Bảo đảm môi trường có tính “nghiên cứu liên tục”
Từ thực tiễn xây dựng một đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học - Viện Tiên tiến KH&CN (AIST), trường Đại học Bách khoa Hà Nội – một đơn vị trong thời gian hơn năm năm vừa qua đã tiếp nhận nhiều cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài về công tác, trong bài viết này tôi mong muốn chia sẻ một số suy nghĩ về những thuận lợi, khó khăn và những giải pháp trong công tác thu hút, tuyển dụng và phát huy khả năng của các cán bộ khoa học.
Trong những năm qua, một lượng khá lớn sinh viên, nghiên cứu
sinh Việt Nam đã có cơ hội du học, được đào tạo tại nhiều trường đại học quốc
tế có uy tín ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Không chỉ dừng ở các bậc học
thạc sỹ, và nghiên cứu sinh tiến sỹ, nhiều sinh viên trẻ sau khi nhận bằng tiến
sỹ bằng kiến thức và khả năng xuất sắc của mình đã tiếp tục tìm được tài trợ
nghiên cứu sau tiến sỹ, hoặc được tiếp nhận làm cán bộ nghiên cứu, phát triển
công nghệ tại các tập đoàn công nghiệp lớn, qua đó có cơ hội tiếp cận những
công nghệ mới nhất của thế giới. Sau một thời gian đủ dài, cho đến nay, nhiều
trong số cán bộ khoa học này đang tìm kiếm cơ hội trở về công tác tại các
trường đại học, viện nghiên cứu trong nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể
thu hút và tạo được các điều kiện phù hợp để các cán bộ khoa học trình độ cao
này phát huy được kinh nghiệm, trình độ, khả năng của họ, góp phần nâng cao
năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những yếu tố thuận lợi
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã tăng đáng
kể đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng trang thiết bị nghiên cứu cho các viện
nghiên cứu, trường đại học – các cơ sở mạnh về nghiên cứu cơ bản, và ứng dụng.
Trong nước đã hình thành nên một số đơn vị nghiên cứu, các phòng thí nghiệm đầu
tư tập trung và trọng điểm có cơ sở vật chất và trang thiết bị tiếp cận với
trình độ khu vực và thế giới, đây chính là yếu tố thuận lợi đầu tiên cho các
cán bộ khoa học về nước công tác.
Việc
đưa mô hình tài trợ nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoc) vào các nhiệm vụ khoa học
lớn và giao quyền quyết định tiếp nhận các nhà khoa học trẻ cho trưởng nhóm
nghiên cứu là hết sức cần thiết.
|
Nhiều chính sách đổi mới về quản lý nhà nước về KH&CN do
Bộ KH&CN đề xuất, xây dựng đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua như Luật
KH&CN 2013, trong đó có nhiều chính sách đổi mới về phương thức đầu tư, cơ
chế cấp tài chính cho các đề tài, dự án, đến chính sách trọng dụng nhân lực và
nhất là sự ra đời của Quỹ Phát triển KH&CN (NAFOSTED), trong đó có sự thay
đổi căn bản trong phương thức xét chọn và đánh giá (dựa trên năng lực công bố
quốc tế), đã tạo nên một kênh tài trợ hiệu quả cho các cán bộ khoa học trẻ,
những người có lý lịch khoa học tốt.
Các viện nghiên cứu, trường đại học trong phạm vi tự chủ và
định hướng phát triển thành các đại học nghiên cứu của mình, đã có nhiều giải
pháp cụ thể để phát triển hoạt động nghiên cứu. Cụ thể là các chính sách ưu
tiên trong tuyển dụng nhằm thu hút các cán bộ trẻ có trình độ cao về làm giảng
viên; Các chính sách ưu tiên cho các cán bộ trẻ trong việc đăng ký thực hiện
các đề tài nghiên cứu các cấp. Chính sách khen thưởng tác giả các công trình
khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế (SCI), cũng như các các đề
tài nghiên cứu ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang hội nhập sâu rộng vào
nền kinh tế khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước để tồn tại phải
cạnh tranh và cạnh tranh thành công với các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc
gia không chỉ có tiềm lực tài chính mạnh mà còn có nhiều ưu thế về thương hiệu,
trình độ quản lý cũng như nền tảng khoa học công nghệ cao của sản phẩm. Chính
vì vậy, việc đầu tư phát triển KH&CN nhằm tăng cường nội lực và xây dựng
những giá trị cốt lõi cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt đang trở nên hết sức
cấp bách, và do đó rất cần nguồn nhân lực, cán bộ khoa học, công nghệ có trình
độ và kinh nghiệm làm việc quốc tế.
Những giải pháp
Những yếu tố thuận lợi như trên, bước đầu đã là tiền đề tốt
để thu hút các cán bộ khoa học trẻ quyết định về nước công tác, tuy nhiên để có
thể tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học đủ mạnh, có chuyên môn phù hợp và
phát huy được khả năng của họ nhằm xây dựng và giải quyết được những nhiệm vụ
khoa học, công nghệ lớn, lại là một bài toán mà để giải quyết được, cần có sự
nỗ lực của không chỉ những cán bộ khoa học, mà còn của cả các nhà quản lý, lãnh
đạo các tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu và trường đại học.
Trước hết, sự khác biệt về điều kiện và môi trường nghiên
cứu trong nước và quốc tế là một rào cản lớn đối với các cán bộ khoa học đã
công tác nhiều năm ở nước ngoài, dẫn tới họ thường gặp rất nhiều khó khăn trong
năm công tác đầu tiên khi cần phải học “cách bắt đầu” để khởi tạo những hướng
nghiên cứu mới trong nước. Để gỡ bỏ rào cản này, ngoài việc xây dựng môi trường
nghiên cứu chuyên nghiệp, hình thành các nhóm nghiên cứu có định hướng, mục
tiêu cụ thể, có sự chia sẻ, hỗ trợ của đồng nghiệp, cộng với quyết tâm của
chính các nhà khoa học trẻ mới sẽ giúp họ nhanh chóng hoà nhập và tự tin phát
huy khả năng của mình. Thực tế cho thấy, nếu đơn vị có thể tạo ra một môi
trường đảm bảo tính “nghiên cứu liên tục” cho các cán bộ mới, họ sẽ nhanh chóng
vượt qua được rào cản này, và nhiều cán bộ đã có thể có những công trình công
bố trên tạp chí SCI những kết quả nghiên cứu trong nước trong thời gian ít hơn
một năm.
Cần
xây dựng được môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, hình thành các nhóm nghiên
cứu có định hướng, mục tiêu cụ thể, có sự chia sẻ, hỗ trợ của đồng nghiệp, cộng
với quyết tâm của chính các nhà khoa học trẻ mới sẽ giúp họ nhanh chóng hòa
nhập và tự tin phát huy khả năng của mình.
|
Trong mô hình các tổ chức nghiên cứu hiện tại, do còn có
nhiều ràng buộc vấn đề tổ chức, quản lý nhân sự, cũng như hạn chế về tiềm lực
tài chính, người lãnh đạo/trưởng nhóm nghiên cứu khó có thể đưa ra những quyết
định ngay lập tức (đủ quyết liệt, đủ nhanh) để giữ chân các nhà khoa học trẻ
tài năng làm việc trong đơn vị/nhóm của mình hoặc chưa thể chủ động tạo được
những điều kiện cần thiết cho họ khởi tạo hướng nghiên cứu mới. Điều này dẫn
tới luôn tồn tại một thời gian trễ khá dài giữa thời điểm tiếp nhận cán bộ và
thời điểm cán bộ này thực sự có thể khởi động hướng nghiên cứu của riêng mình.
Khoảng thời gian trễ càng dài, sẽ ảnh hưởng tới nhiệt tình và thói quen nghiên
cứu liên tục của những cán bộ khoa học trẻ, dẫn tới họ càng khó hoà nhập vào
môi trường nghiên cứu trong nước và khó phát huy được khả năng của mình. Để
giải quyết vấn đề này, việc đưa mô hình tài trợ nghiên cứu sau tiến sỹ
(postdoc) vào các nhiệm vụ khoa học lớn và giao quyền quyết định tiếp nhận các
nhà khoa học trẻ cho trưởng nhóm nghiên cứu là hết sức cần thiết. Các tài trợ
từ Quỹ NAFOSTED cho các ý tưởng, đề xuất nghiên cứu xuất sắc sẽ thực hiện trong
nước của các cán bộ khoa học ngay từ khi họ đang ở nước ngoài cũng sẽ là cầu
nối đưa họ trở về và gắn kết với các trường đại học, viện nghiên cứu trong
nước.
Khi quyết định trở về nước làm việc trong môi trường giảng
dạy và nghiên cứu, các cán bộ trẻ của chúng ta đã xác định sẽ phải đối mặt với
những khó khăn về kinh tế và thu nhập thấp. Thực tế, với thu nhập khởi điểm của
một tiến sĩ chỉ khoảng vài triệu đồng/tháng, trong nhiều trường hợp đã trở thành
những khó khăn không thể vượt qua đối với không ít cán bộ trẻ. Chính vì vậy, sự
hỗ trợ về tài chính ngoài lương từ các nguồn kinh phí của đơn vị chủ quản hay
từ các nhiệm vụ nghiên cứu đang thực hiện tại thời điểm ban đầu là cần thiết và
điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của các lãnh đạo đơn vị khoa học.
Để giải quyết những nhiệm vụ khoa học lớn, quan trọng, chúng
ta cần xây dựng được những nhóm cán bộ nghiên cứu khoa học mạnh. Để làm được
điều này, vai trò của tổng công trình sư, trưởng nhóm nghiên cứu trong việc chủ
động tìm kiếm, lựa chọn nhân sự, tiếp nhận và tiếp sức cho đội ngũ cán bộ
nghiên cứu trẻ có ý tưởng và chuyên môn phù hợp là yếu tố “cần” và hết sức quan
trọng.
Một số dữ kiện về Viện Tiên tiến
KH&CN (AIST)
Thành lập hoàn toàn mới năm 2007,
với đội ngũ cán bộ ban đầu gồm hai tiến sĩ. Trong năm năm sau đó 2009-2014 đã
tiếp nhận 23 cán bộ khoa học có trình độ tiến sỹ từ nước ngoài về công tác
tại Viện. Số công trình công bố trên các tạp chí SCI tăng từ sáu bài năm học
2008-2009 lên 27 bài năm học 2014-2015. Trong năm năm 2010-2015, có tổng giá
trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và nghiên cứu thử nghiệm cho doanh
nghiệp đạt khoảng 10 tỷ đồng. Một số sản phẩm nghiên cứu đã được thương mại
hóa ở quy mô công nghiệp và có mặt trong các sản phẩm xuất khẩu chất lượng
cao.
|