Đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu cơ bản
Một nhà khoa học người Pháp đã từng nói, nếu không chú trọng vào nghiên cứu cơ bản thì không có chiếc đũa thần nào có thể biến một nước chậm phát triển về khoa học công nghệ (KHCN) trở thành một quốc gia có tiềm lực mạnh về lĩnh vực này. Mặc dù nước ta đã có những ưu tiên cần thiết cho nghiên cứu cơ bản nhưng chưa đủ để vai trò của nó được xem trọng và phát huy.
Cần thay đổi từ tư duy...
Nhận định về việc khoa học cơ bản là
lĩnh vực xa xỉ, tốn kém, là sân chơi cho những nước có tiềm lực KHCN
mạnh và Việt Nam chỉ nên quan tâm tới nghiên cứu ứng dụng, đã tồn tại từ rất
lâu không chỉ trong giới khoa học mà ngay cả trong tư duy của những nhà quản
lý. Đây là điều đương nhiên và dễ hiểu bởi đó là nhu cầu bức xúc của một nước
chưa mạnh về KHCN. Điều này cũng xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về khoa học
cơ bản, cho rằng nước ta không thể cạnh tranh được với những nước phát triển đã
và đang nghiên cứu rất sâu về lĩnh vực này. Thậm chí, có người còn cho rằng, nếu
tập trung cho nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ dẫn tới những lãng phí không đáng
có cả về nhân lực, tiền bạc và không mang lại hiệu quả kinh tế.
Sở dĩ có những quan điểm trên là bởi,
bấy lâu nay nhiều người vẫn coi nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là hai
mặt đối lập nhau, thậm chí còn phân biệt thứ bậc giữa chúng. Trong khi thực
chất, khoa học được tạo nên bởi cả hai lĩnh vực vốn có quan hệ tương hỗ và cần
nhau để phát triển. Theo nhiều chuyên gia, nghiên cứu cơ bản là nền tảng của
tri thức, không chỉ giúp nâng cao trình độ dân trí mà còn là cơ sở để ra đời
các nghiên cứu ứng dụng. Đơn cử như việc thực hiện nghiên cứu ứng dụng để nâng
cao năng suất và sản lượng cây lúa nhưng vẫn phải tiến hành nghiên cứu cơ bản
về bộ gene của cây lúa để có biện pháp nâng cao giá trị hạt gạo. Hay để hạn chế
thiên tai, các nhà khoa học cũng cần vận dụng những lý thuyết cơ bản về vật lý,
thủy động học hay khí động học.
Hơn nữa, ngay cả những
nước có nền KHCN phát triển cũng luôn ưu tiên đầu tư cho trường đại học và
phòng thí nghiệm, tạo động lực cho các tài năng khoa học trẻ tập trung vào
nghiên cứu cơ bản. Những quốc gia mạnh về công nghệ ứng dụng đều là nước có nền
khoa học cơ bản lâu đời và vững chắc, có khả năng vận dụng tri thức này vào
thực tế. Đây là những giá trị mà Việt Nam hiện còn đang thiếu và yếu.
Gs Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Khoa học
Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần phải thay đổi tư duy về vai trò
của nghiên cứu cơ bản bởi nếu không có nó thì Việt Nam sẽ mãi chỉ là những người đi
theo, làm thuê cho những nước có nền KHCN phát triển. Đóng cửa với nghiên cứu
cơ bản sẽ làm các trường đại học nước ta mất nhiều giáo sư và nhà khoa học xuất
sắc.
... đến đầu tư hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân,
Việt Nam
không thể thiếu nghiên cứu khoa học cơ bản. Điều này đã được khẳng định trong
Nghị quyết TƯ Khóa VI về phát triển KHCN cũng như trong Luật KHCN 2013. Đã có
không ít đề tài, dự án nghiên cứu cơ bản mang lại hiệu quả cao, đặc biệt trong
khoa học môi trường, vật liệu, hạt nhân và khoa học sự sống. Tuy nhiên, những kết
quả trên mới chỉ là bước đầu, chưa đủ để vai trò nghiên cứu cơ bản thật sự được
xem trọng và phát huy.
Về tài chính, một số chuyên gia cho
rằng, mặc dù Quỹ phát triển KHCN quốc gia NAFOSTED đã dành cho nghiên cứu cơ
bản những ưu tiên đặc biệt nhưng chính việc nghiệm thu các đề tài bằng cách đếm
số lượng công bố quốc tế trên tạp chí ISI đã dẫn tới hệ quả là các nhà khoa học
sẽ ít đầu tư chất xám vào đề tài lớn, có chất lượng mà chỉ tập trung vào những
đề tài nhỏ để xin kinh phí hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu
công bằng khi đầu tư tài chính cho nghiên cứu cơ bản, khó thu hút các nhà khoa
học tài tăng tập trung nghiên cứu lĩnh vực này.
Cùng với việc đầu tư hiệu quả về mặt
tài chính, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực mà theo nhiều chuyên gia,
điều này phụ thuộc vào cơ chế đãi ngộ. Đối với những nhà khoa học, ưu đãi về
lương bổng rất cần thiết nhưng điều quan trọng nhất vẫn là được bố trí vào nơi
làm việc hợp sở trường và được đối xử công bằng. Sở dĩ hiện nay rất khó thu hút
nhà khoa học trẻ về làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học hay tập trung
cho nghiên cứu cơ bản là do họ không thấy được quyền tự chủ của mình, bởi hầu
hết những công việc quan trọng đều do người làm quản lý quyết định, mà theo Gs
Nguyễn Hữu Việt Hưng, “khi ấy, nhà khoa học chẳng khác nào người đi làm thuê”.
Thậm chí có những trường đại học, số lượng nhà quản lý còn nhiều hơn nhà khoa
học, có không ít tiến sỹ giữ các chức vụ hành chính hay làm quản lý. Hệ quả là
tuy trên giấy tờ cả nước có đến hàng chục nghìn tiến sỹ và giáo sư nhưng số lượng
nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu cơ bản còn khiêm tốn. Theo Gs Ngô Việt
Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, điều này đã đi ngược lại với sự
phát triển của KHCN.
Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu đồng
bộ, chồng chéo của các văn bản pháp luật. Mặc dù Nghị định 115/2005 được xem là
tuyên ngôn về quyền tự trị cả về tài chính lẫn tổ chức bộ máy nhà nước của tổ
chức KHCN công lập nhưng thực tế vẫn bị trói buộc trong những quy định của Luật
Cán bộ, Công chức hiện hành. Chính vì vậy, không ít chuyên gia cho rằng, cần
xây dựng những quy định đồng bộ, thống nhất, cho phép các tổ chức KHCN được
quyền quản lý nhân sự một cách chủ động và linh hoạt. Cần học tập kinh nghiệm ở
các nước có nền KHCN tiên tiến, nơi những người làm công tác quản lý không quá
nhiều, phần lớn là cán bộ nghiên cứu và chế độ đãi ngộ được căn cứ theo sản
phẩm thực tế họ mang lại.
Song, để có một nền tảng bền vững về
KHCN, giới khoa học và đặc biệt là những nhà quản lý phải luôn quan niệm nghiên
cứu cơ bản không tách rời nghiên cứu ứng dụng, cần phát triển song hành cả hai
lĩnh vực, từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia có tiềm lực mạnh về khoa học
trong tương lai.