Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015
Ngày 20/10/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, giai đoạn 2011-2015 (Chương trình). Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu khai mạc Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, các chủ nhiệm,
Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015,
đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng, đơn vị trực thuộc Bộ.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Thành- Giám đốc Văn phòng các chương trình
trọng điểm cấp Nhà nước đã báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình. Báo
cáo cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, hệ thống các chương trình trọng điểm cấp
nhà nước có 15 chương trình bao gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học
công nghệ (chương trình KC) và 05 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội
và nhân văn (chương trình KX).
Đối với các chương trình KC, đã đưa vào triển khai 337 nhiệm vụ (259 đề
tài và 78 dự án sản xuất thử nghiệm) phân bổ cho 45 nội dung chính theo khung của
các chương trình. Đối với các chương trình KX đã đưa vào triển khai 101 nhiệm vụ
phân bổ cho 27 nội dung chính thuộc 05 lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa và
con người, hội nhập quốc tế về KH&CN và khoa học lý luận, chính trị.
GS.
Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm Chương trình KC.10/11-15 báo cáo kết quả của Chương
trình tại Hội nghị
Tính đến nay, các chương trình đã tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước được 40
nhiệm vụ. Trong đó, 03 nhiệm vụ được đánh giá đạt xuất sắc, 35 nhiệm vụ đạt loại
khá và trung bình, 02 nhiệm vụ chưa đạt cần được gia hạn để hoàn thiện sản phẩm.
Số còn lại chủ yếu sẽ được nghiệm thu cuối năm 2014 và trong năm 2015.
Đánh giá sơ bộ kết quả của Chương trình, ông Nguyễn Thiện Thành cho biết,
về khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến, hầu hết các đề tài, dự án trong các
chương trình KC đều đặt mục tiêu nghiên cứu để làm chủ công nghệ hoặc quy trình
công nghệ tiên tiến so với khu vực và thế giới. Theo đánh giá sơ bộ của các Ban
chủ nhiệm chương trình, có tới gần 200 công nghệ hoặc quy trình kỹ thuật tiên
tiến trên thế giới được nghiên cứu. Tính đến nay đã có khoảng 80 công nghệ đã
thành công ở các mức độ khác nhau. Nhiều kết quả đã đạt trình độ của các nước
tiên tiến trên thế giới, có thể kể đến như: Kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong
điều trị một số bệnh lý tuyến giáp (do Bệnh viện Nội tiết trung ương chủ trì);
Quy trình ghép khối thận – tụy từ người chết não (do Học viện Quân y chủ trì);
Quy trình phẫu thuật nội soi qua ngả tự nhiên (trực tràng và âm đạo điều trị
ung thư đại tràng và trực tràng (do Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì); Công nghệ
gắn kháng thể đơn dòng với 02 đồng vị phóng xạ I131 và Y90 (do Viện Nghiên cứu
hạt nhân Đà Lạt chủ trì).
Ngoài ra, các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến khác được được tiến hành
nghiên cứu trong các đề tài, dự án và hứa hẹn có những kết quả tốt như: Công
nghệ chuyển gen chịu hạn cho cây ngô, cây đậu tương; Công nghệ đột biến tạo giống
bằng phóng xạ cho lúa và đậu tương; Kỹ thuật ghép thận từ người cho tim ngừng đập;
Kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị phình, bóc tách động mạch chủ,…
Trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, hầu hết
các kết quả được tạo ra đều đã được ứng dụng. Mức độ lan tỏa và hiệu ứng của việc
ứng dụng các công nghệ này có thể chưa thật cao nhưng hầu hết các kết quả đều
đã mang lại những hiệu quả nhất định.
Kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều đã và
đang phục vụ trực tiếp cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính
sách về phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.
Về khả năng nâng cao tiềm lực KH&CN, đại diện Văn phòng các chương
trình trọng điểm cấp Nhà nước cho biết, đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà
nước: 100% các đề tài, dự án đã nghiệm thu thuộc các chương trình đều có công bố
kết quả trên các tạp chí trong và ngoài nước. Theo thống kê sơ bộ hiện nay
trong các chương trình KC đã có trên 50 bài báo khoa học đã được đăng trên các
tạp chí quốc tế và dự kiến có thêm 61 bài báo nữa sẽ công bố trong thời gian tới,
gần 400 kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí trong nước và 74 kết quả
khoa học được trình bày trong các hội nghị quốc tế.
Toàn
cảnh Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp
Nhà nước giai đoạn 2011-2015
Cũng tại Hội nghị, các nhà khoa học đã trao đổi thảo luận những kết quả đạt được,
một số tồn tài, bất cập của Chương trình cũng như đưa ra những kiến nghị đề xuất
với Bộ KH&CN như: Điều chỉnh khung chương trình để phù hợp với thực tế, thực
hiện triệt để cơ chế “đặt hàng” trong xác định nhiệm vụ theo hướng lấy mục tiêu
triển khai ứng dụng làm trọng tâm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đặc
biệt về tài chính nhiều hơn nữa cho các chủ nhiệm đề tài, có các giải pháp
thanh quyết toán kinh phí đơn giản hơn, cải tiến quy chế đấu thầu mua sắm vật
tư thiết bị theo hướng đơn giản, chủ động cho chủ nhiệm đề tài,…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao
những kết quả của Chương trình đạt được và mong muốn các Ban chủ nhiệm chương
trình cùng nhau định vị lại vai trò của các chương trình trong giai đoạn hiện nay,
cũng như xác định rõ mục tiêu sản phẩm cụ thể để làm thế nào nâng cao hiệu quả
của từng chương trình. Bộ trưởng nhấn mạnh, dù là chương trình trọng điểm hay cấp
Quốc gia cũng cần đặt yếu tố hiệu quả lên hàng đầu, sử dụng hiệu quả nguồn ngân
sách nhà nước cũng như huy động tối đa nguồn tài trợ của doanh nghiệp, xã hội,…
Bộ trưởng cho biết, năm 2013 Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Quốc hội
Luật KH&CN sửa đổi với nhiều nội dung đổi mới, mặc dù chưa đáp ứng được hết
những mong muốn của các nhà khoa học, nhưng phần nào những đổi mới trong Luật
cũng giúp chúng ta tiếp cận những quy định của nền kinh tế thị trường, theo
thông lệ chung của thế giới. Một trong những đổi mới lần này là giao cho Bộ
KH&CN phê duyệt nhiệm vụ 5 năm và hằng năm. Thứ hai là cơ chế cấp phát kinh
phí thực hiện đề tài, dự án thông qua Quỹ, như vậy từ nay các nhiệm vụ được
giao đến đâu sẽ được cấp kinh phí đến đó, không phải chờ đợi. Thứ 3 là việc thực
hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, tạo điều kiện thuận lợi cho
các nhà khoa học thực hiện đề tài/dự án.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị quản lý của Bộ tiếp thu, nghiên cứu thật
kỹ ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các Ban chủ nhiệm Chương trình để điều
chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để có thể đáp ứng được nguyện vọng, mong
muốn của các nhà khoa học.