SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giao lưu trực tuyến: “Hướng tới ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5” - (Phần 3)

[30/04/2014 13:42]

PGS. TS Trương Vũ Bằng Giang - Chủ nhiệm Khoa Điện tử - Viễn Thông Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV)

5.jpg

PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang

- Thưa PGS. TS Trương Vũ Bằng Giang. Được biết ông vừa là nhà quản lý vừa là nhà khoa học. Vậy ông có những chia sẻ, đánh giá như thế nào về ngày KH&CN Việt Nam  dưới góc độ của cả nhà quản lý và nhà khoa học, thưa ông? (thanhhadpv@gmail.com)

Theo Điều 7, Luật Khoa học và Công nghệ (Luật KH&CN, số 29/2013/QH13) được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIII, ngày 18/5 hằng năm (từ năm 2014) được lấy làm ngày KH&CN Việt Nam.

Ngày KH&CN được tổ chức sẽ góp phần tôn vinh, biểu dương đội ngũ những người làm công tác KH&CN, tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN. Mặt khác, cũng góp phần thu hút cộng đồng và toàn xã hội quan tâm hơn nữa tới các hoạt động KH&CN.

Các hoạt động của ngày KH&CN Việt Nam cũng sẽ cổ vũ và trao ngọn lửa đam mê, lòng nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, đặc biệt các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, là lực lượng nghiên cứu chính, tham gia nghiên cứu khoa học, làm cho hoạt động khoa học nước nhà vươn lên xứng tầm cao mới, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành công của đất nước. Đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN nói chung và của Trường Đại học Công nghệ nói riêng cảm thấy rất vui và tự hào khi ngày KH&CN Việt Nam được cộng đồng quan tâm và được truyền thông rộng rãi.

- Theo tôi được biết, tại một số nước như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…họ thường xuyên tổ chức các ngày khoa học hay tuần lễ khoa học nhằm mục đích truyền ngọn lửa đam mê khoa học cho giới trẻ, nhất là các em học sinh, sinh viên. Ở Việt Nam, năm ngoái Bộ Khoa học (lần đầu tiên) đã tổ chức tuần lễ truyền thông khoa học tại Học viện báo chí tuyên truyền. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này?

Hầu như các nước phát triển như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật,… đều tổ chức các ngày khoa học, tuần khoa học quốc gia, đó là còn không kể đến việc các trường đại học, các viện nghiên cứu ở khắp các quốc gia đó còn tổ chức những ngày khoa học đặc biệt dành riêng cho các lĩnh vực khoa học cần được sự quảng bá đặc biệt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và đặc biệt là giới trẻ, khuyến khích họ theo học và làm việc trong các ngành khoa học đặc biệt đó v.v…

Hồi tôi còn  làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR), hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các ngày mở cửa (open day) để đón người dân khắp mọi nơi quan tâm đến thăm quan, chứng kiến các thành tựu KH&CN mà các nhà khoa học thuộc Trung tâm đã tạo ra trong lĩnh vực Hàng không và Vũ trụ. Mọi người dân quan tâm đều được tìm hiểu, giải thích, trao đổi và góp ý. Đó là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa, một mặt thúc đẩy trao đổi học thuật, sáng tạo KH&CN, thúc đẩy hợp tác phát triển, mặt khác cũng làm cho các sáng tạo công nghệ đến gần hơn với người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Việc tổ chức truyền thông KH&CN năm 2013 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày 26-27/9/2013 là một hoạt động khởi đầu để thúc đẩy có ngày KH&CN Việt Nam như năm nay. Vì thế  đó là một sự kiện được đánh giá cao. Bài học rút ra từ việc tổ chức sự kiện năm trước có thể giúp cho việc tổ chức ngày KH&CN Việt Nam năm 2014 thành công và có hiệu quả hơn.

- Chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5, lần đầu tiên các viện nghiên cứu, các trường đại học, các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ đồng loạt mở cửa đón khách tham quan, để mọi người dân, đặc biệt là học sinh- sinh viên có thể tiếp cận và hiểu hơn về công việc của những người làm khoa học… Về phía trường Đại học Công nghệ sẽ có những hoạt động thiết thực, cụ thể nào để hưởng ứng?

ĐHQGHN của chúng tôi đã ban hành “Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam (số 824/KH-ĐHQGHN, ngày 17/03/2014). Trường Đại học Công nghệ là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN sẽ tham gia thực hiện kế hoạch này. Một số hoạt động chính được tổ chức như sau:

- Tổ chức Hội nghị tổng kết về Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN. Hội nghị cũng sẽ khen thưởng và tôn vinh các nhóm nghiên cứu KH&CN tiêu biểu ĐHQGHN năm 2014.

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Festival KH&CN trẻ, ở đó các nhà khoa học trẻ sẽ giới thiệu các sản phẩm sáng tạo thanh niên và các câu lạc bộ khoa học. - Tổ chức mở cửa phòng thí nghiệm nghiên cứu trong toàn các đơn vị trực thuộc để đón đông đảo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cộng đồng đến tham quan, giao lưu vào ngày thứ Bảy, 17/5/2014.

- Tổ chức tọa đàm KH&CN phục vụ phát triển KT- XH: tiềm năng, cơ hội và thách thức. Đây là trao đổi giữa các nhà khoa học trẻ về tiềm năng, cơ hội và thách thức trong các nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Nhân ngày KH&CN VN đầu tiên được tổ chức trong cả nước, Trường ĐHCN sẽ tổ chức trưng bày tại tiền sảnh tòa nhà chính các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) và đào tạo cho người học ở các bậc đào tạo và cũng sẵn sàng mở rộng cửa tiếp đón các đơn vị và cá nhân từ ngoài trường.

Hưởng ứng ngày KH&CN, trong tuần vừa qua “Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường” đã được tổ chức theo phương thức đổi mới. Các nhóm sinh viên đã trình bày các công trình, các sản phẩm khoa học do nhóm mình nghiên cứu, sáng tạo ra trước sinh viên và giảng viên toàn trường. Sự kiện này một mặt khích lệ và thúc đẩy các hoạt động tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo khoa học của sinh viên, giúp sinh viên trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ, mặt khác cũng góp phần khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho thế hệ trẻ tại Trường.

Trân trọng kính mời các bạn trẻ, các tổ chức và cá nhân quan quan tâm đến tham gia các hoạt động nói trên cùng chúng tôi vào ngày 17/5/2014 tới đây.

- Để sự kiện Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 thực sự trở thành “điểm nhấn” trong  tất cả các hoạt động của toàn ngành KH&CN năm 2014 và những năm tiếp theo, theo ông, ngoài những hoạt động chào mừng như báo chí đã đưa tin thì sự kiện này có cần bổ sung thêm các hoạt động khác cho hiệu quả hay không?

Nếu chỉ tổ chức các lễ mít tinh kỷ niệm và chào mừng không thôi thì chắc chắn là sẽ thiếu đi cái ý nghĩa và mục tiêu trọng đại của sự kiện, đó là nhằm làm cho người dân và nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, thế hệ trẻ quan tâm tới khoa học, hưởng ứng, ủng hộ các hoạt động khoa học, thu hút họ vào học tập, đào tạo, nghiên cứu, phát triển và làm việc trong các lĩnh vực khoa học. Từ đó khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, thúc đẩy gắn kết chặt chẽ khoa học với mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Như vậy, ta rất cần tổ chức nhiều hình thức hoạt động, nhiều sự kiện đa dạng, phong phú và thiết thực, đặc biệt là những sinh hoạt học thuật tại các cơ quan khoa học, các trường đại học, mở rộng có sự tham gia rộng rãi  của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

- Xin ông cho biết những nét chính về Trường Đại học Công nghệ, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học của trường hiện nay đang diễn ra như thế nào thưa ông?

Trường ĐHCN là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN đang được xây dựng và phát triển thành trường đại học nghiên cứu. Trường hiện có bốn khoa gồm các Khoa Công nghệ Thông tin, Điện tử Viễn thông, Vật lý Kỹ thuật & Công nghệ Nano và Cơ học Kỹ thuật & Tự động hóa. Nhà trường thực hiện sứ mệnh đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng trên các lĩnh vực mũi nhọn trong các ngành KH&CN nêu trên. Hiện tại Trường ĐHCN có đội ngũ giảng viên cơ hữu với trên 74% có học vị TS và trên 25% có học hàm PGS, GS cùng với một số lượng không nhỏ các giảng viên kiêm nhiệm gồm nhiều nhà khoa học là các GS, PGS, TSKH và TS đang có hoạt động nghiên cứu tích cực tại các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng một số viện nghiên cứu chuyên ngành từ các bộ, ngành khác.

Hiện tại, Nhà trường đang tập trung mọi nguồn lực nhằm thúc đẩy, phát triển khoa học công nghệ theo các định hướng sau đây:

- Đầu tư tập trung, tích hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học: tập trung mọi nguồn lực để phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn, các hướng nghiên cứu ưu tiên nhằm sớm đạt trình độ quốc tế.

- Định hướng Kỹ nghệ và Công nghệ (Engineering & Technology) đạt chuẩn quốc tế: định hướng kỹ nghệ và công nghệ được thể hiện rất rõ trong tất cả các hoạt động của nhà trường. Đây là thế mạnh của nhà trường, tạo nên sự đặc thù và thuận lợi cho trường trong triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao. 

- Định hướng ưu tiên các hoạt động khoa học công nghệ liên ngành: xu hướng liên kết giữa các ngành trong lĩnh vực KH&CN nhằm giải quyết các bài toán lớn, phức tạp đang là xu hướng tất yếu trên thế giới.

- Định hướng sản phẩm đầu ra – ưu tiên phát triển Công nghệ lõi: các nghiên cứu của nhà trường phải nhắm tới hướng tạo ra sản phẩm trình độ cao, thể hiện thông qua các sáng chế, giải pháp hữu ích có liên quan đến các công nghệ lõi. Các triển khai bám sát thực tiễn ứng dụng, giải quyết các bài toán lớn trong kinh tế – xã hội, công nghiệp, an ninh – quốc phòng,… đảm bảo tính cạnh tranh về sản phẩm dựa trên việc làm chủ công nghệ lõi.

- Liên kết Trường đại học – Viện nghiên cứu – Doanh nghiệp là yếu tố sống còn trong hoạt động KH&CN: được bắt đầu từ năm 2009, trong những năm qua Trường Đại học Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các Viện nghiên cứu, Doanh nghiệp và thu được nhiều thành quả quan trọng.

- Chào ông Giang! Tôi xin hỏi ông một câu hỏi như thế này, mặc dù hiện nay nhờ các chính sách của Nhà nước đã có nhiều nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc. Tuy nhiên, con số đó là rất nhỏ, thực tế đang có rất nhiều các nhà khoa học trẻ, khoa học Việt kiều không muốn về nước làm việc. Lí do thì đã rõ, phần là do chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, điều kiện môi trường làm việc chưa phù hợp… Trong khi trách nhiệm kiến thiết, xây dựng đất nước đang đặt lên vai giới trẻ, và cần hơn nữa những cống hiến nhiệt tâm của họ. Đứng ở góc độ vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học, theo ông Nhà nước cần phải có những “hành động” cụ thể gì để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” như hiện nay?

Để phát triển khoa học công nghệ thì trước tiên cần sự đam mê và cống hiến của chính đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu. Ngoài ra các cơ chế chính sách và hỗ trợ từ Nhà nước đóng một vai trò cốt yếu. Theo tôi, Nhà nước nên xem xét một số giải pháp sau đây:

- Thiết lập các quỹ đầu tư mạo hiểm cho nghiên cứu, không đợi các nhà khoa học trẻ đủ “lớn” mới được giao các đề tài, dự án nghiên cứu.

- Xây dựng môi trường học thuật và nghiên cứu thuận lợi. Quan tâm đầu tư để Việt Nam có nhiều trung tâm nghiên cứu xuất sắc, kết hợp đào tạo hiện đại và đồng bộ.

- Kinh phí nghiên cứu khoa học được cấp phải đủ để các nhà khoa học đáp ứng nhu cầu sáng tạo. Những đổi mới về cơ chế tài chính (chẳng hạn cơ chế khoán đến sản phẩm đầu ra, cơ chế hoạt động của các quỹ KH&CN), cơ chế quản lý KH&CN (đơn giản thủ tục đăng ký nghiệm thu theo sản phẩm đầu ra) sẽ góp phần tháo bỏ các nút thắt hiện nay trong nghiên cứu khoa học.

- Nhà nước cần quan tâm để có giải pháp phát triển các nhóm nghiên cứu trình độ cao, tương đương với các nước tiên tiến, có khả năng nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ mang tính thời đại cũng như các vấn đề khoa học công nghệ trọng điểm của đất nước, tạo ra nhiều sản phẩm quốc gia.

- Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến cả khả năng thu hút các nhà khoa học xuất sắc ở nước ngoài đến lãnh đạo các nhóm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm nhằm triển khai những chương trình nghiên cứu trọng điểm.

- Như chúng ta đã biết, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2014 đã “cởi” được nhiều “nút thắt” quan trong trong đó đặc biệt phải kể đến là cơ chế tài chính và chế độ trọng dụng nhân tài. Được biết, Đại học Công nghệ Hà Nội là một trong những trường đầu ngành đào tạo cán bộ khoa học giỏi cho đất nước, có nhiều nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế…. chắc chắn trong quá trình hoạt động ít nhiều đã trải qua những vướng mắc về các cơ chế chính sách nói trên. Nay Luật đã được thông qua, vậy xin hỏi những vướng mắc khó khăn trên đã được tháo gỡ như thế nào đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo? (Võ Ngọc Ánh, Quảng Nam)

Để tháo gỡ những vướng mắc và “cởi” được nhiều “nút thắt”, Luật KH&CN 2013  đã được ban hành với cơ chế khoán chi đối với các nhiệm vụ khoa học, tạo thế chủ động và tự quyết cho nhà khoa học. Luật đã tìm được sự dung hòa vừa thể hiện được tính linh hoạt của các nhà khoa học trong việc thực hiện chi tiêu vừa góp phần tăng khả năng kiểm soát của nhà quản lý tài chính trong việc bảo đảm chi đúng mục đích và tiết kiệm. Phương thức khoán cũng góp phần giảm bớt đi những thủ tục hành chính rườm rà, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học dành nhiều thời gian cho nghiên cứu. Đây có thể xem là một bước chuyển có tính đột phá để hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, qua thực tế cũng cần có những chế tài phù hợp, sao cho có thể phát huy những điểm mạnh, hỗ trợ các nhà nghiên cứu chân chính, nhưng cũng phải ngăn ngừa được những nghiên cứu mang tính “lách luật” mà tác giả có thể lợi dụng cơ chế “thoáng” để thực hiện những việc làm phi khoa học,…Cần thiết lập các hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định kinh phí có đủ năng lực và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Thông qua các hội đồng này có thể kiểm soát và đảm bảo sản phẩm đầu ra phù hợp với chi phí.

ĐHQGHN đã chỉ đạo nhất quán cần gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu với hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo tiến sĩ. Tất cả các đề tài với kinh phí được cấp trên 100 triệu đồng đều phải dành một tỷ lệ kinh phí nhất định chi cho nhân lực là các nghiên cứu sinh, các học viên cao học hay sinh viên thuộc nhóm nghiên cứu của giảng viên làm chủ trì đề tài. Đây là một kinh nghiệm tốt cần khai thác trong việc tổ chức các đề tài nghiên cứu.Một vấn đề rất quan trọng cần được đề cập ở đây là giải pháp phát triển hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học.

Chúng ta đều nhận thức sâu sắc rằng, chức năng nhiệm vụ của các trường đại học theo chuẩn mực quốc tế phải là phát triển và truyền thụ tri thức đỉnh cao về khoa học. Điều đó có nghĩa các trường đại học phải là nơi nghiên cứu và phát hiện, phát triển các hiểu biết mới về các thực thể tự nhiên và xã hội nói chung, tức là trước hết chúng phải thực hiện những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu về khoa học cơ bản. Các nghiên cứu ứng dụng, phát triển sản phẩm KH&CN tại các trường đại học cần được khuyến khích nhưng không nên coi là những nghiên cứu có tính bắt buộc. 

Từ hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, các tri thức, hiểu biết mới thu được cũng như các phương pháp mới phát triển được sẽ được truyền tải trực tiếp đến các thế hệ khoa học kế tục. Nghiên cứu khoa học cơ bản cũng là các hoạt động khuyến khích và đảm bảo tự do hàn lâm, tự do học thuật cho các nhà khoa học, các giảng viên mà từ đó niềm đam mê tìm tòi phát hiện và sáng tạo cái mới được nuôi dưỡng, khuyến khích phát triển. Nhà nước vì thế cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các nghiên cứu khoa học cơ bản tại các trường đại học.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách đầu tư ưu tiên, khuyến khích để thu hút được nhiều học sinh giỏi, có năng khiếu để đào tạo thành lực lượng cán bộ khoa học kế cận cho các ngành khoa học cơ bản như: Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học cũng như các ngành khoa học tự nhiên khác và đặc biệt là các ngành khoa học nhân văn như: Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ, Triết học, Kinh tế học. Đây là những vấn đề cốt tử đối với việc phát triển khoa học nước nhà, nếu chậm trễ chúng ta có thể tiếp tục tụt hậu không chỉ so với thế giới mà ngay cả trong khu vực.

- Ngoài những chính sách của Nhà nước, bản thân Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) có cơ chế khuyến khích nào để thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài KH&CN hay không? Trường ông có Quỹ dành riêng cho phát triển KH&CN không? Nếu có thì Quỹ đó được sử dụng như thế nào? Ông có nghĩ rằng mỗi trường đại học đều nên có Quỹ dành riêng cho phát triển khoa học hay không?

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường ĐHCN đã thực thi được các chính sách mạnh mẽ trong việc thu hút trọng dụng các tài năng trẻ. Trong những năm đầu thành lập khoa và trường, Nhà trường đã triển khai thực hiện chính sách tài trợ “thực tập sinh”, tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên ở lại trường (hoặc thu hút cả các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường khác về trường) tham gia làm việc tại các phòng thí nghiệm (PTN), thực hiện các đề tài nghiên cứu tại các nhóm nghiên cứu của các giảng viên có kinh nghiệm đồng thời được hỗ trợ học phí để theo học chương trình đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ. Nhiều sinh viên trong thời gian qua  đã nhận được các học bổng đào tạo sau đại học để đến học tập và làm việc, nghiên cứu tại các PTN của các nhà khoa học tại các trường, viện đối tác quốc tế của Nhà trường.

Về sau, Nhà trường đã triển khai một hình thức khác là tuyển dụng trực tiếp các sinh viên đạt danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp hằng năm, ký hợp đồng đào tạo “giảng viên tạo nguồn” cho các đối tượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên giữ họ ở lại trường với chức năng nhiệm vụ như các thực tập sinh trước đây. Các “giảng viên tạo nguồn” sẽ tham gia học trong các chương trình đào tạo sau đại học.

Khi có điều kiện họ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Một số giảng viên của Nhà trường đã sử dụng một phần kinh phí của các đề tài nghiên cứu do họ chủ trì chi trả cho các cán bộ tạo nguồn này, góp phần tạo môi trường tốt cho họ vừa được đảm bảo đời sống ổn định, vừa học tâp, vừa tham gia rèn luyện kỹ năng nghiên cứu.

Nhà trường cũng có những chính sách ưu tiên và khuyến khích phù hợp để thu hút các tiến sĩ mới tốt nghiệp ở nước ngoài về làm việc, cố gắng tạo dựng môi trường đào tạo chuẩn mực chất lượng cao, nghiên cứu tích cực, hợp tác trao đổi trong và ngoài nước rộng mở, thân thiện, năng động và hiệu quả.

Các tiến sĩ trẻ mới về trường được tạo điều kiện ưu tiên ngay năm đầu tiên, được cấp kinh phí thực hiện một đề tài cấp trường để tiếp tục một số nội dung nghiên cứu của mình từ nước ngoài, vừa đảm bảo điều kiện làm việc ban đầu của họ, giữ nhịp độ và tính liên tục cho hoạt động nghiên cứu, vừa tạo điều kiện để họ tiếp cận và hòa nhập tốt vào môi trường nghiên cứu, giảng dạy và các hoạt động khác của Nhà trường.

Một chính sách khuyến khích khác đối với các hoạt động nghiên cứu là tổ chức xét và trao Giải thưởng KH&CN hằng năm và định kỳ của Trường ĐHCN cho các công trình, sản phẩm nghiên cứu KH&CN hay giải thưởng chỉ số ảnh hưởng h-index cao của giảng viên,… 

 Trường ĐHCN với tư cách một trường đại học thành viên đang được thụ hưởng một số tiện ích của Quỹ Phát triển KHCN của ĐHQGHN là một quỹ đang vận hành với hiệu quả và tác dụng tốt, tận dụng cơ chế hoạt động đặc thù và tự chủ cao của ĐHQGHN. Theo chúng tôi, các trường đại học khác cũng nên lập và khai thác tốt Quỹ Phát triển KH&CN để động viên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu chất lượng cao.

-Theo ông, làm thế nào để sinh viên đặc biệt là sinh viên trường Đại học Công nghệ đam mê nghiên cứu khoa học, xem khoa học công nghệ là động lực then chốt phát triển và khẳng định vai trò của giới trẻ trong đời sống xã hội?

Khi sinh viên đã chọn theo học một ngành học nhất định tại một trường đại học nào đó thì họ cũng đã thể hiện mong muốn phát triển của bản thân theo chuyên môn của ngành học đó.

Những sinh viên có đam mê nghiên cứu sẽ chuyên tâm vào việc phát hiện những cái mới, sáng tạo những sản phẩm mà con người và xã hội cần để góp phần phát triển các tri thức mới, phát triển những hiểu biết sâu sắc hơn của con người về các thực thể tự nhiên và xã hội là đối tượng nghiên cứu của khoa học, hay góp phần phát triển các sáng chế, thiết kế và chế tạo các vật liệu linh kiện, các quy trình mới, các công nghệ mới đáp ứng nhu cầu tăng năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Như vậy, việc quảng bá sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Nhà trường tới những người học tương lai (sinh viên hay học viên cao học, nghiên cứu sinh) là vô cùng quan trọng. Trường ĐHCN luôn cố gắng làm tốt việc này.

Khi sinh viên đến trường, các cuộc đối thoại với sinh viên mới về phương pháp học tập nghiên cứu, về triết lý đào tạo của Nhà trường có tác dụng rất tốt đối với họ, giúp họ sớm vượt qua được các mặc cảm, nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và tự tin, say mê tập trung vào học tập. The University of Engineering and Technology – Where your Creativity grows” - Trường ĐHCN – Nơi luôi lớn Chí Sáng tạo của bạn đó là khẩu hiệu hành động của Trường ĐHCN.

Thông qua các hoạt động quản lý và sinh hoạt chuyên môn của Nhà trường, tư tưởng tích hợp hoạt động nghiên cứu vào quá trình đào tạo phải được thiết kế chuẩn xác, quán triệt tới toàn thể đội ngũ giảng viên và thực hiện một cách nhất quán trong mọi công đoạn của quá trình đào tạo.

Bài giảng của giảng viên ngoài việc cung cấp các kiến thức cơ bản, cơ sở của môn học còn cần chỉ rõ cho sinh viên các kiến thức đó được ứng dụng để phát triển một vật liệu, một thiết bị, một chức năng của thiết bị, một quy trình sản xuất, một công nghệ hoàn chỉnh như thế nào, và cũng cần hướng dẫn cho sinh viên tác phong tự lập trong tìm hiểu và lập luận phát hiện các tri thức mới.

Từ đó, sinh viên có thể hoàn thiện hiểu biết của mình, tăng cường phong thái học tập tích cực chủ động. Đó là những điều mà trường chúng tôi đã làm được, đang cố gắng làm tốt hơn, từng bước giúp sinh viên cảm thấy hứng thú hơn, say mê hơn và tích cực hơn trong việc thực hiện ước mơ, hoài bão của các em khi các em đăng ký dự thi vào trường.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường ĐHCN đã thực thi được các chính sách mạnh mẽ trong việc thu hút trọng dụng các tài năng trẻ.

- Chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam, ông có gì muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ Việt Nam nhân sự kiện này?

Ngày KH&CN là cho chính thế hệ trẻ, những người sẽ thực hiện các kế hoạch chiến lược phát triển cho tổ chức mình trong tương lai theo tầm nhìn của chính tổ chức.

Bác Hồ đã dạy: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân…”, do vậy, KH&CN không phải là cái gì đó quá cao siêu, xa vời mà phải rất gần với cuộc sống, có tác động tích cực đến mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Với các sinh viên các ngành công nghệ đang ngồi trên ghế nhà trường, các bạn hãy đến làm việc tại các phòng thí nghiệm của khoa, của trường mình, xin tham gia các nhóm nghiên cứu của các Thầy, các Cô giáo của mình càng sớm càng tốt (muộn nhất là từ năm thứ ba trở đi), ở đó tôi tin các bạn sẽ “không thành công cũng thành nhân”.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Còn tiếp Phần cuối)

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ