Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học phát triển
Ngày 11/9/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức buổi Lễ gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015. Đây là năm đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức sự kiện này.
Toàn cảnh buổi Lễ gặp mặt các nhà khoa
học trẻ tiêu biểu năm 2015
Tham dự sự kiện về phía khách mời, có đồng chí Nguyễn Tấn
Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy
viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM; đồng chí Nguyễn Đắc
Vinh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh; đại diện lãnh đạo và cán bộ của các Bộ, ngành ở Trung ương, và địa
phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các cơ quan thông
tấn báo chí.
Về phía Bộ KH&CN, có đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên
Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Hoàng Văn Phong, Phái viên của
Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc
gia; các đồng chí Lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo, cán bộ của các cơ
quan trực thuộc Bộ. Đặc biệt, có gần 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu trên cả nước
thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã
hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
phát biểu tại buổi Lễ |
Buổi gặp mặt đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Lãnh
đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ KH&CN đối với các nhà khoa học trẻ - tương lai của
nền KH&CN Việt Nam cũng như tương lai của nước nhà trong thời đại hội nhập,
cạnh tranh. Là dịp để các nhà khoa học trẻ báo cáo kết quả hoạt động, thành
tựu nghiên cứu của mình, đồng thời cũng kiến nghị với Chính phủ những cơ chế,
chính sách phù hợp để họ có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước và cho nền khoa
học.
Nhà khoa học trẻ - tương
lai của nền KH&CN nước nhà
Gần 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu tham dự buổi gặp mặt
hôm nay đại diện cho hàng nghìn tài năng khoa học trẻ ở trong và ngoài nước. Họ
đều là những cá nhân có thành tích KH&CN xuất sắc. Dù xuất phát điểm và
lĩnh vực hoạt động khác nhau, được tham gia chủ trì những công trình khoa học lớn,
có nhiều bài báo khoa học được công bố quốc tế, nhiều sáng chế có giá trị ứng dụng
cao được bảo hộ trong và ngoài nước, đạt các giải thưởng KH&CN danh giá
trong nước và quốc tế hay là người quản lý, điều hành thành công doanh nghiệp
khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thị trường, các nhà khoa học trẻ tiêu biểu đều
có một điểm chung là ý thức dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học đầy
thách thức và gian khó, dùng thực tài và lao động trí tuệ nghiêm túc, bền bỉ để
vươn tới các thang giá trị cao trong nghề nghiệp, mang lại lợi ích lớn cho cộng
đồng và xã hội.
Có thể kể đến nhiều gương mặt trẻ có thành tích rất xuất
sắc như Tiến sỹ Trần Hà Liên Phương, công tác tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ
Chí Minh- người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng L'oreal-UNESCO, vinh danh ở
hạng mục Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế; Kỹ sư Phạm Gia Vinh- người đã
nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy bay không người lái, hiện đang triển
khai thử nghiệm khí cụ bay không người lái tầng bình lưu (cao 30km - 50km); Kỹ
sư Lê Văn Huyên với 11 sáng kiến, giải pháp giúp Tổng công ty Viễn thông
Mobifone tiết kiệm 25 tỷ đồng chi phí đầu tư; ThS. Lưu Mạnh Hà- người đã có 25
sáng kiến ý tưởng được công nhận, làm lợi cho Tập đoàn Viettel 202 tỷ đồng…
Tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học trẻ đã báo cáo với Thủ
tướng những kết quả nghiên cứu đã triển khai, ứng dụng vào thực tế có hiệu quả
cũng như những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bày tỏ
tâm tư, nguyện vọng, đề xuất nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách phù hợp để tạo
điều kiện cho KH&CN phát triển, để giới trẻ có thể đóng góp nhiều hơn nữa
cho đất nước và nền KH&CN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN
Nguyễn Quân phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
cho biết, trong điều kiện khó khăn của một quốc gia đang phát triển có thu nhập
trung bình thấp, lực lượng khoa học Việt Nam đã có thể thiết kế chế tạo thành
công thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn; giàn
khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước; phát triển công nghệ khai thác dầu trong đá
móng; các giống lúa mới năng suất cao; khai thác vệ tinh viễn thông; làm chủ
công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường
cao tốc; ghép tạng và sản xuất vắcxin; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ
bức xạ hiệu quả trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp. Khoa học cơ bản trong
lĩnh vực thế mạnh như toán, vật lý lý thuyết đạt thứ hạng cao trong ASEAN, góp
nhiều gương mặt khoa học có uy tín trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
KH&CN Việt Nam có được kết quả đáng tự hào nói trên
là nhờ phần đóng góp quan trọng của lực lượng khoa học trẻ. Với tài năng, sức mạnh
của tuổi trẻ, nhiệt huyết và đam mê nghiên cứu sáng tạo, đội ngũ các nhà khoa học
trẻ đã trở thành lực lượng tiên phong trong tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên
tiến của thế giới, tiếp cận các phương pháp nghiên cứu hiện đại, phát triển hướng
nghiên cứu mới; là đội ngũ năng động nhất trong hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo
ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và xã hội, Bộ trưởng
nhấn mạnh.
Tạo mọi điều kiện thuận
lợi nhất để nhà khoa học trẻ phát triển
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ KH&CN luôn ý thức rất
rõ trách nhiệm của mình trong việc khuyến khích, phát huy, trọng dụng và phát
triển nguồn tiềm năng quý giá của lực lượng cán bộ khoa học, trong đó có lực lượng
cán bộ trẻ để phục vụ có hiệu quả nhất cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội
đất nước. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian qua là việc tham
mưu giúp Chính phủ xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách tạo điều kiện
thuận lợi cho KH&CN phát triển, đặc biệt là chính sách thu hút và trọng dụng
các nhà khoa học và nhà khoa học trẻ tài năng. Đồng thời, luôn nỗ lực đổi mới
quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và mở ra nhiều cơ hội
cho các nhà khoa học trẻ. Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) được Bộ
vận hành từ năm 2008 đã tập trung tài trợ nghiên cứu theo đề xuất của các nhà
khoa học, trong đó ưu tiên các nhà khoa học trẻ triển khai nhiệm vụ nghiên cứu
cơ bản, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Số
nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu được Quỹ tài trợ tăng nhanh từ
5% năm 2009 lên 60 - 70% năm 2014; công trình được công bố trên các tạp chí quốc
tế uy tín tăng 30% mỗi năm, chiếm 25% tổng số các công bố quốc tế có nguồn gốc
Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực triển khai nhiều chương
trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, như Đề án Thương mại hóa
công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo
Việt Nam - Phần Lan,… Các nỗ lực chính sách nói trên không gì khác ngoài mục
đích mang lại cho các nhà khoa học và nhà khoa học trẻ nước ta môi trường và điều
kiện làm việc thuận lợi nhất. Từ đó, giúp các nhà khoa học tin tưởng, an tâm
lao động sáng tạo, đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp chung.
“Tương lai của nền KH&CN nước nhà phụ thuộc vào lực
lượng trẻ tài năng với các đại diện tiêu biểu có mặt tại cuộc gặp gỡ hôm nay.
Mong các bạn, các nhà khoa học trẻ sẽ không dừng lại ở các thành công ban đầu
này mà tiếp tục nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, hợp tác và đoàn kết hơn để quy tụ và
nhân lên gấp bội tiềm năng trí tuệ của lực lượng khoa học Việt Nam, để đóng góp
mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước, xứng đáng với sự
trân trọng và niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho mình”, Bộ trưởng
chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu mà các nhà khoa học trẻ đã đem lại cho
đất nước. Đồng thời ghi nhận những tâm tư, trăn trở với nghề của đội ngũ nhà
khoa học trẻ. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao Bộ KH&CN đã tổ chức
buổi gặp mặt đầu tiên rất có ý nghĩa này và gửi lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp
nhất đến nhà khoa học.
Theo Thủ tướng, trong suốt bề dày lịch sử, dân tộc ta
luôn trân trọng và khẳng định “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong điều kiện
kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng
để đầu tư phát triển, nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia. Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo
mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhất là đội ngũ các nhà khoa học
trẻ phát triển tài năng, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng
Nguyễn Quân và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học trẻ |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các
nhà khoa học trẻ Việt Nam về những nỗ lực, thành tích đã đạt được và mong muốn
các bạn bằng tài năng và niềm đam mê, tiếp tục theo đuổi hoài bão nghiên cứu,
sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, địa
phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp quán triệt thực hiện
Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN; cần có cơ chế, chính sách, giải
pháp thiết thực, hiệu quả tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ các nhà
khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ. Cụ thể, tiếp tục rà soát, hoàn thiện,
triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, trọng
dụng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ, gắn liền chính sách đào tạo
các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ các nhà khoa học trẻ. Tạo mọi điều kiện
thuận lợi để các nhà khoa học trẻ được tiếp cận, hỗ trợ từ các quỹ KH&CN,
được tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình, đề án KH&CN của
các cơ quan nhà nước. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích đầu tư, chính
sách tài chính, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển
doanh nghiệp KH&CN, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng KH&CN,...
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN, chú trọng
đào tạo các nhà khoa học trẻ, thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên,
nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia KH&CN học tập và làm việc ở nước
ngoài tham gia các hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam; thực hiện các hoạt
động ươm tạo công nghệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp,
doanh nghiệp KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa nhanh những lĩnh vực
KH&CN chúng ta có tiềm năng, thế mạnh để trở thành những lĩnh vực, những sản
phẩm mũi nhọn quốc gia cạnh tranh mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế;
có hình thức khen thưởng, tôn vinh xứng đáng, kịp thời đối với các nhà khoa học
trẻ đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ; chú trọng bồi
dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến về nghiên cứu sáng tạo của tuổi
trẻ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức,
khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, đổi mới sáng tạo KH&CN, nhất
là trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Tương lai của nền KH&CN nước nhà thuộc về các nhà
khoa học trẻ hôm nay. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn mong muốn và đặt tất cả niềm
tin vào thế hệ trẻ, vào các nhà khoa học trẻ trong sự nghiệp phát triển và bảo
vệ Tổ quốc. Đồng thời, luôn tin tưởng rằng, cùng với lực lượng KH&CN của cả
nước, các nhà khoa học trẻ phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt
được, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh
thần tự tôn dân tộc, không ngừng phấn đấu, vượt lên chính mình sánh vai với bạn
bè trên thế giới. Từ đó, đạt được nhiều kết quả hơn nữa để KH&CN đóng góp
ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tiến cùng thời đại, sánh vai với các
cường quốc năm châu. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không có KH&CN tiên tiến, hiện
đại và nguồn nhân lực chất lượng cao thì sẽ không thực hiện được mục tiêu
thiêng liêng, cao cả đó. Chính phủ sẽ làm hết sức mình với trách nhiệm cao nhất
để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn
nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh mẽ KH&CN, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 11/9, Lãnh đạo Bộ KH&CN và các nhà
khoa học trẻ sẽ có chuyến thăm và làm việc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc,
Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Hòa Lạc, Công ty liên doanh Việt - Hàn
sản xuất thiết bị y tế, Trường Đại học FPT, Làng Phần mềm FPT (F-Ville)
- Dự án phần mềm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.