Nghiên cứu KH-CN: Ứng dụng nhiều đề tài, dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, Sở KH-CN đã tổ chức đầu tư, hỗ trợ và nghiệm thu nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, nổi bật là các đề tài, dự án nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Qua ứng dụng đã giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng và góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình trồng ngò lấy hạt của nông
dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Lâm Hỷ
Năm 2014, Sở KH-CN đã tổ chức Hội
đồng nghiệm thu hơn 20 đề tài, dự án cơ sở chủ yếu tập trung ở lĩnh vực sản
xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Các đề tài, dự án như: “Ứng dụng
chuyển giao quy trình nuôi lươn thương phẩm trong bể bạc ở huyện Hồng Dân”;
“Chuyển giao ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá chình bông bán công nghiệp
trong ao đất tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân”; Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết
hợp trong điều kiện cấp nước không chủ động ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của huyện Giá
Rai”; “Xây dựng mô hình trồng nấm linh chi tại huyện Đông Hải”; “Xây dựng mô
hình nuôi cua đinh sinh sản và thương phẩm ở tỉnh Bạc Liêu”; “Xây dựng mô hình
nuôi nhím sinh sản quy mô hộ gia đình tại TP. Bạc Liêu”; “Ứng dụng mô hình nuôi
tôm càng xanh công nghiệp tại TP. Bạc Liêu”... So với những năm trước đây, các
đề tài, dự án năm nay sát với thực tiễn và góp phần giải quyết các khó khăn do
sản xuất đặt ra.
Kinh phí cấp cho mỗi Hội đồng KH-CN
huyện là 120 triệu đồng. Hầu hết các huyện đều sử dụng đúng mục đích. Ngoài
nguồn kinh phí được cấp hàng năm, Hội đồng KH-CN ở một số huyện còn tranh thủ thêm
các nguồn vốn đầu tư khác (vốn xây dựng nông thôn mới dùng để hỗ trợ phát triển
sản xuất, vốn vay của quỹ Hỗ trợ Hội Nông dân Trung ương...) để đầu tư ứng dụng
tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Đơn cử như huyện Đông Hải đã tận
dụng nguồn vốn từ xây dựng nông thôn mới dùng để hỗ trợ phát triển sản xuất,
nguồn vốn vay của quỹ Hỗ trợ Hội Nông dân Trung ương triển khai thêm 2 mô hình
và 2 dự án sản xuất thử nghiệm tại địa phương. Riêng mô hình nuôi tôm quảng
canh cải tiến kết hợp sử dụng vi sinh được triển khai thực hiện tại xã Định
Thành và Long Điền Tây, có quy mô sản xuất 260ha, có 134 hộ tham gia thực hiện
cho lợi nhuận rất cao (năng suất bình quân đạt 218kg/ha/vụ, lợi nhuận đạt trên
30 - 65 triệu đồng/ha/vụ). Qua thống kê so sánh, năng suất của các hộ thực hiện
mô hình cao hơn năng suất của các hộ nuôi không tham gia mô hình trung bình từ
30 - 50 kg/ha/vụ. Đây là mô hình sẽ được nhân rộng ở các xã trên địa bàn huyện.
Đối với TP. Bạc Liêu, ngoài việc
thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, còn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư
triển khai thực hiện 17 lớp tập huấn chuyên đề (kỹ thuật nuôi lươn không bùn,
nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá bống mú, nuôi cua, trồng dưa hấu, trồng măng
tây và 3 lớp đào tạo nghề nông thôn về kỹ thuật nuôi heo, nuôi cua và nuôi gà tại
phường 2, phường Nhà Mát và xã Hiệp Thành) giúp người dân các phường, xã nắm rõ
các kỹ thuật về nuôi trồng, trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Bên cạnh dó, Hội đồng KH-CN thành phố còn triển khai thực hiện dự án giống nhãn
mới cho nông dân…
Tiếp tục phát huy thế mạnh trong sản
xuất nông nghiệp, năm 2015, Sở KH-CN sẽ triển khai nhiều đề tài, dự án phục vụ
phát triển nông nghiệp gắn với thực hiện tốt Quyết định số 156/QĐ-UBND của UBND
tỉnh về thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị
gia tăng và phát triển bền vững.
Đẩy mạnh việc ứng dụng KH-CN vào sản
xuất, năm 2015 Sở KH-CN sẽ đầu tư và phát triển các đề tài, dự án như: Xây
dựng làng nghề trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu ở vùng ngọt hóa tỉnh
Bạc Liêu; Xây dựng mô hình trồng hoa lan, nuôi cá kiểng với ứng dụng công
nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Xây dựng mô hình tuyên truyền và ứng
dụng chế phẩm sinh học EM sản xuất tại địa phương nhằm phục vụ sản xuất nông
nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Nhân rộng mô hình xử lý nước sinh hoạt bằng
công nghệ lọc nước khử phèn công suất vừa và nhỏ (bằng vật liệu sản xuất tại
địa phương) cho vùng nông thôn tỉnh Bạc Liêu; Ứng dụng công nghệ hầm ủ biogas
composite tạo khí đốt và bảo vệ môi trường sinh thái trong chăn nuôi tập trung
và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Đào tạo, nâng cao trình độ
nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ứng dụng và chuyển giao KH-CN...
|