SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Doanh nghiệp tự chủ trong trích lập Quỹ Phát triển KHCN

[20/05/2014 07:50]

Trước thực trạng đầu tư cho KHCN chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua việc khuyến khích thành lập Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng. Song, trên thực tế, việc thành lập và sử dụng quỹ còn nhiều khó khăn. Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho KHCN đã được Bộ KH - CN trình Chính phủ xem xét, thông qua sẽ tháo gỡ được phần nào những vướng mắc đó.

Đổi mới tỷ lệ trích lập quỹ

Thành lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng đã từng được đề cập trong Luật KHCN 2000, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và nhiều nghị định, thông tư có liên quan. Tuy nhiên, việc hình thành Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp còn ít và không đồng đều. Theo thống kê của Sở KH - CN TP Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 8.2013, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn là 137.000 đơn vị nhưng chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ Phát triển KHCN. Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ít trích lập quỹ phát triển KHCN là do hạn chế từ chính sách pháp luật.

Theo khoản 1, Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, tỷ lệ trích lập tối đa là 10% thu nhập tính thuế hàng năm áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Song, lập quỹ phát triển KHCN ở doanh nghiệp nếu chỉ dựa trên cơ sở tự nguyện thì mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực này cho KHCN sẽ khó đạt được. Mặt khác, quy định này cũng thiếu hợp lý bởi quy mô các doanh nghiệp rất khác nhau, trong đó đa phần doanh nghiệp ở Việt Nam là vừa và nhỏ. Chính vì vậy, đưa ra tỷ lệ trích lập quỹ khác nhau giữa doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn với doanh nghiệp nhỏ; đồng thời mở rộng đối tượng lập quỹ là khuyến nghị của nhiều chuyên gia.

Những đề xuất này đã được ghi nhận tại Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước sản xuất thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng phải trích 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Các doanh nhiệp nhà nước còn lại sẽ trích tối thiểu 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp dành tỷ lệ lợi nhuận trước thuế đầu tư vào Quỹ Phát triển KHCN, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đưa ra chế tài đủ mạnh buộc doanh nghiệp phải trích lập quỹ đầu tư. Đối với những doanh nghiệp quá nhỏ, có thể đóng góp cho Quỹ Phát triển KHCN của địa phương để quỹ này có một nguồn đủ lớn cho phép tái đầu tư theo thứ tự ưu tiên, nhằm đạt mục tiêu mỗi năm sẽ có một số doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp

Theo Ths Lê Vũ Toàn, Trường Quản lý KHCN (Bộ KH-CN), nội dung liên quan tới việc doanh nghiệp được phép sử dụng quỹ theo Thông tư 105/2012/TT-BTC còn thiếu cụ thể là nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị động, gặp lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, những hoạt động liên quan đến KHCN như mua thiết kế, thuê chuyên gia, đào tạo cán bộ, chuyển nhượng thương hiệu, mua sắm thiết bị công nghệ cao không được Cục Thuế và Sở Tài chính tại nhiều địa phương chấp nhận vì thiếu hướng dẫn.

Mặt khác, quy định mập mờ về tính chất nguồn vốn của Quỹ cũng như trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong từng khâu thanh toán cũng cản trở hoạt động quyết toán thuế của doanh nghiệp. Với lập luận sử dụng quỹ là sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước nên đã có trường hợp doanh nghiệp khi quyết toán kinh phí sử dụng vốn từ quỹ không được cơ quan tài chính ở địa phương chấp nhận do số tiền quỹ không đủ cho nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp hay định mức chi cho các dự án của doanh nghiệp đã vượt quá định mức chi cho các đề tài, dự án có sử dụng ngân sách Nhà nước. Dẫn tới có trường hợp, doanh nghiệp đã trích lập Quỹ cả 4.000 tỷ đồng, nhưng không thể giải ngân được.

Nguyên nhân là bởi theo Thông tư liên tịch số 44/2007 của Bộ KH - CN và Bộ Tài chính, doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng định mức chi cho các đề tài, dự án mà văn bản này đã ban hành. Thế nhưng, so với thời điểm hiện nay, định mức chi theo thông tư này đã quá lạc hậu, không phù hợp với định mức chi mà doanh nghiệp thực hiện trong điều kiện kinh tế thị trường, càng không thể áp dụng để chi cho các chuyên gia là người nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghiên cứu đổi mới công nghệ. Do vậy, có ý kiến cho rằng, Quỹ Phát triển KHCN có 3/4 là tiền lãi tự nguyện của doanh nghiệp, 1/4 vốn từ thuế thu nhập DN, nên để cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi sử dụng vốn này. Cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn thanh toán gỡ rối cho doanh nghiệp.

Nhằm khẳng định sự tự chủ của doanh nghiệp đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình sử dụng quỹ, dự thảo quy định, doanh nghiệp sẽ tự xây dựng quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ Phát triển KHCN gửi cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký thuế để kiểm soát. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng quỹ cho hoạt động KHCN vượt quá số tiền hiện có thì được lựa chọn trích trước quỹ của các năm tiếp theo để bù vào số còn thiếu hoặc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế. Quan trọng là các khoản chi từ Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp phải có chứng từ theo quy định của quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ.

Đại biểu Nhân dân (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ