Tạo "cú hích" để hình thành đội ngũ cán bộ KHCN nòng cốt
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) cần xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ trong 5 đến 10 năm tới để tạo nên một “cú hích” trong việc hình thành một đội ngũ cán bộ nòng cốt, qua đó góp phần vào phát triển KHCN của đất nước.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân
đề nghị Viện xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực KHCN
trong 5 đến 10 năm tới. Ảnh: VGP/Ngọc Quang
Sáng 26/8 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính
trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Viện Hàn
lâm KHCN Việt Nam về việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước về KHCN. Cùng dự có Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân và Chủ tịch Viện
Hàn lâm KHCN Việt Nam Châu Văn Minh.
Trong 2 năm gần đây, Viện đã công bố
gần 3.000 công trình khoa học, tăng 36% so với năm 2012. Hầu hết những công trình
này đã góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, bảo vệ chủ
quyền quốc gia.
Điển hình như Viện đã làm chủ vệ tinh quan
sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSAT-1; chế tạo thành công vệ tinh siêu
nhỏ PicoDragon hoạt động trong không gian và gửi thành công tín hiệu về mặt
đất; sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp và thép từ bùn đỏ trên quy mô công nghiệp
với mẻ thử nghiệm trên 200 tấn; chế tạo và thử nghiệm thành công máy bay không
người lái; xuất bản Atlas Biển Đông, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác
phân định ranh giới ngoài Vịnh Bắc Bộ; đóng góp khoa học đối với các hiện tượng
lạ, động đất khu vực thủy điện sông Tranh 2; tư vấn lựa chọn địa điểm xây dựng
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin động
đất và cảnh báo sóng Thần…
Hiện Viện đang khẩn trương xây dựng
Trung tâm Vệ tinh Quốc gia bằng nguồn vốn ODA đến năm 2018 sẽ phóng vệ tinh chế
tạo tại Nhật Bản và đến năm 2020 sẽ phóng vệ tinh chế tạo tại Việt Nam, xây
dựng thành công ngành công nghệ vệ tinh tại Việt Nam.
Bên cạnh những thành công đó, Viện Hàn
lâm KHCN Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như việc sắp xếp các doanh
nghiệp còn lại gặp nhiều khó khăn do nợ đọng kéo dài, không có khả năng thanh
toán, không xác định được tài chính công nợ do chuyển đổi lãnh đạo nhiều lần,
không có nguồn tài chính đảm bảo để giải quyết chính sách cho người lao động…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Viện Hàn
lâm KHCN Việt Nam Châu Văn Minh kiến nghị Bộ KHĐT, Bộ Tài chính cho phép điều
chỉnh vốn từ dự án tiến độ chậm cho dự án tiến độ nhanh, trong đó cho
phép điều chỉnh kinh phí của dự án VNREDSat-1; đề nghị sớm có thông tư hướng
dẫn việc sử dụng trọng dụng cá nhân hoạt động trong KHCN theo nghị định 40 của
Thủ tướng Chính phủ; cần phân biệt rõ loại hình hoạt động của các tổ chức KHCN
để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của Nhà nước…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn
Thiện Nhân đánh giá cao những cống hiến của Viện Hàn lâm KHCN, đề nghị Viện Hàn
lâm KHCN tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực tham gia vào việc đào tạo,
khai thác nguồn nhân lực cao, có đột phá trong các lĩnh vực khoa học nghiên cứu
và ứng dụng để tiến tới làm chủ KHCN.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề
nghị Bộ KHCN cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu có cơ chế, chính sách ưu đãi
trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế tài chính, phát triển nguồn
nhân lực, chủ động “đặt hàng” cho các nhà khoa học trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đào tạo
nguồn nhân lực, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Viện xây dựng chương trình đào
tạo đội ngũ cán bộ trong 5 đến 10 năm tới để tạo nên một “cú hích” trong việc
hình thành một đội ngũ nòng cốt, qua đó góp phần vào phát triển KHCN của đất
nước.
Đối với những kiến nghị của Viện
Hàn lâm KHCN trong đổi mới cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thu hút
nhân tài, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết với nhiệm vụ giám sát và phản
biện của mình, MTTQVN sẽ tiếp thu để cùng Bộ KHCN đưa vào chương trình giám sát
và phản biện việc thực hiện Luật KHCN, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển
của KHCN và tạo thêm những nguồn lực mới cho đất nước trong giai đoạn phát
triển sắp tới.