổng kết
và trao giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam,
giải thưởng WIPO và giải thưởng cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam.
- Tổ chức các hội
thảo khoa học, tọa đàm; gặp gỡ, giao lưu tôn vinh khen thưởng các nhà khoa học,
tổ chức khoa học, các nhà quản lý, nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc; thăm hỏi động
viên các trí thức tiêu biểu, các nhà khoa học gặp hoàn cảnh khó khăn cần quan
tâm giúp đỡ.
- Phối hợp với Bộ
KH&CN tổ chức trưng bày triển lãm giới thiệu thành tựu KH&CN Việt Nam
cũng như tổ chức hoạt động mít tinh chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt
Nam 18/5/2014.
- Đây là lần đầu tiên
tổ chức kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam
vì vậy chúng tôi rất muốn các bạn đóng góp thêm những ý tưởng mới cho hoạt động
này, chúng tôi xin sẵn sàng tiếp thu để tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam lần sau
phong phú, sinh động hơn.
|
Ông
Trần Việt Hùng đang trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh Minh Tú
|
Thưa ông Hùng, tôi
được biết, mục đích của việc tổ chức ngày KH&CN Việt ngoài việc tôn vinh
những nhà khoa học có đóng góp thì việc động viên thế hệ trẻ say mê nghiên cứu
khoa học là vô cùng quan trọng. Với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội của
trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, LHH đã và đang có những biện pháp cụ
thể nào để thực hiện việc này? (Nhungnguyenx@yahoo.com)
Trong những năm qua Liên
hiệp hội Việt Nam
cũng rất chú trọng đến việc động viên thế hệ trẻ say mê nghiên cứu khoa học và
coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội cũng như của
các hội thành viên. Bằng những nguồn tài chính huy động của các tổ chức trong
và ngoài nước, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã phối hợp với các hội
thành viên và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường kỳ hàng năm các cuộc thi
Olympic các môn: toán học, tin học, cơ học, vật lý và hóa học. Tổ chức giải
thưởng Loa thành cho các sinh viên xuất sắc của ngành kiến trúc, tổ chức cuộc
thi cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho lứa tuổi học sinh; tổ
chức trao giải thưởng Nguyễn Văn Đạo cho những nhà cơ học trẻ xuất sắc. Liên
hiệp các hội KH&KT Việt Nam
thông qua Quỹ Vifotec cũng đã tổ chức hàng năm Hội thi Sáng tạo KHKT toàn quốc.
Thông qua các giải thưởng
này chúng tôi mong rằng đây cũng là một trong những hình thức tuyên truyền,
động viên, thu hút các bạn trẻ say mê, quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên cứu
khoa học, công nghệ.
- Một nhà khoa
học đang sống và làm tại Úc hỏi: Qua các thông tin truyền thông trên báo chí
đưa tin về sự kiện này (ngày KH&CN Việt Nam) tôi thấy có khá nhiều hoạt
động chào mừng. Tuy nhiên, nếu tôi nhớ không nhầm thì không thấy có hoạt động
gì hướng đến các nhà khoa học Việt kiều trên thế giới nhằm động viên họ về nước
đóng góp công sức cho ngành Khoa học nước nhà.Theo ông, việc này có cần thiết
hay không?
Trong những năm qua, các
nhà khoa học Việt kiều trên thế giới đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển KH&CN
nước nhà được nhà nước cũng như dư luận xã hội đánh giá cao. Vì vậy, việc tôn
vinh những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài là cần thiết. Tuy
nhiên, trong các văn bản chính thức về việc tổ chức các sự kiện nhân ngày
KH&CN Việt Nam
đúng là chưa đề cập đến những hoạt động chuyên biệt hướng đến các nhà khoa học
Việt kiều trên thế giới. Tôi cho rằng vì đây là ngày KH&CN của cả giới khoa
học Việt Nam
vì vậy chỉ đề cập đến những hoạt động chung mà không kể đến những sự kiện mang
tính chất riêng biệt. Nhưng, tôi tin rằng trong các hội thảo, hội nghị KH&CN
trong dịp này chắc chắn sẽ có sự hiện diện các công trình nghiên cứu của các
nhà khoa học Việt Nam
ở nước ngoài hoặc chính tác giả của các công trình này.
- Với trách nhiệm của
một nhà quản lý đồng thời cũng là nhà khoa học, ông đánh giá như thế nào về
những đóng góp của khoa học và công nghệ trong khoảng 10 năm gần đây? (Nông
Khắc Ý, báo Khoa học Đồng Nai).
Theo tôi KH&CN ngày
càng đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong
10 năm gần đây. Nhìn lại sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế xã hội ta đều
thấy dấu ấn của KHCN.Trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ áp dụng những tiến bộ khoa
học kỹ thuật Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, cà
phê, hạt điều.Đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu. Đứng thứ hai thế giới về
xuất khẩu thủy sản…
Trong lĩnh vực y tế chúng
ta đã sản xuất thành công nhiều loại văc xin phòng bệnh, nhiều kỹ thuật tiến bộ
đã được áp dụng và mang lại thành công trong ghép tạng người như ghép thận,
gan, tim…
Trong lĩnh vực cơ khí,
chúng ta đã làm chủ được những công nghệ tiên tiến để có thể chế tạo được từ
những chiếc tàu lớn hàng trăm ngàn tấn đến những sản phẩm đòi hỏi sự tinh vi
như các vệ tinh siêu nhỏ Pico – Dragon…
Trong công nghệ thông tin
đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong
lĩnh vực quản lý xã hội, dự báo, tự động hóa sản xuất.
Trước đây khi xây dựng nhà
máy thủy điện Hòa Bình chúng ta cần tới hàng vạn người trong đó có hàng ngàn
chuyên gia nước ngoài. Ngày nay khi xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La là công
trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á các nhà thầu Việt Nam đã tự đảm nhiệm và
xây dựng thành công. Trong quá trình thực hiện công trình này nhiều công nghệ,
giải pháp kỹ thuật mới đã được các đơn vị thiết kế thi công Việt Nam làm chủ và
ứng dụng thành công. KH&CN Việt Nam đã góp phần quan trọng đưa công
trình vào vận hành sớm hơn 2 năm so với dự kiến, tận dụng nguyên vật liệu trong
nước, hạ giá thành sản phẩm làm lợi cho đất nước trên 24.000 tỉ đồng.
Một vài ví dụ trên phần
nào có thể minh chứng cho sự đóng góp của KH&CN vào sự phát triển kinh tế
xã hội của đất nước thời gian qua. Có ý kiến đánh giá rằng trong thời gian qua
KH&CN đóng góp khoảng 30% vào sự tăng trưởng GDP của đất nước.
- Không thể phủ nhận,
thời gian gần đây khoa học công nghệ đã có những bước tiến đáng kể, đạt được
những kết quả ấn tượng trên mọi lĩnh vực như: Nông nghiệp, Y tế, CNTT…tuy nhiên
người dân dường như vẫn chưa nhận thức rõ được vai trò của khoa học công nghệ
đối với sự phát triển KT-XH? Bằng chứng là rất nhiều kết quả nghiên cứu của nhà
khoa học mang lại lợi ích hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước nhưng thông tin về
những kết quả này độ “phủ sóng” không rộng bằng các thông tin như người dân chế
tạo máy bay, nông dân sáng chế ra thuốc trừ sâu có thể uống được…Theo ông lí do
là tại sao? (PV báo Khoa học đời sống hỏi)
Tôi nghĩ rằng câu hỏi này
để các nhà báo tự trả lời sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên theo tôi việc những công
nhân, nông dân sáng chế, phát minh cũng không phải là hiện tượng riêng biệt ở
Việt Nam
mà nhiều nước trên thế giới cũng có những trường hợp như vậy. Thậm chí có những
người rất nổi tiếng như nhà bác học Tsiolkovski – cha đẻ ngành vũ trụ của Liên
Xô (cũ), Edison – nhà sáng chế vĩ đại người Mỹ
cũng là những người tự học làm nên.
Vấn đề là không chỉ dừng ở
mức đưa ra những thông tin giật gân lôi cuốn độc giả mà phải trân trọng, tạo
điều kiện để những người công nhân, nông dân đó hoàn thiện những sáng chế, phát
minh của mình. Thế mạnh của những người này là sự đam mê nghiên cứu, kinh
nghiệm thực tế và khả năng bẩm sinh nhưng họ thường thiếu những cơ sở lý
thuyết, cơ sở khoa học để giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra để sản phẩm
nghiên cứu của họ hoàn thiện.
Vì vậy, vấn đề tiếp theo
là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu sâu về
lĩnh vực này với những nhà sáng chế nông dân trong quá trình hoàn thiện phát
minh, sáng chế của họ. Phải chăng, đây là trách nhiệm của nhà nước và cũng là
của xã hội!
- Nhiều nhà khoa học
chia sẻ, với mức lương ít ỏi của họ chỉ đủ để duy trì cuộc sống hàng ngày đã
rất khó khăn nói gì đến an tâm nghiên cứu khoa học. Được biết, LHH có nhiệm vụ
tạo điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh
thần, vật chất của những người làm công tác khoa học và công nghệ.Vậy, ngay tại
LHH công tác này được thực hiện đến đâu thưa ông? (Đại An, tp.HCM).
Trước hết tôi cũng xin
chia sẻ với ý kiến của bạn. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này theo tôi phải
nhìn từ hai phía. Về phía Nhà nước thì phải tạo điều kiện để KH&CN phát
triển, tạo điều kiện để những người làm khoa học, công nghệ sống được bằng kết
quả nghiên cứu của mình.
Về vấn đề này phần nào đã
được giải tỏa qua những quy định mới của Luật KH&CN sửa đổi.
Mặt khác, những người làm
công tác khoa học chúng ta cũng phải tự đánh giá mình và tự xác định cho mình
hướng phát triển phù hợp để có thể vừa sống tốt, vừa đóng góp tích cực cho sự
phát triển.
Về phía Liên hiệp hội Việt
Nam
chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ trí
thức KHCN:
- Các hội thành viên
thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã thành lập hoặc bảo trợ gần chục
trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề như: Đại học kinh doanh và công
nghệ Hà Nội; Đại học Phương Đông…; Một số trường đã có uy tín trong xã hội. Các
trường này đã đào tạo hàng vạn sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, nhất
là ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin.
- Các hội thành viên
và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã liên kết với các trường đại học trong và
ngoài nước, các cơ sở đào tạo nước ngoài tổ chức hàng vạn khóa đào tạo ngắn hạn
về quản trị kinh doanh, quản trị dự án, tài chính, công nghệ thông tin… để đáp
ứng nhu cầu của xã hội. Riêng Hội tin học Việt Nam đã có 100 trung tâm đào tạo tin
học trình độ A, B, C.
Ngoài ra, Liên hiệp hội
Việt Nam cũng có hơn 200 tờ báo, tạp chí chuyên ngành đăng tải, phổ biến kiến
thức mới, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: bảo vệ môi trường, biến
đổi khí hậu, sức khỏe, an toàn lao động, kỹ thuật canh tác… và công bố các công
trình nghiên cứu khoa học, các luận án tiến sĩ… cũng góp phần cung cấp thông
tin nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung cũng như những người làm công
tác khoa học công nghệ.
Tôi cho rằng, nếu Quốc hội
ban hành Luật Hành nghề chuyên nghiệp trong đó quy định những người hành nghề
chuyên nghiệp phải thường xuyên bổ túc, nâng cao trình độ nghề nghiệp và giao
trách nhiệm này cho các hội nghề nghiệp thì tác dụng nâng cao trình độ nghề
nghiệp của đội ngũ KH&CN Việt Nam sẽ được hiệu quả hơn nhiều.
- Tôi muốn hỏi hiện
nay hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH hiện nay ra sao?
Thời gian qua LHH đã có những đóng góp gì cho sự phát triển KT-XH thông qua
hoạt động này? Để làm tốt công tác phản biện, theo ông cần phải sự phối hợp của
những đơn vị nào hay chỉ LHH là đủ? (Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Nội).
Tư vấn phản biện và giám
định xã hội là một trong những chức năng chính trong hoạt động của Liên hiệp
các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Hơn 10 năm qua, Liên hiệp hội
Việt Nam và các hội thành viên đã tư vấn phản biện, đóng góp ý kiến cho hàng
trăm văn kiện, đề án của các cơ quan Đảng, Nhà nước liên quan đến công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, như các dự thảo báo cáo trình Đại hội Đảng; cương
lĩnh chính trị 1991 – 2013; Hiến pháp 1992 sửa đổi; các dự thảo Luật, Chiến
lược phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; Các Dự án
thủy điện Sơn La, Sông Tranh 2, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, khai thác
Bauxite Tây Nguyên, xây dựng nhà máy lọc dầu; phương hướng phát triển công
nghiệp hóa dầu, đề án phát triển ngành cơ khí; phòng chống dịch cúm gia cầm, dự
án phát triển một triệu hecta lúa lai…
Những ý kiến đóng góp của
Liên hiệp hội Việt Nam thông qua hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
đã được Nhà nước trân trọng và đánh giá cao.Nhiều ý kiến đã được chấp thuận và
làm lợi cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Ví dụ như Dự án Đường sắt
cao tốc Bắc Nam với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 56 tỉ đô la đã được Liên
hiệp hội Việt Nam đóng góp ý kiến phân tích vê công nghệ, hiệu quả kinh tế, xã
hội… đã góp phần tích cực vào quyết định để Quốc hội biểu quyết bác bỏ dự án
này.
Theo tôi để hoạt động tư
vấn phản biện và giám định xã hội hiệu quả, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ
giữa Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với các bộ, ban, ngành, các
chủ đầu tư và các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Còn tiếp Phần 3)