Tập trung đầu tư cho các Phòng thí nghiệm trọng điểm
Các Phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) đã thực sự góp phần nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu, đào tạo cho các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học trong nước.
PTNTĐ góp phần nâng cao
năng lực, chất lượng nghiên cứu, đào tạo cho các tổ chức KH&CN.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công
nghệ (KH&CN), PTNTĐ đã chủ trì và thực hiện 221 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc
gia và 281 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, ngành; hợp tác, trao đổi trong nghiên
cứu, đào tạo với hàng chục tổ chức KH&CN và phòng thí nghiệm hiện đại ở các
nước tiên tiến trên thế giới; công bố quốc tế 760 công trình khoa học; công bố
trong nước 2.364 công trình khoa học; đăng ký 26 sáng chế và 63 giải pháp hữu ích;
đào tạo và tham gia đào tạo 279 tiến sỹ, 689 thạc sỹ; thực hiện 182 hợp đồng
dịch vụ, chuyển giao công nghệ.
Các PTNTĐ đã thực sự góp phần nâng cao
năng lực, chất lượng nghiên cứu, đào tạo cho các tổ chức KH&CN và các nhà
khoa học trong nước. Đặc biệt từ năm 2011 tới nay, số lượng nhiệm vụ KH&CN
cấp Quốc gia trúng tuyển chủ trì thực hiện tăng lên hàng trăm nhiệm vụ; công
trình khoa học công bố quốc tế tăng 80,95%; đăng ký sáng chế và giải pháp hữu
ích tăng 62,18%; số lượng tiến sỹ và thạc sỹ được đào tạo tại các PTNTĐ tăng
gần 100 người,…
Tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ
của 16/16 PTNTĐ đã được xác lập theo hướng dẫn của Bộ KH&CN và đã đi vào
hoạt động ổn định; đã thu hút được 726 nhà khoa học có trình độ cao đến làm
việc tại các PTNTĐ bao gồm 528 nhà khoa học làm việc ổn định, lâu dài và 198
nhà khoa học làm việc bán thời gian.
Phát biểu và kết luận Hội nghị, Thứ trưởng
Trần Việt Thanh khẳng định chủ trương xây dựng hệ thống PTNTĐ theo tinh thần
Quyết định số 850/QĐ-TTg là đúng đắn và cần phải tiếp tục tăng cường đầu tư.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, Bộ KH&CN sẽ
tổng hợp và đề xuất các giải pháp đề kiến nghị với Chính phủ nhằm tiếp tục nâng
cao hoạt động của các PTNTĐ trong thời gian tới.