Cơ chế PPP trong khoa học công nghệ: Những điểm cần làm rõ
Theo các chuyên gia, để cơ chế hợp tác công- tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KHCN) có thể thu hút sự tham gia của nhà đầu tư, cần phải chỉ rõ được lợi ích của doanh nghiệp, ưu điểm của cơ chế mới này so với các chính sách ưu đãi hiện có. Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể toàn bộ quá trình vận hành, quản lý cơ chế liên kết; vấn đề chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các bên.
Hiện Bộ KHCN đang dự thảo Đề án thí điểm cơ chế hợp tác công- tư, đồng tài trợ
thực hiện các nhiệm vụ KH và CN nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội,
thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho KHCN, hạn chế tình trạng đầu tư manh mún
từ ngân sách nhà nước, giảm chi phí rủi ro và tạo ra được một trường cạnh tranh
cao trong hoạt động KHCN. Đây là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao tại
Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị
quyết Trung ương 6 về phát triển KH và CN.
Những năm qua, chúng ta đã xây dựng rất nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến
khích doanh nghiệp KHCN phát triển, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D,
phát triển công nghệ nguồn, công nghệ cao. Tại Hội thảo về Cơ chế quan hệ hợp
tác công- tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN mới được tổ chức, Thứ
trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Khánh đặt vấn đề, khi xây dựng đề án thí điểm này, chúng
ta tạo ra một sân chơi mới cho doanh nghiệp bên cạnh các sân chơi đã có từ trước.
Các sân chơi đều bình đẳng với nhau nên cần phải tính toán kỹ. Cần phải làm rõ
ưu điểm của sân chơi PPP so với các sân chơi khác. Nếu không khéo, doanh nghiệp
sẽ tập trung vào Nghị định 119 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài
chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN, trong khi sân
chơi hợp tác công- tư lại không có doanh nghiệp nào tham gia.
Để sân chơi PPP trong lĩnh vực KHCN có thể thu hút doanh nghiệp, có ý kiến
cho rằng, cần phải làm nổi bật lợi ích của nhà đầu tư khi tham gia sân chơi
này. Tại sao nhà đầu tư phải làm việc mà đáng ra nhà nước phải làm. Hiện nay đầu
tư KHCN đều được ưu đãi tối đa. Vì vậy, khi chưa chỉ ra được lợi ích khác của
nhà đầu tư thì rất khó thuyết phục họ tham gia. Cho dù, họ có chủ động đầu tư
cho KHCN thì họ cũng sẽ dễ dàng nhận được cơ chế ưu đãi ở các sân chơi khác đã
có. Nếu như PPP có thể trở thành công cụ tụ hợp mọi nguồn lực giải quyết vấn đề
KHCN mang tính chiến lược then chốt, cốt lõi của ngành, quốc gia, cần phải chỉ
ra một cách rõ ràng lực hút của chính sách này là gì.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cần phải trả lời được cơ chế hợp
tác công- tư này có những điểm đặc thù gì khác so với quy định hiện hành về hợp
tác công- tư trong các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế khác liên quan.
Từ đó, mới khẳng định được sự cần thiết phải ban hành cơ chế riêng về hợp tác-
công tư trong đồng tài trợ nhiệm vụ KHCN. Khi đã chỉ ra những điểm đặc thù, thì
những cơ chế, quy định trong các đề án cũng cần thống nhất với các văn bản pháp
luật hiện hành, đặc biệt là dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác
công tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ. Quá trình rà
soát, liên thông giữa các văn bản sẽ bảo đảm cho sự thống nhất của pháp luật về
hợp tác công tư.
Góp ý vào dự thảo cơ chế PPP đồng tài trợ nhiệm vụ KHCN, Phó vụ trưởng Vụ
Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Mạnh Phương cho rằng, khi xây dựng cơ chế
hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần phải làm rõ kết quả của
việc thực hiện nhiệm vụ KHCN đó thì ai sử dụng, Nhà nước toàn quyền sử dụng hay
đồng sử dụng giữa nhà nước và doanh nghiệp? Cần phải làm rõ cơ chế chia sẻ lợi
ích, lợi nhuận cũng như rủi ro của liên kết. Mặt khác, khi đã hình thành liên kết
PPP thì cũng cần phải quy định cụ thể quá trình triển khai, quản lý liên kết,
vai trò của đại diện nhà nước. Với cơ chế hai bên cùng chủ động phối hợp liên kết
thì sự điều chỉnh toàn bộ quá trình liên kết này như thế nào cũng phải được làm
rõ.
Những ngày này, năng suất lao động của Việt Nam thấp kém so với các nước trong
khu vực đã trở thành đề tài tranh luận của công luận, chuyên gia và lan đến nghị
trường QH. Khi xới xáo vấn đề này, người ta mới giật mình thấy rằng, để nâng
cao năng suất lao động thì cần phải tăng hàm lượng KHCN trong nền kinh tế. Mà
muốn tăng hàm lượng công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng
hợp (TFP) thì phải ưu đãi. Từ đó, có thể thấy rằng, việc xây dựng cơ chế PPP trong
KHCN có vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao tỷ trọng TFP, từ đó định
hướng con đường phát triển bền vững cho nền kinh tế thời gian tới.
Hợp tác công - tư trong khoa học và công nghệ