Ba nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN), từng bước hình thành một lực lượng sản xuất mới góp phần khắc phục các khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội là một hướng đi đột phá, được nhiều địa phương quan tâm. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng việc phát triển doanh nghiệp KH và CN ở các địa phương còn gặp không ít khó khăn, cần có những giải pháp tháo gỡ đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.
Cán bộ Viện Dầu khí
Việt Nam thực hiện nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực khai thác, sử
dụng, tàng trữ, phân phối dầu khí.
Theo kết quả điều tra, tính đến tháng
10-2013, cả nước có khoảng hai nghìn doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh
nghiệp KH và CN, trong đó có 87 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh
nghiệp KH và CN, ngoài ra còn hàng trăm hồ sơ đã thẩm định xong đang chờ cấp giấy
chứng nhận hoặc đang trong quá trình thẩm định. Phần lớn doanh nghiệp KH và CN
có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động theo hai mô hình chủ yếu là công ty trách nhiệm
hữu hạn (47%) và công ty cổ phần (53%). Xét về phân bố địa lý, doanh nghiệp KH
và CN tập trung nhiều ở các trung tâm tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp và
khu kinh tế ở địa phương.
Mặc dù mới được thành lập nhưng phần
lớn các doanh nghiệp KH và CN đã có bước phát triển khá mạnh mẽ và bắt đầu tham
gia vào hệ thống nguồn cung công nghệ cho thị trường. Một số doanh nghiệp KH và
CN bước đầu đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước và đang trên đà mở rộng ra
thị trường quốc tế, điển hình như: Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Việt Nam,
Công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco),
Công ty Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP...
Thực tế cho thấy, trong quá trình hình
thành và phát triển, nhiều doanh nghiệp KH và CN gặp khó khăn khi tiếp cận với
các ưu đãi về thuế. Do thiếu cơ chế công nhận các sản phẩm hình thành từ kết
quả nghiên cứu mà chính doanh nghiệp tạo ra bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách
đã cản trở việc bổ sung danh mục các kết quả KH và CN của doanh nghiệp. Bên
cạnh đó, sự thiếu đồng bộ giữa các quy định về doanh nghiệp KH và CN với các
quy định về ưu đãi thuế trong hệ thống luật thuế thu nhập doanh nghiệp khiến
doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục hưởng ưu đãi về thuế. Mặc dù
doanh nghiệp KH và CN có nhu cầu rất lớn nguồn vốn tín dụng nhưng vốn đầu tư
cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp KH và CN vẫn
còn hạn chế. Hiện nay đã có một số chương trình quốc gia sử dụng nguồn ngân
sách để hỗ trợ doanh nghiệp KH và CN, nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được
với nguồn vốn này do quy mô vốn của các chương trình quá ít, thủ tục tài chính
vẫn còn phức tạp. Có nhiều doanh nghiệp đã phải huy động vốn từ các nguồn tín
dụng thương mại với lãi suất cao. Theo kết quả điều tra, có hơn 60% số các
doanh nghiệp KH và CN còn gặp trở ngại khi tiếp cận với ưu đãi về đất đai.
Nguyên nhân lớn nhất đó là sự không đồng nhất của chính sách ưu đãi về đất đai
trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; thêm vào đó, sự cản trở bên ngoài
trong quá trình thực thi chính sách cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó vượt qua
được ngay từ các khâu xem xét hồ sơ ban đầu. Nghị định 80/2007/NÐ-CP đã nêu rõ
một trong những ưu đãi cho doanh nghiệp KH và CN là: Ðược ưu tiên trong việc sử
dụng trang thiết bị nghiên cứu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo
công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học của Nhà nước. Tuy
nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể cho nên nhiều doanh nghiệp KH và CN vẫn chưa
tiếp cận được với ưu đãi này.
Hiện nay, cả nước có hơn mười cơ sở
ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH và CN tập trung chủ yếu ở hai thành phố
lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một số địa phương như Cần Thơ, Ðà Nẵng, Huế,
Quảng Ninh... cũng đang tích cực xúc tiến thành lập các cơ sở đầu mối ươm tạo
công nghệ và doanh nghiệp KH và CN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc
thành lập và hoạt động của các cơ sở ươm tạo vẫn chưa được nhận thức và quy định
đầy đủ, dẫn đến xu hướng thành lập theo phong trào, hiệu quả hoạt động vẫn chưa
cao.
Trước thực tế nêu trên, chúng tôi
kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần thực hiện ba nhóm giải pháp chính sau để
phát triển doanh nghiệp KH và CN. Nhóm giải pháp thứ nhất là về cơ chế chính
sách. Nhà nước cần tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh
vực này theo hai hướng sau: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,
thúc đẩy hình thành quỹ phát triển KH và CN của doanh nghiệp, tăng cường liên kết
giữa doanh nghiệp và các tổ chức KH và CN trong việc thực hiện nhiệm vụ KH và
CN... Tăng cường nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho KH và CN thông qua việc thành
lập các quỹ đầu tư mạo hiểm ở một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí
Minh, Quảng Ninh, Bình Dương... và trong một số lĩnh vực ưu tiên như công nghệ
thông tin, vật liệu mới, cơ khí chế tạo và công nghệ sinh học. Thực hiện cơ chế
khuyến khích chuyển giao, ứng dụng KH và CN; hoàn thiện quy định về thủ tục công
nhận doanh nghiệp KH và CN; hoàn thiện quy định về tài chính cho hoạt động R&D
và đa dạng hóa nguồn tài chính cho doanh nghiệp KH và CN; hoàn thiện các quy
định về hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH và CN.
Nhóm giải pháp thứ hai gắn kết viện
nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hình thành các doanh
nghiệp KH và CN phát triển thị trường công nghệ. Trong đó ưu tiên việc hoàn
thiện thủ tục giao quyền sở hữu, sử dụng các kết quả nghiên cứu hình thành từ
ngân sách nhà nước cho các tổ chức chủ trì để ứng dụng, chuyển giao cho doanh
nghiệp; quy định phân chia lợi ích thu được từ việc thương mại hóa các kết quả
nghiên cứu giữa Nhà nước - tổ chức chủ trì - tác giả - người triển khai ứng
dụng, thương mại hóa.
Ðịnh hướng hoạt động của các trường
đại học theo hướng đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao công nghệ gắn với nhu cầu
xã hội. Khuyến khích xây dựng vườn ươm công lập trực thuộc các trường đại
học/viện nghiên cứu hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu. Bên cạnh
những hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước, vườn ươm có thể phát triển các
dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp được ươm tạo để tạo nguồn
thu. Nhà nước hỗ trợ thí điểm một số mô hình hợp tác công - tư giữa trường đại
học và các tổ chức kinh tế ngoài nhà trường về ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh
nghiệp KH và CN.
Nhóm giải pháp thứ ba về truyền thông,
nâng cao nhận thức về doanh nghiệp KH và CN. Ða dạng hóa các phương thức truyền
thông khác: đối thoại chính sách, biên tập và xuất bản sổ tay hỏi đáp về doanh
nghiệp KH và CN; phổ biến chính sách về doanh nghiệp KH và CN, đổi mới công nghệ
thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các chương trình, cuộc thi
tìm hiểu sản phẩm sáng tạo... Lồng ghép chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp KH và
CN trong chiến lược phát triển KH và CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vào kế
hoạch hoạt động của các bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức hiệp hội doanh
nghiệp, doanh nhân.