Đầu tư hiệu quả cho khoa học công nghệ
Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ (KHCN) từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm - là nội dung quan trọng được ghi nhận trong Luật KHCN 2013. Không ít chuyên gia cho rằng, xét về giá trị tuyệt đối thì tổng kinh phí đầu tư cho KHCN vẫn còn khiêm tốn, do đó nếu không huy động nguồn lực từ phía xã hội, doanh nghiệp và phân bổ hợp lý nguồn kinh phí hiện có thì mục tiêu phát triển KHCN khó có thể đạt được.
Đa dạng hóa nguồn
vốn đầu tư
Chi 2% ngân sách nhà nước cho hoạt
động KHCN đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nhà nước tới lĩnh vực này. Mặc dù
chi ngân sách nhà nước đã ưu tiên nhiều hơn cho hoạt động KHCN nhưng so với
nhiều nước trên thế giới và trong khu vực thì nguồn lực đầu tư cho KHCN ở nước
ta vẫn còn khiêm tốn. Tổng đầu tư cho KHCN bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều
lần so với các nước trên thế giới. Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân cho biết,
chi dành cho KH-CN hiện chiếm 2% ngân sách nhà nước, tương đương với mức trung
bình các nước trên thế giới, nhưng do GDP còn thấp nên nguồn tài chính cho
KH-CN ở nước ta năm 2012 chỉ là 700 triệu USD trong khi chỉ riêng Tập đoàn
Samsung của Hàn Quốc đã chi hơn 1 tỷ USD cho công nghệ.
Mới đây, tại phiên họp toàn thể của Ủy
ban KH, CN và MT của Quốc hội, Bộ KH - CN cho biết, ngân sách chi cho hoạt động
KHCN hàng năm chưa tới 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, nếu như năm
2006 tổng chi cho hoạt động này chiếm 1,85% ngân sách (5.429 tỷ đồng) thì đến
năm 2014 chỉ còn 1,36% (tức 13.666 tỷ đồng).
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải
quyết vấn đề tài chính cho KHCN, tăng chi ngân sách không phải là giải pháp duy
nhất bởi sẽ khó đạt được mục tiêu giảm bội chi, bảo đảm an ninh tài khóa trong
trung và dài hạn nếu chỉ lệ thuộc vào nguồn này. Điều đó đòi hỏi phải đa dạng
hóa nguồn tài chính, thu hút đầu tư từ phía doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và
toàn xã hội. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất về nguồn lực tài chính chi cho KHCN ở
nước ta chính là sự khác biệt về cơ cấu đầu tư giữa khu vực công và tư. Nếu
tính tổng mức đầu tư cho hoạt động KHCN ở Việt Nam thì đầu tư của ngân sách chiếm
khoảng 65-70%, trong khi đầu tư của khối doanh nghiệp chỉ bằng 50% đầu tư từ
ngân sách nhà nước. Thực tế đó đang đặt ra câu hỏi, đến năm 2020 nước ta có thể
thực hiện được mục tiêu đầu tư cho KHCN chiếm 2% GDP quốc gia, trong đó 3/4 là
đầu tư từ hệ thống doanh nghiệp hay không?
Rõ ràng, nếu chỉ dựa vào nguồn lực từ
ngân sách như giai đoạn vừa qua thì rất khó có thể tạo ra được đột phá, đưa
KHCN trở thành động lực quan trọng phát triển đất nước. Điều đáng nói là mặc dù
đã có không ít chính sách thúc đẩy sự phát triển KHCN như hình thành Quỹ Phát
triển KHCN, với cơ chế huy động kinh phí từ xã hội, doanh nghiệp cũng như ràng
buộc và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa nguồn kinh
phí cho hoạt động này, thế nhưng nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vẫn còn eo
hẹp. Bởi lẽ, theo Luật KHCN 2013, chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới phải trích
lập quỹ phát triển KHCN chứ không bắt buộc mọi doanh nghiệp phải sử dụng 10%
lợi nhuận trước thuế để đầu tư. Hơn nữa, đây là lĩnh vực có độ rủi ro cao nhưng
việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp hiện nay
chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ với doanh thu chỉ vài tỷ đồng/năm nên ít mạo
hiểm và chú trọng đầu tư cho KHCN.
Xã hội hóa đầu tư cho KHCN là chủ
trương đúng đắn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, song làm thế nào để mục
tiêu ấy đạt hiệu quả vẫn là băn khoăn của không ít người. Có chuyên gia cho
rằng, nếu như mục tiêu chiến lược đề ra tính kỹ tới nguồn lực phát triển thì
mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho KHCN sẽ dễ dàng đạt được. Đơn cử như
Hàn Quốc đặt ra kế hoạch từ 2008 - 2012, đầu tư cho KHCN đạt 5% GDP. Mục tiêu
này đã đạt được khi nguồn vốn thu hút từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước lên
tới 40 tỷ USD.
Thế nhưng, có lẽ đúng như nguyên Thứ
trưởng Bộ KH - CN Nghiêm Vũ Khải từng nhận xét, nếu xã hội không có nhu cầu đối
với hoạt động KHCN thì xã hội hóa đầu tư cho hoạt động này sẽ không có định
hướng, không có động lực. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý khi đổi mới thể chế
và mô hình phát triển cần dựa trên nhu cầu ứng dụng KH-CN, tạo động lực đổi mới
sáng tạo và cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có như vậy, sự quan tâm của xã hội, doanh
nghiệp đối với KH-CN mới lớn dần lên, từ đó khơi dậy nguồn lực đầu tư cho hoạt
động này.
Mô hình Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Đầu tư có trọng
điểm
Pgs.Ts. Tạ Đức Thịnh - Bộ GD - ĐT nhấn
mạnh: trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp, đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào
để có hiệu quả cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.
Bởi lẽ, kinh phí cho hoạt động KHCN
thường được phân bổ đều cho các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành dựa trên số
kinh phí giao năm trước mà không dựa vào những căn cứ, tiêu chí cụ thể, rõ
ràng. Tổng kinh phí đầu tư phát triển từ ngân sách cho KHCN lại cào bằng
50-50 giữa tổ chức KHCN Trung ương và địa phương. Ts Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng,
Trưởng Ban KH-CN địa phương, Bộ KH-CN cho biết, giai đoạn 2006-2014, suất chi đầu
tư phát triển ở địa phương gấp 2,66 lần suất chi cho các bộ, ngành Trung ương.
Điều này dẫn tới một thực tế là tiềm lực KHCN ở nhiều địa phương còn yếu, thiếu
đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao nhưng vẫn được giao kinh phí khá lớn
dẫn đến việc sử dụng không hết hoặc đầu tư cho các hạng mục công trình khác.
Trong khi đó, các bộ, ngành có tiềm lực KHCN mạnh, đội ngũ cán bộ khoa học
trình độ cao rất đông đảo thì kinh phí giao lại quá ít.
Không ít chuyên gia cho rằng, nguyên
nhân khiến cho việc đầu tư ngân sách còn dàn trải, thiếu tập trung và thiếu sự
gắn kết là do chưa có cơ chế sàng lọc nhiệm vụ nghiên cứu một cách hữu hiệu.
Việc giao dự toán kinh phí các đề tài, dự án còn mang tính bình quân và chủ yếu
được phân bổ theo đề xuất từ dưới lên, nhiều trường hợp chỉ để giải quyết thu
nhập cho cán bộ nghiên cứu, chưa gắn với các định hướng phát triển KHCN trung
và dài hạn cũng như tầm quan trọng của các dự án, đề tài nghiên cứu. Chính sự phối
hợp thiếu hiệu quả giữa bộ, ngành, địa phương trong việc xác định nhiệm vụ đã
dẫn tới có những nhiệm vụ nội dung giống nhau nhưng không được kết hợp để thực
hiện, gây lãng phí nguồn lực lớn.
Bên cạnh đó, kinh phí của Nhà nước đầu
tư cho KHCN gồm hai nguồn là đầu tư phát triển và đầu tư sự nghiệp được giao
cho hai bộ khác nhau. Bộ KH - ĐT tổ chức xây dựng kế hoạch, phân bố kinh phí về
đầu tư phát triển KHCN còn đầu tư sự nghiệp KHCN được giao cho Bộ KH - CN. Tại
địa phương, kinh phí đầu tư phát triển KHCN được giao cho đơn vị phụ trách về
xây dựng cơ bản, quản trị thiết bị còn kinh phí sự nghiệp KHCN được giao cho đơn
vị khác. Điều đó cho thấy, cùng nguồn kinh phí đầu tư, cùng mục tiêu đầu tư
nhưng lại giao cho hai cơ quan quản lý, điều hành. Hậu quả dẫn tới là đầu tư
dàn trải, chồng chéo, thiếu tính hệ thống, thiếu tập trung, thống nhất. Hơn
nữa, cơ chế giám sát sử dụng kinh phí đối với các nhiệm vụ KHCN còn rất lạc
hậu, chậm được đổi mới.
Khẳng định xu hướng rải đều ngân sách
như hiện nay không phù hợp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, sắp tới bộ sẽ tập
trung nguồn lực vào nơi làm việc hiệu quả, không phân biệt các đơn vị thuộc nhà
nước hay bên ngoài. Theo đó, sẽ tiến tới đổi mới cơ chế tài chính, ưu tiên các
đề tài có tính ứng dụng cao, giảm đầu tư cắt khúc. Bởi, bấy lâu nay các nhà
quản lý, nhà khoa học vẫn quan niệm lượng hơn chất nên nhiều năm qua, hầu như
chỉ chú trọng quản lý đầu vào, buông lỏng đầu ra. Kết quả là sản phẩm các chương
trình đầu tư trọng điểm cấp nhà nước không theo chuỗi thống nhất, ở dạng dàn
trải, tức là ai có nhu cầu thì Nhà nước hỗ trợ nhưng không ghép lại với nhau để
tạo thành sản phẩm chủ lực hay chuỗi giá trị.
Ðặc biệt, sẽ chuyển mạnh sang việc cấp
và quản lý kinh phí theo cơ chế quỹ phát triển KHCN, đấu thầu, đặt hàng và
khoán chi thực chất đến sản phẩm cuối cùng; bảo đảm chi đúng mục đích và hiệu
quả. Quan trọng là nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý
tài chính, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với kết quả nghiên cứu KHCN, tiến
tới xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng thực
hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị KHCN gắn với việc sử dụng kinh phí ngân sách.
Việc hoàn thiện chế độ thông tin báo cáo, công tác tài chính kế toán và trách
nhiệm giải trình về kết quả nghiên cứu khoa học cũng là mục tiêu quan trọng
được đặt ra.