Cơ chế phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn nhiều vướng mắc
Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp (DN) được cấp Giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ (KH và CN), nhưng tính đến nay mới có 132 DN trong cả nước được cấp giấy chứng nhận và khoảng 30 hồ sơ chờ thẩm định.
Phân tích và giám định
vàng bạc, đá quý tại Viện Ngọc học và Trang sức DOJI (Tập đoàn Vàng bạc đá quý
DOJI).
Nhiều DN khó có thể tiếp cận các ưu
đãi, hỗ trợ khi trở thành doanh nghiệp KH và CN. Cùng với đó là việc đăng ký
trở thành doanh nghiệp KH và CN còn gặp nhiều khó khăn do những rào cản về cơ
chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành khác nhau.
Việc phát triển hệ thống DN KH và CN
được khẳng định là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát
triển KH và CN giai đoạn 2011-2020 của Đảng và Nhà nước. Theo Quyết định số
418/QĐ-TTg ngày 11-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, sẽ hình thành
năm nghìn DN KH và CN. Nhưng cho đến tháng 11-2014, mới có 132 DN KH và CN trong
cả nước được cấp Giấy chứng nhận. Con số này chưa đánh giá đúng số lượng và
tiềm năng các DN đang hoạt động trong lĩnh vực KH và CN. Trên thực tế, tại Việt
Nam,
chỉ tính riêng lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã có hơn một nghìn DN đang
hoạt động và có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận.
Nhưng do các ưu đãi để trở thành DN KH
và CN lại trùng lặp và mức ưu đãi còn thấp hơn so với ưu đãi hiện có của lĩnh
vực CNTT, cho nên hầu hết các DN không có nhu cầu đăng ký để trở thành DN KH và
CN. Ngoài ra, một số lượng lớn DN có thể được thành lập từ các viện nghiên cứu,
trường đại học có các kết quả nghiên cứu tốt đang gặp nhiều khó khăn khi muốn
đăng ký trở thành DN KH và CN. Rào cản đến từ cơ quan đăng ký kinh doanh, khi
các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, các doanh nghiệp sáng
tạo... muốn thông qua việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời vướng mắc trong khâu đăng ký kinh doanh khi sử dụng kết quả nghiên
cứu KH và CN từ các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước.
Mới đây, tại Hội nghị Phát triển doanh
nghiệp KH và CN năm 2014 tại tỉnh Phú Thọ, nhiều DN cho rằng, mặc dù đã được
cấp Giấy chứng nhận DN KH và CN, nhưng để tiếp cận với một số ưu đãi như đất
đai, tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam dường như vẫn còn một
khoảng cách khá xa với họ. Khi DN muốn tìm hiểu về cơ chế ưu tiên vay vốn ngân hàng,
miễn tiền thuê đất, hỗ trợ ưu đãi thuế gặp nhiều khó khăn, rất tốn thời gian và
công sức. Bởi vậy, nhiều DN đang phải tự tìm nguồn lực riêng để phát triển. Có
nhiều DN KH và CN cho rằng, không nhất thiết phải có thêm nhiều ưu đãi, điều DN
cần là có thể tiếp cận được với các dự án có vốn đầu tư của Nhà nước.
Công nghệ, sản phẩm của DN khi đã qua
kiểm định cần được Nhà nước ưu tiên sử dụng tại các dự án, giúp DN có nguồn thu
ban đầu, tạo thương hiệu để có niềm tin cho xã hội về sản phẩm KH và CN. Đây
cũng là cầu nối để các DN có thể liên kết với nhau, trao đổi, sử dụng công nghệ
phù hợp với lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn lực ổn định cho
các DN KH và CN. Và một trong nhiều vướng mắc được quan tâm của DN KH và CN
hiện nay là vấn đề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Mặc dù quy định đã
rất rõ ràng tại các thông tư hướng dẫn liên ngành, nhưng không phải Cục Thuế
nào cũng chấp nhận các giải trình, báo cáo của DN. Với các DN KH và CN gặp khó
khăn về thuế TNDN, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công
nghệ (PTTTDN) đã làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và có văn bản gửi Cục Thuế
địa phương để đề nghị hỗ trợ DN được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Phó Cục trưởng PTTTDN Phạm Hồng Quất
cho rằng: Thực tế đang có rất nhiều DN KH và CN đang hoạt động, nhưng do họ
chưa thấy các ưu đãi hiện nay thiết thực với hoạt động sản xuất, kinh doanh cho
nên chưa đăng ký. Đồng thời, việc thành lập DN KH và CN để được hưởng các ưu
đãi đang bị vướng bởi một số cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh phù hợp với
thực tiễn. Với tiềm lực của các DN đang hoạt động trong lĩnh vực KH và CN hiện
nay, đến năm 2020 đạt được năm nghìn DN KH và CN về mặt nguồn lực là hoàn toàn
có khả năng đạt được so với tiềm năng sẵn có của trí tuệ Việt Nam. Vấn đề là
cần có đầu tư thích đáng của Nhà nước để ươm tạo, định hướng, hỗ trợ đầu tư
phát triển, tạo ra thị trường thương mại hóa sản phẩm sáng tạo.
Cơ quan quản lý các ngành, địa phương
cần thật sự quan tâm, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp KH và CN non trẻ trong
nước để có thể cạnh tranh với các đối tác nước ngoài. Có như vậy, mục tiêu nói
trên mới có thể trở thành hiện thực. Đồng thời về mặt chính sách cần sớm có các
giải pháp liên ngành, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhanh chóng tháo gỡ
những vướng mắc, rào cản của DN hiện nay.
Ngay sau Hội nghị Phát triển doanh
nghiệp KH và CN năm 2014 tại Phú Thọ, Cục PTTTDN (Bộ KH và CN) và Cục Phát
triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt
động giữa hai cục trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa hai bộ để tháo gỡ
những khó khăn trong cấp phép thành lập, hỗ trợ doanh nghiệp KH và CN tiếp cận các
dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Đồng thời hỗ trợ liên kết phát triển
chuỗi giá trị sản phẩm để khai thác thế mạnh vùng, địa phương và thương mại hóa
sản phẩm công nghệ trong nước có lợi thế cạnh tranh. Tiếp đó sẽ mời các bộ khác
có liên quan cùng tham gia, tháo gỡ những khó khăn của DN. Đây chính là lộ trình
nhằm phát triển hệ thống DN KH và CN.