Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất
Một trong những nội dung quan trọng để thực hiện Chỉ thị 22/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN là nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và cộng đồng trong phát triển KH-CN. Điều đó sẽ góp phần đưa KH-CN thật sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nông dân huyện Hồng Dân
thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa . Ảnh: Tú Anh
KH-CN chưa được phát huy
Lâu nay, khi nói đến KH-CN nhiều người
vẫn coi đó là trách nhiệm của các nhà khoa học. Vì vậy, nhiều công trình nghiên
cứu ít có cơ hội áp dụng vào thực tiễn và chưa phát huy được giá trị của công
trình; cũng như chưa có nhiều sự quan tâm đầu tư hoặc ưu tiên cho các công
trình nghiên cứu khoa học.
Theo thống kê của Sở
KH-CN, ngân sách địa phương dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn rất thấp
(chưa đến 1% tổng chi ngân sách hàng năm). Thêm vào đó, cơ chế huy động đa dạng
hóa nguồn tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được ban hành, thiếu
cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển KH-CN… Từ đó làm cho hoạt
động nghiên cứu, ứng dụng khoa học gặp nhiều khó khăn.
Những nguyên nhân cơ bản này làm cho
KH-CN chưa phát huy, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, ứng dụng thiếu, chưa
đạt chuẩn, nguồn nhân lực phục vụ phát triển KH-CN chưa nhiều, thiếu và chưa có
những công trình nghiên cứu lớn. Những bất cập trên có một phần trách nhiệm của
các cấp ủy Đảng, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo.
Chọn KH-CN làm động lực
Theo ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy
Hồng Dân: “Với một tỉnh thuần nông như Bạc Liêu, muốn phát triển và tạo khả
năng cạnh tranh cho hàng nông sản thì phải đẩy mạnh đầu tư cho KH-CN. Đây không
chỉ là nhu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho
hàng nông sản vươn xa hơn”. Với quan điểm chọn KH-CN làm động lực cho phát
triển, thời gian qua, huyện Hồng Dân đã tổ chức kết nghĩa, ký kết hợp tác với nhiều
viện, trường đại học của khu vực nhằm nghiên cứu các giống mới, nghiên cứu và
chuyển giao nhiều mô hình mới cho nông dân. Qua đó, giúp huyện khắc phục những
khó khăn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng đến nâng cao năng
suất, chất lượng sản phẩm và giúp nông dân làm giàu.
Năm 2013, huyện Hồng Dân được Bộ KH-CN
và Sở KH-CN đầu tư thực hiện dự án xây dựng quy trình sản xuất thủy sản nước
ngọt trên vùng đất phèn nhiễm mặn với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Kết quả
thực hiện dự án cho thấy quy trình công nghệ nuôi mới này cải thiện rất nhiều
so với trước đây. Nó không chỉ phù hợp với môi trường tự nhiên, giảm thiểu ô
nhiễm môi trường sinh thái, mà còn giúp nông dân thu nhập khá cao. Như nuôi cá thát
lát cườm với diện tích ao nuôi khoảng 500m2 cho lợi nhuận từ 20 - 25 triệu
đồng/vụ; mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh tôm sú trong ruộng lúa cho lợi
nhuận 50 triệu đồng/ha. Với những hiệu quả mang lại, huyện Hồng Dân đang tập
trung nhân rộng mô hình với diện tích khoảng 3.000ha.
Khẳng định vai trò KH-CN
Không chỉ huyện Hồng Dân mà nhiều công
trình, đề tài, dự án nghiên cứu khác cũng không ngừng phát huy hiệu quả. Như mô
hình sản xuất muối theo phương pháp trải bạt nhựa PVC cho năng suất tăng cao
hơn 2 lần, với 82 tấn/ha, lợi nhuận thu được khoảng 50,82 triệu đồng/ha, đặc
biệt là giá muối bán cao hơn so với muối sản xuất truyền thống. Hay công nghệ
sử dụng biogas composite giúp các hộ chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường,
tận dụng được chất thải phục vụ sản xuất, sinh hoạt…
Với những lợi ích từ việc nghiên cứu,
ứng dụng KH-CN vào sản xuất, từ nay đến năm 2015, Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy
mạnh ứng dụng, phát triển KH-CN trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa
phương. Đó là xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao KH-CN phát triển
kinh tế - xã hội về nông thôn; phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết
“bốn nhà”; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng năng suất,
chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng…