Hội đồng khoa học thẩm định các dự án phải có 2/3 là nhà khoa học
Hội đồng thẩm định phải có tối thiểu 07 thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, 02 uỷ viên phản biện và các uỷ viên, trong đó 2/3 là các chuyên gia chuyên ngành, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực cần thẩm định, chủ tịch hội đồng thẩm định phải là chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong lĩnh vực cần thẩm định.
Hội đồng khoa học phải có 2/3 là nhà khoa học. Trong ảnh là
GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng viện Toán học
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý
kiến người dân về Thông tư Hướng dẫn nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định cơ
sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh
tế - xã hội.
Thông tư này hướng dẫn nội dung, quy trình,
thủ tục thẩm định cơ sở khoa học, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư và
chương trình phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là thẩm định cơ sở
khoa học, công nghệ của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội).
Đối với dự án đầu tư/chương trình phát
triển kinh tế - xã hội có đầy đủ cơ sở khoa học, nội dung công nghệ rõ ràng,
thuộc chuyên môn mà chuyên viên thẩm định của cơ quan thẩm định nắm vững, cơ
quan thẩm định trực tiếp tổ chức xử lý và có ý kiến bằng văn bản gửi Cơ quan có
thẩm quyền thẩm tra chương trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc Cơ quan có
thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Đối với dự án đầu tư/chương trình phát
triển kinh tế - xã hội có cơ sở khoa học chưa đầy đủ, chưa chắc chắn, nội dung
công nghệ phức tạp, có tính liên ngành hoặc có phạm vi ảnh hưởng rộng, đòi hỏi
phải có ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan chuyên ngành. Tuỳ theo mức độ
phức tạp, để làm rõ cơ sở, căn cứ khoa học và nội dung công nghệ của dự án đầu
tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thủ trưởng cơ quan thẩm định quyết
định việc lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến phản biện của cá nhân hoặc tổ chức
chuyên ngành để xem xét.
Đối với những dự án đầu tư/chương trình
phát triển kinh tế - xã hội cần phải lấy ý kiến của chuyên gia, cơ quan thẩm
định gửi hồ sơ đến chuyên gia để lấy ý kiến. Chuyên gia phải là người có trình
độ chuyên môn phù hợp và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên
ngành cần thẩm định.
Tổ chức thẩm định thông qua hội nghị tư
vấn: Đối với những dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội cần
phải tổ chức hội nghị tư vấn, thành phần được mời phải là những chuyên gia
chuyên ngành, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cần thẩm định và đại
diện các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan. Biên bản hội nghị tư vấn
phải thể hiện đầy đủ các ý kiến thảo luận, kết luận của người chủ trì hội nghị
và có danh sách đại biểu tham dự kèm theo.
Việc thẩm định cơ sở khoa học, công nghệ
của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội do cơ quan thẩm định
thực hiện thông qua hội đồng thẩm định (sau đây gọi tắt là hội đồng thẩm định)
và do Thủ trưởng cơ quan thẩm định ra quyết định thành lập.
Hội đồng thẩm định phải có tối thiểu 07
thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, 02 uỷ viên phản biện và các uỷ viên,
trong đó 2/3 là các chuyên gia chuyên ngành, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm
việc trực tiếp trong lĩnh vực cần thẩm định, chủ tịch hội đồng thẩm định phải
là chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong lĩnh vực cần thẩm định. Kết luận của
hội đồng thẩm định là cơ sở để cơ quan thẩm định có ý kiến về cơ sở khoa học,
công nghệ dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Phiếu đánh giá của thành viên hội đồng
thẩm định và Biên bản hội đồng thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục V và VI
của Thông tư này.
Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên
tắc dân chủ, đảm bảo tính khách quan và chịu trách nhiệm tập thể về kết luận
chung của Hội đồng;
Thành viên Hội đồng thẩm định chịu trách
nhiệm cá nhân về tính khách quan, tính chính xác đối với những ý kiến nhận xét,
đánh giá; các thành viên và thư ký hành chính của Hội đồng, đại biểu tham dự có
trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan trong quá trình thẩm định;
Phiên họp chính thức của hội đồng thẩm
định phải có mặt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó phải có
Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được uỷ quyền và các ủy viên phản biện. Ý kiến nhận
xét của thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo;
Chủ tịch điều hành các phiên họp Hội đồng
thẩm định, trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch được uỷ quyền có
trách nhiệm điều hành phiên họp của hội đồng thẩm định.
Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan
thẩm định có quyền lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập
trước hoặc sau khi họp hội đồng thẩm định.
Nguồn kinh phí được bảo đảm từ các nguồn
ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ, bố trí trong dự toán ngân sách nhà
nước hàng năm. Ngân sách trung ương thực hiện chi cho nhiệm vụ thẩm định cơ sở
khoa học, công nghệ của dự án đầu tư/chương trình phát triển kinh tế - xã hội
do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện; nguồn chi sự nghiệp khoa học và công
nghệ thuộc ngân sách địa phương chi cho các nhiệm vụ thẩm định cơ sở khoa học,
công nghệ của dự án đầu tư do địa phương giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thực
hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ: thẩm định cơ
sở khoa học, công nghệ của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án
đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và dự án đầu tư
thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương: thẩm định các dự án đầu tư phải đăng ký đầu tư, thẩm
tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này nằm
trên địa bàn quản lý của địa phương, bao gồm các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền
cấp Giấy chứng nhận đầu tư của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Quản lý khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.