SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quản lý rầy nâu bằng chế phẩm nấm xanh

[30/12/2014 14:37]

Thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã nuôi cấy và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về sử dụng chế phẩm nấm xanh để quản lý dịch hại trên lúa, góp phần bảo vệ cây trồng, phòng trừ rầy nâu hại lúa đạt hiệu quả cao.

Nông dân tự cấy nấm xanh sau khi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh, thì đây là một giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên địch có ít trên đồng ruộng, góp phần tạo ra sản phẩm lúa sạch. Các tài liệu khoa học cho biết, nấm xanh thường gây hại cho các loại sâu hại cây lúa như: rầy nâu, rầy xanh, rầy lưng trắng, bọ xít,... Việc nuôi cấy nấm xanh, phun xịt trên lúa sẽ giúp ký sinh và giết chết các loại sâu hại mà nông hộ sẽ không cần phải dùng thuốc hóa học. Từ đó, nông dân sẽ giảm được một phần chi phí đầu tư.

Quy trình nuôi cấy nấm nông hộ được thực hiện gồm các bước: chuẩn bị gạo nuôi cấy nấm; hấp khử trùng môi trường cấy; cấy nấm gốc vào gạo. Sau các bước này, người thực hiện thao tác cấy phải dùng dao đã được tiệt trùng rạch nấm gốc thành từng miếng nhỏ, rồi cấy vào bọc gạo. Chế phẩm phải được đem ủ nơi cao ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Sau 10-14 ngày, nấm xanh bao phủ hết hạt gạo là tiến hành phun xịt trên ruộng. 1 đĩa nấm gốc nuôi sẽ cấy được cho 6 bọc gạo và có thể sử dụng cho ít nhất 1ha đất sản xuất. Cách sử dụng nấm để phun xịt cũng khá đơn giản. Chỉ cần hòa chế phẩm trong nước qua vải lược, mỗi bọc pha được 4 bình 16 lít, cứ 2 bình phun xịt cho 1.000m2. Sau đó pha thêm một ít chất bám dính, phun chậm vào gốc lúa vào buổi chiều mát hoặc sẫm tối, có sương càng tốt sẽ giúp nấm phát triển.

Theo đa số nông dân, bước đầu sử dụng nấm xanh diệt rầy nâu cho thấy rất thành công. Ưu điểm lớn nhất là chi phí thấp hơn so với dùng thuốc hóa học. Biện pháp này giảm bớt độc hại, giữ gìn sức khỏe cho nông dân và có ích cho môi trường đồng ruộng. Tiện ích hơn, sử dụng nấm xanh, nông dân chỉ cần phun 2 lần/vụ, thay vì phải phun thuốc hóa học nhiều lần cho cả vụ lúa. Đặc biệt, nấm xanh không gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái, con người.

Ông Nguyễn Thu Hồ, ở ấp Bình Trung, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, cho biết: “Được cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đến chuyển giao mô hình sử dụng nấm xanh giúp ruộng nhà tôi diệt trừ đến 80% lượng rầy nâu mà không phải tốn chi phí mua thuốc hóa học. Nhẩm tính, dùng nấm xanh giúp tôi tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng/lần/ha”. Còn ông Trần Văn Lợi, ở cùng ấp Bình Trung, cho hay: “Lúc đầu nghe nói sử dụng nấm xanh trừ rầy tôi thấy hơi lo. Tuy nhiên, nhìn bà con khác phun hiệu quả thì mới tin. Tuy rầy không chết ngay như thuốc hóa học, nhưng do nấm ký sinh làm chúng nhiễm mà chết dù không phun thêm sau đó. Do đó, tôi quyết định sử dụng nấm xanh vào vụ lúa Đông xuân năm nay”.

Mô hình nuôi cấy nấm xanh đã góp phần rất lớn trong canh tác lúa, bởi tác dụng an toàn, không độc hại cho thiên địch cũng như con người, giảm ô nhiễm môi trường. Qua thực tế còn ghi nhận thành công lớn của mô hình là tạo chuyển biến trong nhận thức của nông dân và hình thành cộng đồng cùng nhau hợp tác sử dụng chế phẩm vi sinh vì một nền nông nghiệp bền vững, an toàn.

Tính đến nay, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã hỗ trợ 2.000 đĩa nấm và 10.000 bịch thành phẩm nấm xanh cho nông dân giúp quản lý 2.000ha lúa, phòng trừ rầy nâu hại lúa ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp.

Báo Hâu Giang (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ