Giao lưu trực tuyến: “Hướng tới ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5” - (Phần cuối)
GS Trần Đình Hòa - PGĐ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
- Xin chào ông Trần
Đình Hòa. Thưa ông, như ông đã biết, ngày KH&CN Việt Nam 18/5 lần
đầu tiên được tổ chức trong năm nay. Với tư cách là nhà khoa học trẻ, Ông có có
thể chia sẻ những suy nghĩ, cũng như cảm nhận của mình về ngày này? (mtloan2008@gmail.com)
Giáo sư Trần Đình Hòa: Mỗi cơ quan, mỗi ngành đều có một ngày truyền thống
riêng. Nhưng ngày truyền thống của một ngành được quy định rõ trong một bộ
luật, thống nhất trong toàn quốc mang tầm quốc gia là một niềm vinh dự, là một
sự ghi nhận lớn của Đảng và Nhà Nước. Điều này khẳng định một cách mạnh mẽ tầm
quan trọng cũng như những đóng góp của KH&CN trong sự nghiệp xây dựng, phát
triển và bảo vệ tổ quốc. Bản thân tôi thấy rất vui mừng, phấn khởi và hy vọng
trong thời gian tới những sự quan tâm đầu tư của nhà nước cũng như những đóng
góp của KH&CN cho thực tế sản xuất sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
|
GS.TS
Trần Đình Hòa - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
|
- Có lẽ cũng như các
đơn vị khác, hòa chung không khí phấn khởi của ngày khoa học Việt Nam 18/5,
chắc chắn Viện Khoa học thủy lợi cũng có những hoạt động thiết thực để chào
mừng phải không ông?
Năm nay, cũng là dịp Viện KHTL Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
viện. Vì vậy, viện KHTL VN cũng đã có những sự chuẩn bị nhất định cho sự kiện
quan trọng này.
- Viện sẽ tổ chức nhiều Hội thảo KHCN để giới thiệu,
trình bày các kết quả KHCN của viện tại 3 miền trong cả nước.
- Triển lãm các sản phẩm KHCN nổi bật đã được ứng
dụng có hiệu quả trong thực tế sản xuất.
- Trong dịp kỷ niệm ngày KHCN Việt Nam, Viện sẽ tổ
chức buổi giao lưu trực tuyến với các nhà KHCN trên cả 3 miền nhằm tổng kết,
đánh giá lại những thành tựu và tồn tại trong công tác NCKH và chuyển giao CN
và thảo luận về những ý tưởng, hướng phát triển trong giai đoạn mới.
- Ngoài ra, các đơn vị NC trực thuộc viện KHTL VN
cũng đã, đang và tiếp tục triển khai các hoạt động sinh hoạt học thuật nhằm
nâng cao hiệu quả NCKH và chuyển giao CN; các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn
nghệ, thể thao,.. để chào mừng ngày kỷ niệm lớn của viện và của ngành.
- Thưa ông Hòa, xin
ông cho biết những kết quả chính trên mọi mặt mà Viện đã đạt được trong thời
gian qua? (Đinh Thị Thắng, Hà Nội)
Viện KHTL Việt Nam có đội ngũ cán bộ CNV gần 1500
người, công tác trong 9 viện chuyên ngành, chuyên đề và 3 trung tâm, 1 phòng
nghiên cứu trọng điểm quốc gia chuyên sâu đặt tại cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng phục vụ sản
xuất và phát triển đất nước. Tôi chỉ xin nêu 1 trong số các kết quả chính như
sau:
Hiện nay, Viện có hàng chục công nghệ được cấp
bằng độc quyền sáng chế và rất nhiều công công nghệ đang được chuyển giao vào
sản xuất, tạo thế cạnh tranh trên thị trường, làm lợi cho nhà nước hàng trăm tỷ
đồng mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Những nhóm công nghệ nổi bật
được Viện chuyển giao vào sản xuất trong những năm qua là: Cửa van tự động cống
vùng triều; Công nghệ ngăn sông (đập xà lan, đập trụ đỡ, đập cao su) phục vụ
rất hiệu quả cho các công trình chống ngập úng, ứng phó với biến đổi khí hậu đã
được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2010; Công nghệ Jet
- grouting tạo cọc xi măng đất để xử lý nền; Các loại bơm như bơm hút sâu, bơm
HT 3600-5, b bơm 4000 m3/h trục ngang, bơm thuỷ luân; Thiết bị vớt rác tự động;
Thiết bị thuỷ điện nhỏ; Công nghệ tưới tiết kiệm nước; Công nghệ trồng rừng
ngăn mặn bảo vệ đê biển; Công nghệ GIS, SCADA trong công tác quản lý thủy lợi,
nông nghiệp; Các phần mềm phục vụ tính toán, khảo sát thiết kế và quản lý điều
hành công trình thuỷ lợi...; Công nghệ xác định tổ mối và ẩn họa trong đê, đập
bằng thiết bị rađa xuyên đất.
Bên cạnh đó, về lĩnh vực thể chế chính sách, kinh tế
và quản lý thủy lợi đã góp phần vào việc cung cấp luận cứ khoa học giúp cơ quan
quản lý nhà nước hoạch định chính sách, chiến lược trong quy hoạch, quản lý,
khai thác, sử dụng, bảo vệ và chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phù hợp với
điều kiện kinh tế, chính trị xã hội của Việt nam và thông lệ quốc tế. Còn rất
nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng khác của viện mà không có thời gian để có
thể liệt kê hết tại đây.
Công
trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long- Thừa Thiên Huế do Viện Khoa học Thủy lợi
Việt Nam
thiết kế.
|
- Tôi xin hỏi thêm ông
Hòa một câu thế này. Được biết năm 2013 ông được được đặc cách trở thành GS
ngành Thủy lợi bởi năng lực làm việc cũng như những cống hiến của ông đối
với ngành. Sắp tới, ông có những dự định cụ thể nào để phát triển Viện? (Đinh
Thị Thắng, Hà Nội)
Trong giai đoạn sắp tới, tôi sẽ cùng các đồng chí
trong ban GĐ Viện, phối hợp với các đơn vị thành viên triển khai thực hiện
chiến lược phát triển viện trong giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 vừa
được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Song song với việc triển khai thực hiện các
nội dung, nhiệm vụ theo chiến lược, chúng tôi đồng thời triển khai thực hiện
các nhiệm vụ cấp bách do Bộ NN&PTNT giao và bám sát vào thực tế nhằm
kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề bức xúc của sản xuất đặt ra cho
các nhà khoa học.
Trong quá trình thực hiện sẽ bám sát đề án tái cơ cấu
ngành và chú trọng công tác chú trọng công tác đào tạo nguồn cán bộ KHCN
chủ chốt; đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng nhanh và mạnh mẽ kết quả nghiên
cứu vào thực tế sản xuất.
- Hiện nay Viện ông có
gặp khó khăn gì trong hoạt động nghiên cứu và phát triển hay không? Cụ thể như
là việc bố trí ngân sách cho các đề tài của Viện chẳng hạn? Đã có trường hợp
nào mà khi nào đề tài/dự án của Viện xây dựng mà không thể triển khai do chậm
ngân sách không? (Quỳnh Lan, An Giang)
Trong giai đoạn hiện nay, không chỉ có viện KHTL VN
mà tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học (NCKH) đều gặp khó khăn. Kinh phí bố
trí cho các đề tài NC bị giảm sút, tiến độ thực hiện nhiều đề tài NC đã bị ảnh
hưởng do tiến độ giải ngân bị chậm. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp
đến tiến độ thực hiện đề tài, giảm tính thời sự của vấn đề nghiên cứu. Tuy
nhiên, chúng tôi đã rất cố gắng để triển khai, cho đến nay, chưa có trường hợp
nào phải dừng thực hiện đề tài nghiên cứu. Nhìn chung, đây là tình hình khó
khăn chung của nhiều tổ chức KHCN chứ không chỉ riêng viện chúng tôi.
-Ai cũng biết rằng muốn phát triển được KHCN phải có
con người, nhưng thực tế các đơn vị nghiên cứu hiện nay rất khó để thu hút
những người trẻ dấn thân vào con đường khoa học. Nguyên nhân thì có rất nhiều,
nhưng cách khắc phục thì mỗi nơi mỗi khác. Riêng Viện Thủy lợi đã có những biện
pháp gì để thu hút những người trẻ vào nghiên cứu? (Đoàn Trọng Hùng, Tp.HCM).
Đây là một vấn đề rất lớn đối với đất nước, chứ không
phải chỉ riêng đối với ngành Thủy lợi.
Trước khi nói đến việc thu hút nguồn cán bộ trẻ phục
vụ cho công tác NCKH, tôi muốn chúng ta phải nhìn nhận lại 1 phần của các
nguyên nhân. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế buồn là ngày càng
có ít bạn trẻ dấn thân vào con đường NCKH. Ngay cả những người công tác tại các
tổ chức KHCN cũng chưa hẳn là những người đã dấn thân vào công tác NCKH thật
sự.
Vì vậy, song song với việc thu hút (và đào tạo) nguồn
cán bộ NCKH, chúng ta cũng phải đồng thời tiến hành phân hóa, sàng lọc và sắp
xếp, bố trí hợp lý một phần lớn các cán bộ có tố chất và phẩm chất khác một
cách hài hòa – đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng không thể không thực
hiện. Trong bối cảnh đó, theo quan điểm của riêng tôi (trong lĩnh vực NC ứng
dụng), để thu hút nguồn cán bộ NCKH trẻ, chúng ta phải tạo điều kiện và môi
trường làm việc cởi mở, giúp cho các em được tự do phát huy tính sáng tạo của
mình trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, chúng ta phải xây
dựng (tạo dựng) niềm đam mê, tâm huyết và trách nhiệm với nghề thông qua việc
đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Chính việc
thông qua các hoạt động thực tiễn này vừa giúp các cán bộ KH trẻ nâng cao trình
độ chuyên môn (kinh nghiệm và trải nghiệm) vừa tạo dựng cho họ một các nhìn,
một sự phấn khích, hứng thú khi chính kết quả NC của mình đã góp phần vào
xây dựng và phát triển xã hội.
Nếu chúng ta làm được những điều đó, thì mặc dù chế
độ đãi ngộ chưa phải quá cao cũng có thể giữ chân được các nhà KH trẻ. Tất
nhiên những người này cần có những mức lương không bị quá thấp để họ có thể
toàn tâm toàn ý tập trung vào hoạt động nghiên cứu, đồng thời được xã hội tôn
trọng. Nếu để thu nhập của một nhà nghiên cứu trẻ thấp hơn rất nhiều so với thu
nhập của một nhân viên bàn giấy tại ngân hàng hay doanh nghiệp tư nhân, khiến
họ không được gia đình, bạn bè coi trọng và buộc phải làm thêm quá sức để có
thể sinh tồn thì khó mà hy vọng sản sinh ra được một tầng lớp các nhà
khoa nhà khoa học chất lượng cao được. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm: Lương
thưởng cũng rất quan trọng, nhưng nhiều khi sự tôn trọng, trân trọng và sự tạo
điều kiện, tạo cơ hội một cách rõ ràng minh bạch còn quan trọng hơn đối với thế
hệ trẻ.
- Nhiều nhà khoa học
cho rằng, chính sách mà chúng ta đang áp dụng cho những người làm công tác
nghiên cứu khoa học ở đơn vị hành chính sự nghiệp chưa phù hợp với lao động
sáng tạo, trong đó có chế độ tuyển dụng, chế độ lương bổng, sắp xếp và bố trí
công việc. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? (Một nhà khoa học Việt
kiều hỏi)
Trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng đưa ra những
chính sách nhằm chuẩn hóa công tác cán bộ, tuy nhiên việc tuyển dụng và bố trí
cán bộ vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định làm lãng phí nguồn nhân lực, đặc
biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Như trên tôi đã nêu ra, chúng ta phải
thẳng thắn thừa nhận là ngay cả những người công tác tại các tổ chức KHCN cũng chưa
hẳn là những nhà NCKH thật sự.
Và trong các đơn vị hành chính sự nghiệp điều này
càng được thấy rõ. Mặc dù vậy, theo tôi những ai đã theo đuổi công tác NCKH thì
nên được áp dụng chính sách như đối với người làm công tác KH, những ai là nhà
KH nhưng làm công tác quản lý thì nên được áp dụng chế độ chính sách như đối
với cán bộ quản lý. Chỉ duy nhất còn lại đối tượng tham gia cả 2 công việc thì
đúng là chúng ta chưa có được 1 chính sách hợp lý. Để giải quyết vấn đề này,
Nhà nước cần có các văn bản quy định rõ hơn các tiêu chuẩn lãnh đạo và quản lý,
theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.
- Luật KH&CN sửa đổi được ban hành 01/01/2014 đã
có nhiều đổi mới đột phá với những chính sách thay đổi về cơ chế đầu tư tài
chính cũng như ưu đãi, trọng dụng các nhà khoa học trẻ. Theo ông, các chính
sách này đã thực sự đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học nước ta hay chưa? Cụ
thể tại Viện Thủy Lợi đã triển khai thực hiện Luật như thế nào?
Trong những năm trước đây, như chúng ta đã thấy việc
quản lý cũng như hoạt động, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ còn
nhiều bất cập làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nghiên cứu nói chung và sản
phẩm khoa học nói riêng. Đơn cử như khi thực hiện các đề tài khoa học đã
xảy ra tình trạng hợp thức hóa các chứng từ giữa người làm khoa học với cơ quan
quản lý. Việc phải nghĩ ra các cách thức tạo chứng từ cho hợp lý mất rất nhiều
thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nghiên cứu và tinh thần và thái độ
của cán bộ nghiên cứu (nhất là đối với các nhà khoa học chân chính).
Bên cạnh việc “chảy máu chất xám” một thực trạng rất
đáng lo ngại hiện nay là “rò rỉ” chất xám của các nhà khoa học. Nhiều nhà khoa
học có kinh nghiệm, trí tuệ nhưng không dành hết được thời gian cho việc toàn
tâm toàn ý làm khoa học mà lại phải làm những sự vụ không dính dáng gì đến
chuyên môn, khoa học. Ngoài ra, nhiều vấn đề bất cập khác như tổ chức đề xuất,
xét chọn, tuyển chọn, đánh gia đề tài…
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những
chính sách cho KH&CN mang tính đột phá lớn (Nghị quyết 20/NQ-TW, Luật
KH&CN 2013, chiến lược KH&CN 2011-2020...). Đây là những cơ sở, động
lực lớn để KHCN có thể chuyển mình một cách mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Bản thân tôi cũng hi vọng trong thời gian tới với sự ra đời của luật KHCN sẽ
“cởi trói” và tạo động lực lớn cho các nhà KH có được nhiều cơ hội và thuận lợi
hơn trong việc đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và
phát triển đất nước.
Tuy nhiên, để những chính sách chủ trương đó chuyển
hóa thành các kết quả cụ thể, rất cần Chính Phủ và các Bộ Nghành liên quan
nhanh chóng kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn triển khai
thật sự đi vào cuộc sống. Nghị quyết, Nghị định và luật KHCN là những văn kiện
hết sức đúng đắn và đang lấy lại được lòng tin, động lực cho các nhà KH, nhưng
để những chính sách nói trên thật sự đi vào cuộc sống không phải là vấn đề đơn
giản. Về mặt quản lý nhà nước, nó cần có sự đồng thuận và đồng bộ giữa các Bộ,
Ngành liên quan; về triển khai thực hiện rất cần có sự tham gia trực tiếp của
các nhà KH vào quá trình ban hành các thông tư, hướng dẫn thực hiện. Nếu không,
các chính sách đúng đắn lại bị xa rời thực tiễn. Hiện tại, Viện KH Thủy Lợi
Việt Nam đã bám sát vào luật KHCN và mong muốn sớm có những văn bản cụ thể, chi
tiết hơn để có cơ sở thực hiện.
|
Công
trình ngăn sông Cái Lớn- Cái Bé (Tỉnh Kiên Giang), do Viện Khoa học thủy lợi
Việt Nam
lập dự án.
|
- Ông có cho rằng để khuyến
khích lòng ham mê khoa học của giới trẻ, để xã hội biết đến nhiều hơn các công
trình nghiên cứu của các nhà khoa học thì công tác truyền thông khoa học là rất
quan trọng? Theo đánh giá của ông thì hoạt động này tại VN đã đạt được kết quả
như mong muốn chưa?
Đối với vấn đề này, tôi có một số vấn đề cần trao
đổi:
Thứ nhất, về suy nghĩ và nhìn nhận đối với NCKH: Thực
tế, lớp trẻ ngày nay không có nhiều người theo đuổi các ngành KH&CN. Những
tố chất, phẩm chất của một nhà KH phải nên được phát hiện, phát triển, vun đắp
và đào tạo, bồi dưỡng ngay từ trong giảng đường đại học thậm chí được nuôi
dưỡng từ bậc học sinh. “Giảng dạy và nghiên cứu phải thật sự là anh em sinh
đôi”.
Chính vì vậy, các hoạt động quảng bá cho khoa học và
hỗ trợ sự phát triển của thế hệ trẻ một cách công bằng phải được tiến hành 1
cách chủ động. Trong khi đó một số các ngành học khác lại được quảng bá một
cách quá mức so với ngành KHCN. Nói như thế không có nghĩa xem nhẹ các nghành
nghề khác, mà nên có sự hài hòa và hợp lý.
Thứ hai, việc trao đổi thông tin giữa các nhà KH với
những đối tượng ứng dụng, sử dụng kết quả NCKH chưa được như kỳ vọng. Việc trao
đổi thông tin về kết quả NCKH&CN cũng như việc đưa ra các nhu cầu về sản
phẩm KHCN chưa tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, chúng ta nên có kênh truyền
thông chuyên giới thiệu, tôn vinh các công trình NCKH, phổ cập và quảng bá
thành tựu của các tổ chức và cá nhân có đóng góp lớn về KHCN trong thực tế sản
xuất; đồng thời cung cấp cho các nhà KH, các tổ chức KHCN những bức xúc, yêu
cầu, đòi hỏi của thực tế sản xuất. Có như vậy, hoạt động NCKH&CN mới sớm đi
vào cuộc sống và đi vào 1 cách hiệu quả.
- Là một trong những
nhà khoa học trẻ tuổi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển KH&CN
nước nhà, ông có những chia sẻ gì đối với các bạn trẻ hiện nay?
Tôi chỉ xin tâm sự và chia sẻ đôi điều với các bạn
trẻ đó là: Không phải ai cũng có thể làm nhà KH, cũng như không phải ai cũng có
thể trở thành nhà doanh nhân giỏi, do đó điều quan trọng là phải tự đánh giá
khả năng, năng lực, sở trường của mình để chọn lựa nghề nghiệp cho phù hợp. Ở
bất cứ ngành gì, lĩnh vực hay nghề nghiệp gì cũng cần có đam mê, trách nhiệm và
tâm huyết với nghề. Trong xã hội, đóng góp lớn hay nhỏ, KH hay sản xuất, lý
luận hay thực tiễn đều có giá trị và đều được trân trọng và ghi nhận. Hãy cố
gắng, kiên trì nỗ lực hết mình với ngành nghề và tâm huyết với công việc mình
đã chọn thì thành công sẽ đến với mình.
Đối với học sinh, sinh viên: Nên xác định chúng ta
học để biết, học để sống, học để làm việc quan trọng hơn là học để thi. Đối với
các bạn trẻ đã ra công tác: Học cả về trí tuệ và đạo đức, chăm chỉ và nhẫn nại.
Học không phải để biết những cái đã có sẵn trong sách vở, tài liệu mà còn phải
hình thành tư tưởng, tư duy cho những cái chưa có.
Phải có 1 phông văn hóa đủ rộng để phát triển và suy
luận tổng hợp. Phải có tinh thần học thuật, tư duy phản biện và năng lực phán
xét. Và điều quan trọng nhất đó là luôn luôn phải quan tâm rèn luyện bản
thân để có đủ sức khỏe gánh vác những điều lớn lao nói trên.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!