SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lợi ích của ISO 22000 mang lại cho doanh nghiệp

[24/07/2014 05:10]

Áp dụng ISO 22000 sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt kinh tế và xã hội như sự bùng phát các mối nguy từ thực phẩm…

Áp dụng ISO 22000 giúp doanh nghiệp tránh được mối nguy về an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, các trường hợp ngộ độc thực phẩm và sự bùng phát các mối nguy từ thực phẩm khác như “dịch bệnh bò điên“, “bệnh heo tai xanh”, “lở mồm long móng“, dịch H5N1… ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển là minh chứng cho sự cần thiết phải có các tiêu chuẩn liên quan đến thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt kinh tế và xã hội.

Hiện nay nước ta chưa có quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 đối với các doanh nghiệp thực phẩm, tuy nhiên trong tương lai có thể doanh nghiệp đã áp dụng HACCP sẽ phải chuyển đổi sang ISO 22000 trong các trường hợp: quy định của cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải áp dụng ISO 22000; do thị trường, khách hàng yêu cầu hoặc khi doanh nghiệp muốn có chứng chỉ Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm mà tổ chức chứng nhận cấp theo ISO 22000.

Cho dù không có quy định bắt buộc áp dụng, thì xu hướng lựa chọn ISO 22000 đối với doanh nghiệp thực phẩm vẫn trở thành phổ biến. Bởi vì bản thân tiêu chuẩn ISO 22000 đã bao gồm các yêu cầu của HACCP, ngoài ra ISO 22000 còn bao gồm các yêu cầu về một hệ thống quản lý, vì vậy việc lựa chọn ISO 22000 có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do mối nguy về an toàn thực phẩm có thể thâm nhập vào chuỗi thực phẩm ở bất cứ giai đoạn nào, nên kiểm soát một cách đầy đủ và trao đổi thông tin trong suốt quy trình là điều cần thiết. Chỉ một khâu trong chuỗi cung ứng yếu có thể gây ra sự không an toàn cho thực phẩm, điều này có thể gây ra hàng loạt nguy cơ đối với người tiêu dùng và gây tốn kém về mặt chi phí cho nhà cung cấp. Vì vậy, an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan.

Một Doanh nghiệp đã áp dụng HACCP và ISO 9001 thì việc chuyển đổi sang ISO 22000 là khá thuận lợi vì đã có kinh nghiệm về hệ thống quản lý và kiểm soát mối nguy. Tiêu chuẩn ISO 22005, là bản bổ sung mới nhất trong bộ tiêu chuẩn ISO 22000 về hệ thống quản lý thực phẩm là một bước tiến mới của ISO trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn này cho phép các tổ chức tiến hành tại bất cứ bước nào trong chuỗi thực phẩm nhằm: phát hiện nguồn gốc dòng nguyên liệu (thức ăn, thực phẩm, các thành phần và đóng gói); Xác định các tài liệu cần thiết và theo dõi từng giai đoạn của quá trình sản xuất; Đảm bảo sự phối hợp thích đáng giữa các nhân tố khác biệt có liên quan; Yêu cầu ít nhất mỗi bên phải được thông báo về các nhà cung cấp trực tiếp và các khách hàng và có thể các đối tượng khác.

Hơn nữa, hệ thống truy tìm nguồn gốc có thể thúc đẩy việc sử dụng hợp lý và tăng cường độ tin cậy của thông tin, cải thiện năng suất và hiệu quả của tổ chức. Trên thực tế, hai hệ thống ISO 22000 và HACCP có những điểm tương đồng là đều hướng về mục tiêu giúp các doanh nghiệp chế biến, sản xuất thực phẩm kiểm soát các mối nguy từ khâu nuôi trồng, đánh bắt cho tới khi thực phẩm được sử dụng bởi người tiêu dùng, nhằm đảm bảo an toàn về thực phẩm.

VietQ.vn (nthieu)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ