Ứng dụng CNTT quản lý tài nguyên nước bền vững
Ngày 18/8, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Indiana và Đại học Oregon (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo quốc tế “Sáng kiến hạ lưu sông Mekong” với chủ đề "Hạ tầng công nghệ thông tin và tài nguyên nước vùng hạ lưu sông Mekong."
Hạ lưu sông Mekong (Ảnh:
internet)
Hội thảo lần này là tiếp theo một
chuỗi các sự kiện trong kế hoạch “Sáng kiến hạ lưu Mekong”, nhằm đưa các ứng
dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển các nguồn
tài nguyên nước do sông Mekong mang lại cho vùng dân cư rộng lớn sống tại vùng
hạ lưu con sông này.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN
Trần Việt Thanh nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang là thách thức trên toàn cầu,
việc ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành mục tiêu và hành động của tất cả
các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong như
Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia... Vì vậy việc ứng dụng công nghệ thông
tin để bảo vệ và khai thác một cách khoa học nguồn tài nguyên nước – “nguồn
sống của nhân loại” – đối với các nước trong khu vực là các bài toán đã và đang
được đặt ra.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh mong muốn
qua chủ đề “Hạ tầng công nghệ thông tin và tài nguyên nước vùng hạ lưu sông
Mekong”, mạng VinaREN của Việt Nam, mạng ThaiRen của Thái Lan, mạng CamRen của
Camphuchia, mạng LaoRen của Lào và mạng MyRen của Myanmar, Nhóm công tác mạng
Hạ lưu sông Mekong sẽ được hình thành thông qua hạ tầng mạng TEIN4. Đây chính
là nhóm công tác đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm
giải quyết các bài toán quản lý các nguồn tài nguyên của Hạ lưu sông Mekong trong
điều kiện biến đổi khí hậu.
Hội thảo được diễn ra trong 5 ngày từ
18-22/8, ngày đầu tiên của hội thảo đề cập đến các vấn đề chính sách có ảnh
hưởng tới nghiên cứu khoa học và hạ tầng mạng. Những ngày tiếp theo, hội thảo
sẽ chia thành hai phần: phần công nghệ mạng và phần khoa học. Phần khoa học bao
gồm các bài thuyết trình, thảo luận và các bài giới thiệu ngắn liên quan đến
các nghiên cứu về tài nguyên nước, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, và trình diễn
các công cụ hợp tác nghiên cứu có dữ liệu lớn.
Tiến sỹ Jennifer Schopf, Giám đốc mạng
lưới quốc tế tại Đại học Indiana hy vọng Hội thảo Sáng kiến hạ lưu sông Mekong
sẽ tăng cường khả năng đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu cho các
nước trong khu vực. Cuộc gặp mặt giữa các chuyên gia khu vực và toàn cầu tại
hội thảo này sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các chuyên gia về tài nguyên nước và các
chuyên gia mạng từ các nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mekong, TS Schopf nói.