Cần vai trò chính quyền địa phương trong quản lý chất lượng mũ bảo hiểm
Từ ngày 1/7/2014, theo nghị định 171 của Chính phủ, các lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý những trường hợp tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đúng quy định.
Để hiểu rõ về nghị định mới này
cũng như giúp người dân phân biệt đâu là mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn an toàn cho
người sử dụng, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng
Vụ Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Xin chào ông, ông có
thể cho biết, các cơ quan chức năng đang có những chính sách, văn bản pháp lý gì để quản lý thị trường mũ bảo hiểm hiện nay?
Ngay từ năm 2001, đã có
các quy định về tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm dành cho người điều khiển xe
mô tô, xe gắn máy. Trong đó nêu rõ: “Các doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu mũ bảo hiểm phải đảm bảo chất
lượng mũ tốt, phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam trước khi được lưu thông trên
thị trường trong nước”.
Năm 2008, Chính phủ
triển khai Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban
hành Quy chuẩn quốc gia về mũ
bảo hiểm (QCVN 02), quy định cụ thể về chỉ tiêu chất lượng và các yêu cầu về
chất lượng mũ bảo hiểm, qua đó đưa ra các biện pháp quản lý mũ trước khi lưu
thông trên thị trường.
Theo quy định, mỗi chiếc
mũ phải có chất lượng phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật trong quy chuẩn theo quy
định, được đánh giá chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, đánh dấu hợp quy và
được nhà nước kiểm tra về chất lượng trước khi nhập khẩu vào việt nam.
Tuy nhiên thời gian qua,
theo khảo sát, đa số người dân khi tham gia giao thông sử thường xuyên sử dụng
mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, đó là những loại mũ thời trang, mũ cho
người đi bộ, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không phải mũ bảo hiểm.
Những loại mũ này không đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi gặp sự cố, tai
nạn, thậm chí, chúng còn có thể gây chấn thương thêm cho chủ nhân.
Trước tình hình đó, thực
hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, Liên bộ gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ
Công Thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp, ban hành thông tư
liên tịch 06/2013 bao gồm nhiều quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm. Trong đó yêu
cầu kiểm tra chặt chẽ chất lượng mũ qua các khâu: nhập khẩu; sản xuất; kinh
doanh. Việc kiểm tra theo chuỗi này nhằm loại bỏ hiện tượng doanh nghiệp, cơ sở
sản bán các loại mũ bảo hiểm nhưng thực chất không phải mũ bảo hiểm, đánh lừa
người tiêu dùng.
Các cơ quan nhà
nước, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò như thế nào trong việc
triển khai quản lý chất lượng mũ bảo hiểm?
Hiện nay, các văn bản
quy định về chất lượng, cách thức quản lý và kiểm tra mũ bảo hiểm đã tương đối
đầy đủ. Tuy nhiên, người dân vẫn sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, việc
này không phải trách nhiệm của riêng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chính phủ giao cho Bộ
khoa học và Công nghệ quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, nhưng trên thị trường
xuất hiện những loại mũ không phải là mũ bảo hiểm (mũ thời trang) thì cần phải có
Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp loại bỏ những chiếc
mũ không đạt chuẩn này.
Văn bản pháp lý đã
đầy đủ, nhưng hiện tượng bán mũ bảo hiểm “rởm” vẫn tràn lan trên nhiều tuyến
phố, vậy ông đánh giá thế nào về việc thực thi pháp luật của người dân?
Quy định đã đầy đủ,
nhưng việc thực thi pháp luật vẫn chưa được chấp hành tốt từ các lực lượng thực
thi tới những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm.
Thông tư liên tịch 06
quy định rõ vai trò của 4 Bộ trong việc thực hiện kiểm tra chất lượng mũ bảo
hiểm, trong đó nhấn mạnh vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra quá trình
nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh mũ. Các cửa hàng bán mũ không được đánh lừa
người dân, bán mũ bảo hiểu không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn dán tem, nhãn
giả. Bộ Công an cần chỉ đạo lực lượng công an xã, phường xử lý nghiêm cơ sở cố
tình sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Bên cạnh đó, cần đánh
giá cao vai trò của cơ quan chức năng địa phương, vì họ có thể nắm rõ tình hình
kinh doanh của địa phương mình, họ biết cửa hàng nào, địa điểm nào bán mũ bảo
hiểm kém chất lượng. Tuy nhiên, việc triển khai thực thi loại bỏ mũ bảo hiểm
“rởm” của cơ quan chức năng địa phương chưa thực sự nghiêm túc, nên vẫn có
nhiều tuyến phố, cửa hàng bày bán tràn lan loại mũ thời trang này.
Ông có thể cho biết những khó khăn,
vướng mắc của cơ quan chức năng trong việc triển khai chính sách quản lý mũ bảo
hiểm trong thời gian qua?
Khó khăn đầu tiên chính là việc thống
nhất các cơ quan quản lý của 4 Bộ, để có được thông tư liên tich số 06 năm
2013, Chính phủ đã mất 2 năm cho công tác chuẩn bị mới có thể đạt được sự thống
nhất.
Việc thực thi triển khai những quy
định trong văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại những vướng mắc, sự vào cuộc
của các bên liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra chưa thực sự nghiêm túc.
Khó khăn nữa là các nhà sản xuất mũ
muốn trục lợi lớn, vì vậy, họ bất chấp pháp luật để sản xuất mũ kém chất lượng,
không phù hợp quy chuẩn, đánh lừa người mua.
Vậy cần có giải pháp gì để thực hiện
tốt những chính sách quản lý mũ bảo hiểm của nhà nước?
Về giải pháp, Bộ Khoa học và Công
nghệ đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ việc đưa mũ bảo hiểm vào danh mục mặt
hàng kinh doanh có điều kiện để dễ dàng quản lý từ khâu sản xuất tới kinh
doanh, phân phối. Quá trình quản lý này sẽ giúp loại bỏ sớm mũ kém chất lượng.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cần
nhưng chưa đủ, trong thời gian tới các cơ quan chức năng, chính quyền địa
phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ
sở sản xuất mũ bảo hiểm “rởm”. Việc thanh tra, kiểm tra không phải chỉ làm theo
phong trào mà phải coi đó là trách nhiệm.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất mũ bảo
hiểm chân chính nên cùng nhau thành lập “Hiệp hội sản xuất mũ bảo hiểm” để góp
tiếng nói mạnh mẽ bài trừ những cơ sở sản xuất mũ không đảm bảo chất lượng.
Xin cảm ơn ông!