Tự chủ tài chính: Tăng sức cạnh tranh cho KHCN Việt
Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động, nghiên cứu KHCN, xu hướng tất yếu đối với các tổ chức KHCN công lập là chuyển đổi sang mô hình tự chủ tài chính.
Xu hướng tất yếu
Trước thời kỳ đổi mới năm 1986, KHCN Việt Nam hoàn toàn
đi theo theo cơ chế bao cấp.
Theo ThS. Nguyễn Chi Mai, Bộ môn Quản lý tài chính công,
Học viên Hành chính Quốc gia TP.HCM, không thể phủ nhận, nhờ có rất nhiều
nghiên cứu thời kỳ này mà nước ta đã có những chiến thắng vang dội trong chiến
tranh, những tiến bộ vượt bậc về kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tư nhân
không đủ sức đầu tư cho KHCN. Nguyên nhân xuất phát từ việc không có vốn, năng
lực và thiết bị để nghiên cứu, cũng như không có cơ chế khuyến khích phù hợp.
Vì vậy đã nảy sinh những cản trở rất lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng KHCN vào
đời sống, cũng như còn thiếu cơ chế thúc đẩy hiệu quả, quyết tâm trong công tác
nghiên cứu...
Trong quá trình hội nhập quốc tế, KHCN là yếu tố then chốt,
quyết định khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế đối với một quốc gia.
Để các đơn vị KHCN có thể phát triển bền vững,
tăng khả năng cạnh tranh, việc xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm
được coi là nhiệm vụ bắt buộc trong phát triển các tổ chức KHCN công lập tại Việt
Nam.
Năm 2005, Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ ra đời,
quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KHCN công lập
đã đánh dấu sự thay đổi vượt bậc của nền KHCN nước nhà. Theo đó, phân loại đơn
vị KHCN ra thành 3 loại: đơn vị nghiên cứu KHCN cơ bản, nghiên cứu chiến lược
chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành, phục vụ quản lý nhà nước;
Tổ chức KHCN tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên và Doanh nghiệp
KHCN.
Tính đến ngày 31/12/2014, trong tổng số 642 tổ chức KHCN
công lập, đã có 488 tổ chức được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ tài
chính, 100% tổ chức KHCN đã được tự chủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN
hàng năm.
Kết quả, nhiều đơn vị đã đạt được doanh thu khá lớn từ
các hợp đồng nghiên cứu triển khai và dịch vụ KHCN như: Viện Dầu khí Việt Nam
(601 tỷ đồng), Viện May và Dụng cụ công nghiệp (712 tỷ đồng), Viện Nghiên cứu
cơ khí (680 tỷ đồng)… Thu nhập của cán bộ công nhân viên ở đây cũng cao hơn rất
nhiều so với mức lương tối thiểu được Nhà nước quy định.
Theo TS.Mai Đình Lâm, Bộ môn Quản lý tài chính công, Học
viên Hành chính Quốc gia TP.HCM, nhờ tự chủ về tài chính, các tổ chức KHCN
được giao quyền nhiều hơn trong việc chi lương, hoạt động bộ máy và sử dụng những
nguồn thu khác từ hợp đồng hợp tác về KHCN với nhiều tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước. “Đây chính là động lực rất lớn để các đơn vị này chú
trọng phát triển nhiệm vụ, công việc được giao. Bởi chỉ có tạo dựng được thương
hiệu, vị thế của mình thì mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường, mới
kiếm ra tiền để nuôi bộ máy hoạt động khi không còn nhận được sự giúp đỡ từ Nhà
nước”.
Chưa thực sự đi vào đời
sống
Dù được đánh giá là một bước thay đổi lớn, nhưng tại Hội
nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của
các tổ chức KHCN công lập ngày 6/3/2015 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi
trường của Quốc hội phối hợp với Bộ KHCN thực hiện, thì cơ chế này vẫn chưa thực
sự đi vào cuộc sống và có phần chậm trễ, chưa phát huy đúng hiệu quả đã được kỳ
vọng.
Một số Bộ, Ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt xong đề án,
nên nhiều tổ chức KHCN công lập trực thuộc vẫn đang hoạt động dựa trên nguồn
kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Tất yếu, việc huy động các nguồn
kinh phí ngoài ngân sách chưa thực hiện tốt, dẫn đến việc thương mại hóa sản phẩm
KHCN còn hạn chế.
Một nguyên nhân khác làm giảm hiệu quả của cơ chế tự
chủ tài chính là trình độ cán bộ KHCN. Trong khi nguồn nhân lực trình độ cao tập
trung ở Trung ương và các TP lớn, thì ở các địa phương, nguồn lực này vẫn còn
thiếu và yếu. Đãi ngộ cho đội ngũ KHCN cũng chưa tương xứng với khả năng của họ, cơ
chế sử dụng cán bộ chưa đúng người đúng việc nên hiện tượng chảy máu chất
xám ra nước ngoài hay ra khu vực tư nhân và ngành nghề khác vẫn đang tiếp
diễn.
Theo TS. Mai Đình Lâm, hiện nay, các tổ chức KHCN cũng
đang gặp khó khăn, vướng mắc do thiếu sự đồng bộ, mâu thuẫn của các quy định
trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.
Cụ thể, Nghị định 115 cho phép tổ chức KHCN công lập được
dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh,
thế chấp vay vốn ngân hàng. Nhưng trên thực tế không thực hiện được, vì theo
quy định của Luật Đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không có quyền thế
chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.