Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung thực hiện Đề án này. Trong đó, việc chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi Đề án.
Mô hình trồng rau an toàn ở huyện
Đông Hải. Ảnh: Tú Anh
Đánh giá về việc ứng dụng và chuyển
giao KH-CN trong sản xuất nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung
tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, các hoạt động
nghiên cứu và chuyển giao KH-CN trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa có nhiều
nhóm hàng hóa chủ lực với hàm lượng công nghệ cao. Nông nghiệp phát triển còn ở
trình độ thấp, phân tán, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, hiệu quả kinh tế thấp. Từ
những mặt hạn chế trên, cần phải chuyển mạnh từ phát triển dàn trải sang nâng
cao chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư bằng cách nghiên cứu, ứng dụng và
chuyển giao các tiến bộ KH-CN vào thực tế sản xuất, tăng giá trị sản xuất và
bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân
Khoa, để KH-CN thật sự trở thành động lực, các ngành, các địa phương cần tổ
chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về phát triển
KH-CN. Tập trung đầu tư nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH-CN, giải quyết các
vấn đề quan trọng, bức xúc để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, vệ sinh
an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, khả năng cạnh
tranh nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, không đầu tư dàn trải,
hiệu quả kém… Bên cạnh đó, trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thì
công tác chuyển giao KH-CN là khâu quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên
suốt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia
tăng, phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh
tranh của nông sản và hàng hóa…
Việc đẩy mạnh chuyển giao KH-CN hay
các mô hình mới cho nông dân là cần thiết. Tuy nhiên, để KH-CN thật sự trở thành
động lực cho phát triển sản xuất thì bài toán công nghệ và đầu ra của sản phẩm
phải được tính đến. Bởi nông dân Bạc Liêu vốn năng động, chỉ cần mô hình kinh
tế nào hiệu quả là họ có thể đầu tư phát triển ngay. Và quan trọng hơn cả là
công nghệ ấy phải giúp nông dân tạo ra được những sản phẩm nông nghiệp cho giá
trị gia tăng cao. Đồng thời phải tạo điều kiện cho những dự án, công trình
nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn và chính thực tiễn sẽ góp phần bổ sung,
nâng tầm các dự án, công trình nghiên cứu.
Trên thực tế, nông dân được ngành Nông
nghiệp chuyển giao nhiều kỹ thuật, mô hình sản xuất mới hàng năm khá nhiều. Đơn
cử, năm 2013 ngành Nông nghiệp đã triển khai, nghiệm thu hàng chục đề tài
nghiên cứu khoa học và tổ chức hơn 270 lớp tập huấn khuyến nông - khuyến ngư,
tập huấn chuyên đề cho hàng ngàn nông dân như: nuôi gà, trồng màu, sản xuất lúa
chất lượng cao, nuôi tôm sạch…
Song, những mô hình, kỹ thuật ấy chỉ
mới giúp nông dân giải quyết thời gian nông nhàn, tăng thêm thu nhập chứ chưa
thật sự trở thành những mô hình sản xuất bền vững giúp nông dân làm giàu. Hiện
nay, phần lớn các cánh đồng của nông dân Bạc Liêu đạt khoảng 50 - 100 triệu
đồng/ha/năm, trong khi những nơi khác cánh đồng có đầu tư công nghệ cao cho lợi
nhuận trên 2 tỷ đồng/năm (như sản xuất hoa bằng công nghệ cao ở Đà Lạt - Lâm
Đồng).
Với những bất cập trong sản xuất nông nghiệp
hiện nay, việc tăng hàm lượng “chất xám” cho hàng nông sản, nhằm góp phần tạo
ra những sản phẩm chất lượng cho giá trị gia tăng cao nhất định không thể thiếu
vai trò, sự tham gia trực tiếp của KH-CN và các nhà khoa học.