SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải bài toán kinh phí cho các cuộc thi sáng tạo KHCN

[04/09/2015 08:06]

Dù được sự quan tâm từ phía lãnh đạo và chính quyền địa phương, nhưng trên thực tế, các cuộc thi sáng tạo KHCN vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hấp dẫn.

Thành quả sáng tạo KHCN tại các địa phương 

Là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, với vị trí địa lý thuận lợi và thu hút nhiều vốn đầu tư FDI, trong những năm qua, Bình Dương luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế khá (tăng trung bình 13%/ năm) dù nền kinh tế thế giới liên tục bị suy giảm.

Theo ông Đoàn Công Trang, Quyền Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Bình Dương, chính sự phát triển về kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi và có tác động tích cực đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo và KHCN. Các dự án đầu tư nước ngoài đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực về quản lý và công nghệ, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp của Tỉnh cũng đang phát triển theo hướng ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu công nghệ cao.

Với mục tiêu trở thành một tỉnh phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020, Thành ủy, UBND Tỉnh đã ban hành các văn bản, chính sách về phát triển KHCN. Đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng hàng năm.

Theo thống kê, trong 5 cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, nhi đồng gần nhất do Liên hiệp Hội tỉnh Bình Dương tổ chức, đã có hơn 3.100 sản phẩm của học sinh các cấp tham dự. Nhiều sản phẩm đã đạt giải thưởng cấp quốc gia và được đưa đi tranh tài ở các cuộc thi quốc tế.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm  2006 đến nay, Liên hiệp Hội phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ đã tổ chức 4 lần hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp Tỉnh. Thu hút được 331 giải pháp sáng tạo tham gia trên các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng…

Trong đó, nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả kinh tế như giải pháp nâng cao công suất, chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã của sản phẩm gạch Ceramic, giải pháp cải tiến lò nung Nassetti Asia nhằm tiết kiệm nhiệt năng, điện năng và giảm thải khí nóng ra môi trường trong quá trình vận hành…

Là địa phương đi đầu cả nước trong việc hưởng ứng hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, từ năm 1990 đến nay, trải qua 22 lần tổ chức, TP.HCM đã thu hút được hơn 3.500 giải pháp tham gia dự thi. Nhiều giải pháp như “Áo phao cứu sinh đa năng”, “màng trị bỏng Acetul”… đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao và được nhiều doanh nghiệp đồng ý hỗ trợ để đưa vào sản xuất.

Năm 2008, TP.HCM cũng đã phát động phong trào Giải thưởng Sáng chế. Với giải thưởng này, TP đã trở thành địa phương đi đầu trong việc đăng ký bảo hộ sáng chế, một bước đi đúng đắn trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học.

Theo ông Phan Minh Tân, Chủ tịch Liên hiệp Hội TP.HCM, trong giai đoạn 2011 – 2013, TP đã có 558 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, chiếm gần 31% lượng đơn đăng ký của cả nước.

Cần thay đổi quy chế giải thưởng KHCN

Dù đã được triển khai một cách sâu rộng tại nhiều địa phương, nhưng trên thực tế, phong trào hưởng ứng các cuộc thi sáng tạo KHCN hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai vào thực tế.

Theo đại diện Liên hiệp Hội Cần Thơ, hiện nay, định mức chi trong Thông tư hướng dẫn về chế độ tài chính cho Hội thi sáng tạo kỹ thuật đã không còn phù hợp với diễn biến thị trường. “Giải thưởng quá thấp khiến cho nhiều cá nhân, tổ chức không quá mặn mà khi đem sản phẩm tham dự các cuộc thi, bởi quá trình xét duyệt, phản biện đề tài thường tốn rất nhiều thời gian. Nhiều lúc, chúng tôi muốn tăng giá trị giải thưởng lên nhưng vướng phải quy định mức chi của Nhà nước, trong khi kêu gọi tài trợ thì cũng chẳng phải dễ dàng gì”.

Vị này cũng cho biết, dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nhưng những cuộc thi sáng tạo KHCN dường như vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dân. “Tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng, khi triển khai vào các trường học, không ít trường hợp chỉ tham gia cho có để lấy thành tích chứ chưa thực sự mặn mà triển khai đến cho các em học sinh. Điều này tất yếu dẫn tới việc chất lượng các đề tài nghiên cứu không cao, lặp đi lặp lại qua nhiều năm mà không có gì mới mẻ”.

Chia sẻ về những khó khăn của địa phương mình, ông Đoàn Công Trang cũng cho biết, tại hầu hết các cuộc thi sáng tạo KHCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thành viên BTC đều là người kiêm nhiệm. Điều này đã ảnh hưởng khá lớn đến công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến hội thi. Từ đó, dẫn tới việc Số lượng các giải pháp tham dự chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và vùng.

Một khó khăn khác cũng được các tỉnh đưa ra, đó là việc những đề tài đạt giải chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía BTC hoặc các cơ quan chức năng để mở rộng, phát triển thêm. Điều này khiến cho nhiều đề tài hay, độc đáo bị “chết yểu” do thiếu vốn hoặc công nghệ. Với các học sinh đoạt giải trong các cuộc thi sáng tạo KHCN, việc chưa có chế độ cộng điểm ưu tiên như các cuộc thi học sinh giỏi cũng làm cho các em không quá hứng thú khi tham gia.

www.khampha.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài