SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

“Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ sản phẩm Việt”

[05/11/2014 09:58]

Được sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 01/11/2014, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN phối hợp tổ chức Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ sản phẩm Việt”. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đồng chủ trì Diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: HH)

Tham dự diễn đàn còn có hơn 300 khách mời là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí và các doanh nghiệp, doanh nhân.

Diễn đàn được tổ chức nhằm khẳng định, tôn vinh, tạo cái nhìn đa chiều về sản phẩm và doanh nghiệp Việt, đồng thời tìm ra giải pháp cũng như định hướng đúng đắn trong việc phát triển các sản phẩm thương hiệu Việt sánh ngang với quốc tế trong giai đoạn hội nhập.

Tại diễn đàn, các đại biểu là các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nước ta có trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong tình trạng không đủ vốn cần thiết và lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật. Chính điều này đã khiến chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định và giá thành sản phẩm cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trước thông tin Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam, cũng như việc đại diện Canon cho biết, doanh nghiệp nước ta mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton đóng gói sản phẩm của họ… Điều này cho thấy năng lực và trình độ sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 68 trên 144 quốc gia xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, trong đó mức độ sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 99, FDI và chuyển giao công nghệ thứ 93, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp cận công nghệ mới chỉ đứng thứ 123/144 quốc gia.

Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cải thiện năng lực cạnh tranh để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Vì thế doanh nghiệp cũng khó tồn tại bền vững trên thị trường nội địa, chưa nói tới chiếm lĩnh các thị trường khu vực và thế giới.

Dang cap quoc te - Loi giai tu san pham Viet_2.jpg
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại diễn đàn

(Ảnh: HH)

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới thực trạng nói trên. Nguyên nhân trực tiếp là đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Nguyên nhân sâu xa hơn là do KH&CN chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của Nhà nước và độc quyền thực tế của doanh nghiệp nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ..

Bám sát các định hướng của Chính phủ, với tư duy coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp chính sách đồng bộ nhằm đưa KH&CN trở thành động lực tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam.

Cụ thể là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả phục vụ phát triển doanh nghiệp, các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế; tăng cường mối liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu theo hướng tập trung cho nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ; phát triển công nghệ cao; phát triển sản phẩm quốc gia; nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ.

Song song với đó là phát triển mạnh các kênh tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến hoặc thay thế công nghệ, thiết bị lạc hậu thông qua các quỹ quốc gia trong lĩnh vực KH&CN: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Phát triển mạnh thị trường KH&CN theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian môi giới chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Xây dựng quy định và tiêu chí đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Dang cap quoc te - Loi giai tu san pham Viet_3.jpg

Tại diễn đàn, Bkav đã giới thiệu hệ thống nhà thông minh Smarthome (Ảnh: HH)

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã cùng bàn luận, trao đổi về nhiều nội dung như làm thế nào để tạo hướng đi mới cho sản phẩm Việt nhằm phát huy sức mạnh người Việt Nam và có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao nhất; giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt;...

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu không có một nền tảng công nghệ vững chắc để tạo ra các doanh nghiệp mạnh với sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, nền kinh tế Việt Nam khó có thể vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên phát triển bền vững. Các chính sách của Nhà nước không thể thành công nếu không có sự quyết tâm vào cuộc của các doanh nghiệp - nhân tố trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

MOST (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ