Tiêu chí xây dựng trường đại học nghiên cứu
Các trường đại học muốn đổi mới sáng tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo cần phải coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu trong tương lai. Trong đó, chất lượng đào tạo, thành tích nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế được xem là những tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
Thành tích nghiên cứu khoa học
Sự kiện mới đây Đại học
Quốc gia Hà Nội vừa công bố bộ tiêu chí dành cho trường đại học nghiên cứu áp
dụng tại các đơn vị thành viên đã phần nào giải quyết vướng mắc trong việc chưa
định hướng được khung lý luận để hình thành trường đại học nghiên cứu đạt chuẩn
khu vực và quốc tế. Bộ tiêu chí gồm nhiều nhóm trong đó nổi bật là nhóm tiêu
chí về thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.
Còn nhớ cách đây chưa lâu,
tại buổi tọa đàm về Xây dựng đại học nghiên cứu do Đại học KHXH và NV, Đại học
Quốc gia Hà Nội tổ chức, Gs Vũ Dương Ninh đã nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học
không chỉ phục vụ giảng dạy mà còn góp phần vào sự nghiệp phát triển nền khoa
học nước nhà. Thế hệ những người làm thầy có ý thức khoa học sẽ đào tạo được
sinh viên, học viên có lối tư duy coi trọng nghiên cứu khoa học. Chất lượng đào
tạo hay thành tích trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức đã trở thành
tiêu chí quan trọng đối với bất kỳ một trường đại học nào muốn phát triển theo
hướng nghiên cứu.
Để đạt được chuẩn mực đó,
cần có những giải pháp phát huy tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học, mà theo nhiều
chuyên gia, hiện không ít trường đại học còn sử dụng lãng phí, chưa biết tận
dụng khả năng sáng tạo của họ. Gs Nguyễn Hữu Việt Hưng - một trong hai nhà khoa
học được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, từng chia sẻ, nhiều nhà khoa học cảm
thấy mình như kẻ làm thuê chứ không được làm chủ, rất ít khi được quyết định
những vấn đề quan trọng trong trường. Đương nhiên, với tâm lý đi làm thuê, làm
cho xong thì để sáng tạo nên những công trình khoa học mang tầm thế giới là chuyện
trên trời.
Phát huy năng lực của đội
ngũ cán bộ khoa học trẻ cũng là một trong những động lực giúp các trường đại
học nhanh chóng hiện thực hóa tiêu chí chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy,
đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay có nhiều ưu thế hơn thế hệ trước ở điều kiện nhận
thức cái mới, khả năng ngoại ngữ tốt cũng như cơ hội tiếp cận với nền khoa học
tiên tiến trên thế giới. Thậm chí không ít người được đào tạo bài bản ở những
nước phát triển, có năng lực tư duy và tầm nhìn tốt. Điều quan trọng là phải
phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân gắn với hoạt động nghiên cứu, tạo
điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tận tâm cống hiến tài năng, trí tuệ.
Hội nhập quốc tế
Bộ tiêu chí do Đại học
Quốc gia Hà Nội đưa ra đã xác định mức độ quốc tế hóa là mục tiêu quan trọng,
cần áp dụng cho các đơn vị thành viên. Trong đó công bố quốc tế được xem là
tiêu chí hàng đầu nhằm xếp hạng và đánh giá năng lực nghiên cứu của các trường
đại học, khẳng định tài năng của đội ngũ các nhà khoa học. Đó cũng là tiêu chí
cần thiết cho mọi trường đại học muốn xây dựng theo hướng nghiên cứu.
Có một thực tế là các công
trình nghiên cứu tại các trường đại học trong nước rất nhiều nhưng công bố quốc
tế lại khá khiêm tốn. Việt Nam nằm trong nhóm có tỷ lệ công bố thấp nhất của
khu vực trong khi mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở nước ta không hề thấp.
Mặc dù số lượng bài báo năm nay đã vượt qua 2.000 bài, tăng 18% so với năm 2012
nhưng nếu so với Thái Lan, khoảng 6.400 bài báo hay 11.400 bài tại Singapore
thì đó vẫn là con số khiêm tốn. Vẫn biết, việc thẩm định một bài báo khoa học đăng
trên các tạp chí quốc tế là vô cùng khó khăn và tỷ lệ từ chối của các tờ báo
khoa học hàng đầu thế giới là hơn 90%, ở các tờ tạp chí khoa học nhỏ hơn là 50%
nhưng rõ ràng, nếu bài báo không độc đáo, độc lập hay có tính mới thì việc bị
từ chối là điều không thể tránh khỏi. Việc tổ chức theo kiểu lắp ghép, chia nhỏ
các đề tài nghiên cứu như hiện nay không chỉ thiếu hiệu quả mà còn làm mất đi
cá tính sáng tạo của nhà khoa học, khó đem đến những phát hiện mới.
Muốn giải quyết được vướng
mắc trên, cần xác định công bố quốc tế là một trong những tiêu chí xếp loại đề
tài nghiên cứu hoặc coi đó như một yêu cầu cần thiết xét thi đua khen thưởng,
công nhận các chức danh khoa học. Theo Gs Đoàn Thiện Thuật (Đại học KHXH và NV,
Đại học Quốc gia Hà Nội), các trường đại học cần tạo điều kiện để cán bộ trẻ
của mình được học tập, giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài. Khi họ có ngoại
ngữ tốt và hiểu biết về các quy tắc công bố quốc tế cũng như cập nhật được tình
hình nghiên cứu trên thế giới thì việc có các công bố khoa học ngay khi đang học
tập và làm việc ở nước ngoài là điều không khó.
Nguồn tài chính ổn định
Thành tích trong nghiên
cứu khoa học và khả năng hội nhập quốc tế là những tiêu chí quan trọng hàng đầu
để một trường đại học phát triển theo hướng nghiên cứu, song như vậy vẫn chưa
đủ. Yếu tố bảo đảm thành công của các trường đại học nghiên cứu lớn trên thế
giới là có nguồn tài chính dồi dào hay chính sách quản trị phù hợp. Một chuyên
gia nước ngoài khẳng định, để xây dựng một trường đại học nghiên cứu, cần đầu
tư trung bình từ 400 đến 500 triệu USD và đó mới chỉ là điều kiện đủ.
Thách thức đặt ra cho các
trường là làm thế nào duy trì được nguồn tài chính ổn định cung cấp cho hoạt
động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bởi nguồn vốn ban đầu để xây
dựng trường đại học nghiên cứu có thể hết rất nhanh chỉ sau 10 năm hay 20 năm
mà hoạt động nghiên cứu khoa học thường khó đem lại lợi nhuận trong ngắn hạn và
luôn đòi hỏi có nguồn đầu tư lớn. Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho các trường đại học
theo định hướng nghiên cứu là sẽ phát triển dựa trên những nguồn lực tài chính
nào hay vẫn trông chờ vào ngân sách nhà nước?