SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá các tổ chức KH&CN: Chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra

[23/07/2014 16:53]

Đánh giá các tổ chức KH&CN là một nội dung cải cách quan trọng, giúp Nhà nước tăng cường giám sát hiệu quả các hoạt động và nguồn ngân sách cấp cho các đơn vị, đồng thời giúp các đơn vị tự nhìn ra các điểm mạnh/điểm yếu để tự cải thiện mình. Để tìm hiểu về thực trạng và triển vọng đánh giá các tổ chức KH&CN Việt Nam, tạp chí Tia Sáng đã có cuộc phỏng vấn Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ. Sau đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên cùng TS. Trần Hậu Ngọc, Viện trưởng, và bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Viện trưởng.

Xin ông/bà cho biết về thực trạng công tác đánh giá các tổ chức KH&CN ở Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Thu Oanh
: Việc đánh giá các tổ chức KH&CN là vô cùng cần thiết vì kết quả hoạt động  của họ quyết định sự thành bại trong việc thực hiện chiến lược KH&CN của quốc gia. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chưa thực sự tiến hành đánh giá các tổ chức KH&CN một cách độc lập, khách quan. Hằng năm, các tổ chức chỉ xây dựng báo cáo tổng kết để đánh giá kết quả hoạt động của mình. Báo cáo chủ yếu tập trung vào những thành tích và các mặt tích cực, với những đánh giá không dựa trên một bộ tiêu chí nhất quán, toàn diện. Các cơ quan quản lý chỉ mới tập trung quản lý chặt ở khâu đầu vào là con người và tài chính, nhưng khâu đầu ra là kết quả nghiên cứu thì công tác quản lý còn rất lỏng lẻo.

Sau khi Thông tư về đánh giá tổ chức KH&CN (hiện đang trong quá trình dự thảo) được ra đời và triển khai, các tổ chức KH&CN của chúng ta sẽ được chú trọng đánh giá theo những mục tiêu nào?

TS. Trần Hậu Ngọc: Căn cứ theo Luật KH&CN hiện hành, việc đánh giá tổ chức KH&CN nhằm vào 3 mục đích cơ bản, đó là tạo cơ sở xếp hạng tổ chức KH&CN, phục vụ hoạt động hoạch định chính sách phát triển KH&CN và quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN, tạo cơ sở cho việc xét duyệt các đề tài, nhiệm vụ và kinh phí cho các tổ chức KH&CN.

Vì sao việc xếp hạng các tổ chức KH&CN được Luật KH&CN hiện hành xếp vào mục tiêu đầu tiên của công tác đánh giá tổ chức KH&CN, và liệu việc xếp hạng này có khả thi hay không?

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh: Theo quan điểm của chúng tôi, nhu cầu xếp hạng kể trên xuất phát từ thực tế là ở Việt Nam có quá nhiều các tổ chức KH&CN, Bộ, ngành nào cũng có nhu cầu quản lý một số viện nghiên cứu, dẫn tới không tránh khỏi sự trùng lặp– cùng lĩnh vực chuyên môn nhưng tồn tại các viện thuộc các Bộ, ngành khác nhau. Ở các nước có nền KH&CN phát triển, các viện nghiên cứu không phân theo phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, mà phân theo loại hình hoặc lĩnh vực nghiên cứu, ví dụ ở CHLB Đức, các viện được phân thành 3 nhóm chính: nghiên cứu cơ bản (Hiệp hội Max-Planck), nghiên cứu ứng dụng (Hiệp hội Leibnitz và Helmholtz) và nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ (Hiệp hội Fraunhofer). Ở Hàn Quốc, các viện được phân thành 5 nhóm theo lĩnh vực nghiên cứu: nghiên cứu KH&CN cơ bản, nghiên cứu KH&CN công nghiệp, nghiên cứu công nghệ công, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu kinh tế và xã hội.

Theo kinh nghiệm ở các nước có nền quản lý KH&CN phát triển, các tổ chức KH&CN được đánh giá theo tiêu chí nào?

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh: Kinh nghiệm từ CHLB Đức cho thấy họ chú trọng vào ba nhóm tiêu chính,  đó là kết quả KH&CN (công bố khoa học, sáng chế và chuyển giao công nghệ), năng lực nghiên cứu (năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu so với trong nước và quốc tế), tổ chức và quản lý (cách thức tổ chức và sử dụng các nguồn lực). Tuy nhiên, khi đánh giá các tổ chức KH&CN của Việt Nam, chúng ta không thể chỉ dùng những tiêu chí này – các chuyên gia đã áp dụng các tiêu chí của Đức để đánh giá thử một số  tổ chức KH&CN của Việt Nam nhưng không phù hợp  – bởi năng lực nghiên cứu của các viện nghiên cứu ở nước ta nhìn chung còn rất hạn chế, nhiều viện có số lượng công bố quốc tế và bằng sáng chế quá ít. Vì vậy, chúng tôi phải bổ sung thêm một số tiêu chí khác, ví dụ như tiêu chí về dịch vụ KH&CN.

Lâu nay việc triển khai thực hiện Nghị định 115 về tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các viện nghiên cứu gặp nhiều khó khăn vì không ít viện tự coi mình thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản nên không thể sống thiếu nguồn kinh phí tài trợ của Nhà nước. Liệu khi triển khai công tác đánh giá các tổ chức KH&CN chúng ta có thể làm rõ về bản chất thực sự của các viện này?

TS. Trần Hậu Ngọc: Việc đánh giá các tổ chức KH&CN có thể giúp xác định được tính chất của từng viện nghiên cứu, làm cơ sở để các cơ quan quản lý tham khảo và đưa ra những  giải pháp quản lý phù hợp. Đây là vấn đề ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều viện nghiên cứu, nhưng là điều cần thiết để cải thiện tính hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước.

Việc đánh giá các tổ chức KH&CN khi triển khai sẽ gặp những khó khăn, thách thức gì?
Bà Nguyễn Thị Thu Oanh: Khó khăn rõ ràng nhất là chúng ta có quá nhiều tổ chức KH&CN, không thể ngay lập tức triển khai đồng loạt mà bước đầu chỉ có thể làm thí điểm ở một số ngành. Khó khăn thứ hai là hiện nay đa số các tổ chức nghiên cứu không có trong tay dữ liệu để cung cấp phục vụ công tác đánh giá, - nếu không có dữ liệu thì việc đánh giá hoàn toàn không có ý nghĩa. Như đã đề cập, các nhà quản lý và các viện nghiên cứu của chúng ta chỉ chú trọng vào quản lý đầu vào là con người và tài chính, còn khâu đầu ra là các kết quả nghiên cứu thì chưa được quan tâm, do đó dữ liệu về kết quả nghiên cứu không được  thu thập và khai thác  một cách hệ thống.  Khó khăn cơ bản nữa là làm sao tạo động lực để các tổ chức KH&CN tự giác phối hợp trong công tác đánh giá.

Vậy chúng ta tạo động lực để các tổ chức KH&CN hợp tác trong công tác đánh giá bằng cách nào?

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh: Trước hết việc đánh giá phải được thực hiện  công bằng, khách quan  và kết quả đánh giá có giá trị hữu ích để giúp các tổ chức KH&CN tự nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình, làm cơ sở cho việc tự cải thiện hoạt động, tổ chức của họ. Bên cạnh đó, công tác đánh giá phải mang tính ràng buộc, gắn với chế tài thưởng phạt minh bạch, rõ ràng.

Theo tinh thần Luật KH&CN hiện hành, kết quả đánh giá các tổ chức KH&CN là cơ sở cho việc xét duyệt các nhiệm vụ KH&CN. Nhưng không ít các tổ chức KH&CN của chúng ta đang sống dựa trên nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước tài trợ thay vì các nhiệm vụ KH&CN, như vậy kết quả đánh giá có thể dẫn tới chế tài thưởng phạt nào dành cho họ?

TS. Trần Hậu Ngọc: Hiện nay Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng một cơ chế tài chính mới cho các tổ chức KH&CN, trong đó nguồn kinh phí tài trợ của Nhà nước không căn cứ theo số lượng biên chế mà chỉ căn cứ trên kết quả hoạt động. Ngoài ra, với những tổ chức KH&CN có tính chất đặc thù với nguồn tài chính chủ yếu là kinh phí hoạt động thường xuyên tính theo đầu biên chế do Nhà nước tài trợ, việc đánh giá vẫn có thể áp dụng cho những đối tượng này và nếu kết quả đánh giá cho thấy họ hoạt động không hiệu quả thì đó có thể là cơ sở để các cơ quan chủ quản cấp trên đưa ra những giải pháp can thiệp, điều chỉnh cần thiết.

Dự kiến khi nào thì việc đánh giá tổ chức KH&CN sẽ bắt buộc áp dụng cho tất cả các tổ chức KH&CN công lập?

TS. Trần Hậu Ngọc: Theo tinh thần Luật KH&CN hiện hành, các tổ chức KH&CN phải được đánh giá để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan quản lý KH&CN vẫn chưa có qui định cụ thể về chu kỳ đánh giá của các tổ chức KH&CN. Vấn đề này, Ban Soạn thảo thông tư qui định việc Đánh giá tổ chức KH&CN đang nghiên cứu để kiến nghị các cấp có thẩm quyền quyết định.

Khi tiến hành triển khai đánh giá tổ chức KH&CN, làm cách nào để đảm bảo công tác này diễn ra một cách công bằng và khách quan?

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh: Kết quả đánh giá phải công khai, (tuy nhiên để đảm bảo tính khách quan trong đánh giá, thường không công bố cụ thể ý kiến đánh giá của ai). Đồng thời cần có sự đồng thuận về kết quả  đánh giá giữa cơ quan thực hiện đánh giá và tổ chức bị đánh giá. Đối tượng bị đánh giá phải có quyền phản hồi, chỉ ra những nội dung đánh giá chưa phù hợp, thiếu khách quan. Tương tự như vậy, trong quá trình xây dựng các tiêu chí và phương pháp đánh giá, chúng tôi cũng lấy ý kiến từ các tổ chức KH&CN và triển khai đánh giá thử ở một số tổ chức nghiên cứu.

Công tác đánh giá sẽ phải bắt đầu từ đâu?

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh: Theo tôi, trước mắt các viện nghiên cứu của một số ngành trọng điểm sẽ được hướng dẫn để tiến hành tự đánh giá, sau khi việc tự đánh giá này đã trở nên quen thuộc và đi vào nề nếp thì chúng ta mới có thể triển khai đánh giá độc lập và trên diện rộng. Chúng ta có thể thử nghiệm công tác đánh giá và chế tài thưởng phạt  qua nguồn kinh phí phân bổ ở một số viện nghiên cứu lớn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các viện nghiên cứu có kết quả hoạt động tốt luôn muốn được đánh giá để thể hiện năng lực của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông, bà.

Tia sáng (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ