Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc tăng cường ứng dụng KH&CN tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đề tài, dự án theo chiều sâu đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Thu hoạch dưa lê tại Hợp tác xã Rau an toàn phường Long Tuyền, quận Bình
Thủy.
Theo Sở KH&CN TP Cần Thơ, năm 2014, các quận, huyện trên địa bàn
thành phố đăng ký thực hiện 41 đề tài, dự án khoa học, trong đó 20 dự án năm
2013 chuyển sang và 21 dự án mới. Tính đến cuối tháng 10, đã triển khai được 34
dự án, đạt 83% kế hoạch. Các dự án tập trung vào những lĩnh vực công nghệ sinh
học, nông nghiệp, y dược, giáo dục… Đến nay, đã có 4 dự án được nghiệm thu. Các
quận, huyện vận hành tốt quy trình quản lý và triển khai các đề tài, dự án,
nâng cao giá trị hàng hóa thông qua vận động, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ các
mặt hàng truyền thống của địa phương. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan
chức năng trong thanh kiểm tra KH& CN giúp nâng cao và ổn định chất lượng sản
phẩm. Cụ thể như quận Cái Răng được cấp giấy chứng nhãn hiệu “Chợ nổi Cái Răng”
và đang hoàn tất hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “KH - KIM HƯNG CRAFTS” cho nhãn hàng
thủ công mỹ nghệ Kim Hưng. Huyện Phong Điền đang hướng dẫn thực hiện hồ sơ đăng
ký “Bánh hỏi Phong Điền”. Quận Bình Thủy được thông báo chấp nhận đơn hợp lệ của
2 nhãn hiệu “Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ” và “Hợp tác xã rau an toàn phường
Long Tuyền”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho
biết: “Thời gian qua, quận Bình Thủy tăng cường phối hợp với các viện, trường nghiên
cứu và triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học ứng dụng vào sản xuất.
Năm 2014, Bình Thủy đã tổ chức nghiệm thu 2 đề tài khoa học “Xây dựng mô hình
vườn ươm hoa kiểng từ cây nuôi cấy mô tại làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ” và
“Mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất quy mô hộ gia đình”. Các đề
tài khoa học này bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp bà con cải tiến được quy
trình, ứng dụng công nghệ sản xuất, góp phần phát triển vùng ven theo hướng đô
thị sinh thái cũng như cải thiện dinh dưỡng và nâng cao nhận thức cho các hộ
gia đình trong việc sản xuất và tiêu dùng rau an toàn, bảo vệ sức khỏe người
dân”.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển KH&CN, các quận, huyện trên địa
bàn thành phố bám sát chương trình số 30 -CTr/TU ngày 15-12-2012 của Thành ủy Cần
Thơ và Nghị quyết số 20 - NQ/TW ngày 01-11-2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp
hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mới đây, tại hội nghị giao ban KH&CN cấp quận,
huyện TP Cần Thơ lần thứ X, được tổ chức tại quận Bình Thủy do Sở KH&CN
thành phố chủ trì, đại diện các sở ngành, địa phương cùng các nhà khoa học đánh
giá cao công tác nghiên cứu, áp dụng tiến bộ KH&CN thời gian qua tại các quận,
huyện đã tạo được sản phẩm mới và nâng cao chất lượng hàng hóa, đồng thời giải quyết
các vấn đề bức xúc của quận, huyện trong thực thi chính sách, pháp luật và xây
dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện các đề
tài, dự án khoa học tại các quận, huyện còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó
là: Việc triển khai các đề tài, dự án chưa theo kịp tiến độ đề ra, chưa thu hút
được sự quan tâm của các đơn vị ở địa phương trong đề xuất và triển khai các dự
án KH&CN, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Một số địa phương chưa có phương
pháp tuyên truyền, mời gọi hợp tác hiệu quả đến từ các viện, trường, tổ chức,
doanh nghiệp trên địa bàn… Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP
Cần Thơ, cho rằng: “Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 nước
ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, vì vậy việc xây dựng các đề tài, dự án
khoa học cần tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại
dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và gắn kết vào hoạt
động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tính hiệu quả của các dự án, tạo bước
phát triển về chiều sâu cho hoạt động nghiên cứu, áp dụng KH&CN”.
Năm 2015, các quận, huyện dự kiến đăng ký 40 dự án KH&CN gồm: 31 dự
án năm 2014 chuyển sang và 9 dự án mới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố
định hướng tăng cường ứng dụng KH&CN trong các ngành, lĩnh vực thông qua tập
trung thực hiện trên 80% tổng đề tài, dự án đăng ký ở quận, huyện cho các dự án
ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Trong đó, các quận ưu tiên triển
khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Các huyện ưu tiên ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng, xây
dựng thương hiệu, đa dạng hóa và phát triển gắn kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ
nông thủy sản, liên kết phát triển và tạo sản phẩm du lịch liên quận huyện.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, để việc quản lý KH&CN
phát huy hiệu quả, thời gian tới các quận, huyện cần ưu tiên dự án, ứng dụng,
chuyển giao KH&CN khả thi, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội,
năng lực thực hiện của các quận, huyện. Cùng với đó, tổ chức cho các đơn vị sản
xuất kinh doanh và người dân tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về chuyển giao
khoa học, công nghệ, áp dụng các tiến bộ các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật
và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống
người dân.