Hướng tới sự bình đẳng cho các nhà khoa học
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguễn Quân trong chương trình đối thoại với các nhà khoa học tiêu biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời câu hỏi của các nhà khoa học
tiêu biểu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong thời
gian vừa qua Trung ướng, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất rất cao về việc phải
ban hành những chính sách để sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, lấy đó là
nguồn để thúc đẩy sức sáng tạo của đội ngũ này.
Nghị quyết 20 có phần rất quan trọng
về vấn đề sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN được thể chế trong Luật
KH&CN. Luật KH&CN quy định Nhà nước phải có chế độ sử dụng, trọng dụng
cán bộ KH&CN theo hướng tạo cơ chế chính sách, môi trường làm việc thuận
lợi nhất thông qua việc đầu tư cơ sở nghiên cứu, đào tạo, tạo cơ chế chính sách
thông thoáng nhất cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN.
Đồng thời tập trung ưu đãi 3 đối tượng
là cán bộ khoa học đầu ngành, là người đứng đầu một lĩnh vực nghiên cứu, những
người đang đảm đương chức vụ của phòng thí nghiệm, tổ bộ môn của trường đại
học, được cộng đồng khoa học đánh giá cao qua tín nhiệm và suy tôn là càn bộ
đầu ngành.
Đối tượng thứ 2 là các nhà khoa học
được nhà nước tin cậy giao cho những nhiệm vụ quan trọng, chủ trì dự án KH&CN
trọng điểm quốc gia. Cuối cùng là các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi nhưng đã có
sản phẩm khoa học nổi trội, như các công bố quốc tế được đánh giá cao, sáng chế
được công nhận ở trong nước và nước ngoài… Tùy theo loại đối tượng nhà nước có
cơ chế ưu đãi.
Mới đây, Bộ KH&CN đã trình Thủ
tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 40 về chính sách trọng dụng và sử dụng
nhân tài trong KH&CN. Đây không phải ưu đãi về tiền lương mà là ưu đãi về
cơ chế tự chủ giao cho những nhà khoa học đầu ngành, được quyền tự chủ cao, nhà
nước hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động tạo ra sản phẩm khoa học, ứng
dụng KH&CN và công bố các kết quả nghiên cứu của mình. Đối tượng tự chủ ấy
không bị ràng buộc về cơ chế tài chính hiện hành để các nhà khoa học có thể chủ
động nghiên cứu, tập hợp các nhà khoa học mạnh và có thể tạo ra được các sản
phẩm KH&CN tương xứng với những ưu đãi đó.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, hiện
nay trong xã hội và trong cộng đồng khoa học tranh luận và có nhiều ý kiến khác
nhau về việc có nên đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản hay vì là nước lạc
hậu về công nghệ, trình độ KH&CN rất thấp, nên chúng ta đầu tư cho khoa học
ứng dụng. Câu trả lời của Bộ KH&CN đã được thể hiện trong Nghị quyết của
Đảng và Luật KH&CN, không thể thiên vị một lình vực KH&CN nào vì khoa
học cơ bản của chúng ta đang có thế mạnh trong khu vực và thế giới, chúng ta
còn có ưu thế hơn cả các lĩnh vực khoa học khác vì thế chúng tôi thấy rằng nên
tiếp tục đầu tư cho khoa học cơ bản.
Chính phủ đã có chương trình quốc gia
về toán, và đã thành lập viện nghiên cứu cao cấp về toán. Chính phủ đã giao cho
Bộ KH&CN xây dựng chương trình quốc gia phát triển ngành vật lý trong giai
đoạn từ nay đến 2020 và chúng tôi đang cùng cộng đồng khoa học xây dựng đề án
để trình Thủ tướng.
Nhà khoa học trẻ sẽ là một trong 3 đối tượng được
hưởng đãi ngộ
Đồng thời các lĩnh vực nghiên cứu cơ
bản khác như khoa học tự nhiên và các lĩnh vực do Quỹ phát triển khoa học tài
trợ cũng đã được tăng cường trong giai đoạn vừa qua. Quỹ phát triển khoa học
hàng năm tài trợ rất lớn cho nghiên cứu khoa học cơ bản, với vốn điều lệ hàng
năm là 200 tỷ đồng. Và gần đây do nhu cầu tăng lên rất nhanh và thấy nghiên cứu
cơ bản đã có những kết quả rất đáng khích lệ Bộ đã có đề xuất với Thủ tướng
nâng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng.
Trong các chương trình KH&CN trọng
điểm cấp Nhà nước vẫn duy trì nghiên cứu cơ bản cho khoa học tự nhiên. Đồng
thời cũng rất khuyến khích các viện nghiên cứu, các trường đại học tăng cường
đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích các công bố quốc tế từ kết quả của
nghiên cứu cơ bản. Các trường đại học hiện nay chế độ khen thưởng rất khả thi
và có tác dụng với nghiên cứu cơ bản.
Ngoài ra Bộ KH&CN hàng năm căn cứ vào
nhu cầu phát triển của các viện, các trường để có kế hoạch đầu tư trang thiêt
bị, hạ tầng, thông tin cho các phòng thí nghiệm liên quan đến nghiên cứu cơ
bản. Các trang thiết bị được đầu tư hàng năm cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn
trong ngân sách đầu tư cho phát triển KH&CN.
Bộ cũng có hệ thống giải thưởng dành
cho nghiên cứu cơ bản như giải thưởng Tạ Quang Bửu, tuy là giải thưởng cấp bộ,
nhưng về giá trị không thua kém giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước
về KH&CN. Qua đây có thể thấy Bộ không coi nhẹ lĩnh vực nghiên cứu khoa học
nào và nghiên cứu cơ bản hoàn toàn được coi trọng, bình đẳng như các lĩnh vực
khác.
Còn về chính sách nhà ở cho các nhà
khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chủ trương
này tương đối tốt, nếu các đồng chí nhớ lại, thì nhiều năm trước Đảng và Nhà
nước đã có chính sách xây dựng nhà ở cho giảng viên các trường đại học, cán bộ
khoa học và hình thành các khu tập thể của các viện, các trường.
Sau này khi chuyển sang kinh tế thị
trường thì chính sách này có khó khăn nhất định, và hiện nay ngân sách nhà nước
rất khó khăn, bất động sản cũng rất khó khăn. Nhưng Bộ KH&CN sẽ ghi nhận
những kiến nghị này của nhà khoa học và sẽ kiến nghị Chính phủ trong thời gian
tới có chính sách về nhà ở cho cán bộ khoa học.
Trong hệ thống chính sách Bộ đang xây dựng
trình Chính phủ thông qua các nghị định về hướng dẫn Luật KH&CN đã có những
nội dung đáp ứng được các vẫn đề mà các nhà khoa học đang quan tâm. Một khi đã
giao quyền tự chủ cho các trường, các viện thì kết quả nghiên cứu của tập thể
sẽ hiệu quả hơn. Khi có quyền tự chủ rồi thì ngay cả việc xây dựng nhà ở cho
cán bộ, thì các viện các trường có thể thực hiện được.
Hoặc thông qua chính sách đãi ngộ với cán
bộ đầu ngành, cán bộ được nhà nước giao nhiệm vụ quốc gia, cán bộ trẻ tài năng
thì phần kinh phí nhà nước giao cho khoa học để chủ động trong việc chi tiêu
cho hoạt động nghiên cứu, trả lương, thu nhập cũng có thể trang trải phần nào
những khó khăn về nơi ăn chốn ở của các nhà khoa học.
Quyền tự chủ của các nhà khoa học
trong vấn đề nghiên cứu, thông qua các nghị định mà Bộ đã xây dựng chắc chắn trong
thời gian tới các nhà khoa học sẽ cảm thấy mình có điều kiện tốt hơn. Như áp
dụng cơ chế quỹ, cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi, chắc chắn hoạt động nghiên
cứu của các nhà khoa học được tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều.
Về thu nhập, đời sống sẽ có bước phát triển
chậm hơn, nhưng về lâu dài chúng ta sẽ tiếp cận với thông lệ quốc tế, chúng ta
sẽ đối xử với các nhà khoa học như ở các nước phát triển và các nước lân cận,
tránh tình trạng các nhà khoa học đang bị đối xử không được bình đẳng như các
lĩnh vực khác.