Công bố ISI - hạn chế về số lượng và chất lượng
Công bố quốc tế (công bố trên tạp chí ISI) có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân các nhà khoa học, khẳng định chất lượng công trình nghiên cứu đã đạt chuẩn quốc tế. Đây còn được coi như thước đo năng lực nghiên cứu và khả năng hội nhập của các nhà khoa học, là tiêu chí xét chọn đề tài được tài trợ kinh phí bởi Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, bài báo được đăng trên tạp chí ISI ở nước ta hạn chế cả về lượng và chất.
Điều này được thể hiện ở chỗ, mặc dù
số lượng bài báo năm nay đã vượt qua 2.000 bài, tức là tăng 18% so với năm
2012, thế nhưng vẫn rất khiêm tốn nếu so với Thái Lan với khoảng 6.390 bài hay
11.400 bài tại Singapore. Mặt khác, con số này chỉ chiếm khoảng 15% so với tiềm
năng hiện có. Bởi theo thống kê của Bộ KH-CN, nước ta hiện có trên 10 nghìn
giáo sư, 18 nghìn tiến sĩ và 36 nghìn thạc sỹ tức là trên 64 nghìn
người có tiềm năng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Nếu cứ ba người có
một công trình được công bố ISI thì mỗi năm nước ta phải có khoảng 14 nghìn bài
báo khoa học.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân
khiến số lượng bài báo công bố quốc tế ở nước ta còn khiêm tốn là bởi nhiều
người vẫn chưa coi đây là thước đo năng lực nghiên cứu. Hơn nữa, các công trình
được chấp nhận đăng trên tạp chí quốc tế phải có tính mới, tính toàn cầu và đặc
biệt là phải có tính ứng dụng cao mà ở Việt Nam, đây là điểm còn hạn chế. Đáng
nói là trong số công trình nghiên cứu được công bố có tới gần 80% công trình
hợp tác với nước ngoài, một số ít qua hình thức nghiên cứu sinh. Trong khi, tỷ
lệ hợp tác quốc tế tại các nước khác chỉ vào khoảng 50%. Theo nhiều chuyên gia,
điều này thể hiện ngành khoa học ở nước ta đang ở trong tình trạng lệ thuộc.
Chất lượng các bài báo được công bố
quốc tế còn hạn chế cũng là trăn trở của không ít người. Theo Gs Phạm Duy Hiển,
nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, từ năm 2009, tổ chức
ISI đã mở thêm nhiều tạp chí và lý do khiến số lượng bài báo được công bố ở
Việt Nam tăng vọt là do những năm gần đây, ta bắt đầu gửi cho những tạp chí
quốc tế cũng là ISI nhưng không có chất lượng. Đơn cử chỉ tính trong ngành
toán, có không ít các tạp chí quốc tế chỉ cần nộp tiền vào là mấy tuần sau đã có
thể được đăng và quá trình phản biện bài báo cũng hết sức sơ sài. Chưa kể,
nhiều nhà khoa học còn có khuynh hướng chia nhỏ các kết quả đã đăng thành nhiều
công trình hay chạy theo những vấn đề dễ để nhanh chóng có được công bố quốc
tế. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là các nghiên cứu khoa học trong nước có thể tăng
về lượng nhưng giảm về chất.
Do vậy, có ý kiến cho rằng, cần xây
dựng thang điểm cho từng tạp chí ISI, bảo đảm sự công bằng, minh bạch góp phần
nâng cao hơn nữa chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.