SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khó khăn từ quy trình ngược

[12/10/2015 10:16]

Việc quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của nhà nước, tập trung nguồn lực cho những tổ chức có năng lực nghiên cứu hoặc các lĩnh vực KH&CN trọng điểm, xóa bỏ tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, chúng ta đang tiến hành xây dựng quy hoạch theo một quy trình ngược, khó tránh khỏi sức ỳ và lực cản rất lớn từ hệ thống hiện hành, vì vậy sẽ cần một quyết tâm chính trị thực sự mạnh mẽ từ cấp cao nhất.

Hiện nay, hệ thống tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam khá cồng kềnh với hơn 1.000 thành viên – bao gồm các đơn vị trực thuộc bộ ngành, địa phương trên toàn quốc và tồn tại dưới nhiều hình thức như viện nghiên cứu, trung tâm và nhiều loại hình tổ chức khác – lâu nay đã bộc lộ những điểm yếu như chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của nhiều đơn vị, thậm chí ngay trong cùng một bộ, ngành; thiếu liên kết giữa các đơn vị cùng lĩnh vực nghiên cứu, dẫn đến việc trùng lặp các đề tài/dự án hoặc chỉ có thể thực hiện được những nhiệm vụ KH&CN nhỏ mang tính trước mắt mà không giải quyết được những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước.

Vì vậy, vấn đề quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập đã được nêu lên trong Luật KH&CN do Quốc hội ban hành ngày 18/6/2013 và Bộ KH&CN đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập, trong đó bao gồm các điểm nút là các tổ chức KH&CN, kèm theo đó là các mối liên kết chặt chẽ giữa các điểm nút theo ngành, lĩnh vực nghiên cứu được phân bố hợp lý trên phạm vi quốc gia. Việc tạo dựng mạng lưới này một cách khoa học, hợp lý không chỉ giải quyết được bài toán nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức mà còn góp phần làm lành mạnh hóa môi trường KH&CN Việt Nam.

Ngược chiều xu thế quy hoạch thông thường

Tuy nhiên đây lại là một chu trình ngược chiều với xu thế quy hoạch thông thường: công việc quy hoạch đáng lẽ phải được thực hiện trước khi bắt tay xây dựng một hệ thống tổ chức, còn ở đây, chúng ta tái thiết trên cơ sở những gì đã có và được vận hành với sức ỳ trong tư duy tương đối lớn, hậu quả sau một quãng thời gian dài hoạt động theo cơ chế quản lý quan liêu bao cấp. Nhiều khó khăn do đó đã nảy sinh, mà tựu trung là vướng mắc về quan điểm quy hoạch và cách thức triển khai cấp kinh phí theo nhiệm vụ sau quy hoạch ở các tổ chức KH&CN công lập.

Thứ nhất, còn tồn tại nhiều bất đồng về quan điểm quy hoạch. Theo cơ cấu tổ chức hiện nay, mỗi bộ, ngành đều quản lý một số viện nghiên cứu, đặc biệt tại một số viện lớn của bộ đều được tổ chức theo mô hình “n trong một”, bao gồm một viện lớn và nhiều viện thành viên cùng các trung tâm nghiên cứu. Việc sáp nhập hay giải thể những tổ chức dù mang tính chất trùng lặp về chức năng nhiệm vụ với nhiều tổ chức khác cùng bộ cũng vẫn gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ các viện lớn hay bộ chủ quản, không cho phép thực hiện việc “cắt xén” ảnh hưởng đến quy mô tổ chức và tầm ảnh hưởng của mình. Ngay cả trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng quy hoạch gắn với tái cấu trúc hệ thống tổ chức KH&CN công lập thì việc triển khai thực hiện quyết định này sẽ gặp không ít vướng mắc bởi việc thành lập, cấu trúc lại hay giải thể các tổ chức KH&CN công lập vẫn phải được thực hiện theo Nghị định số 55/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Về nguyên tắc, quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thể thay thế được những văn bản có giá trị pháp lý cao hơn như Nghị định hay Luật.

Thứ hai, nhiều tổ chức KH&CN công lập quen ỷ lại vào cơ chế hiện hành lâu nay và không muốn chuyển đổi sang triển khai cấp kinh phí theo nhiệm vụ. Năm 2014, để từng bước đổi mới về cơ chế quản lý, hướng tới thực hiện cấp kinh phí hằng năm theo nhiệm vụ, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn các tổ chức KH&CN công lập xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của mình, qua đó bước đầu đã đem lại sự minh bạch, sòng phẳng trong cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức KH&CN công lập. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng Thông tư này chỉ thuận lợi với những tổ chức KH&CN đã tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, tức là những tổ chức không được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán. Còn những tổ chức vẫn quen hoạt động theo cơ chế bao cấp lại không mấy mặn mà với việc chuyển đổi này.

Cần một quyết tâm chính trị

Để vượt qua những khó khăn, vướng mắc mà bài toán quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập gắn với việc tái thiết hoạt động của các tổ chức này, cần phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ và đồng bộ từ các cấp quản lý đến những người thực hiện quy hoạch.

Song song với việc quy hoạch, cần phải có những cơ chế hợp lý về cách thức sử dụng ngân sách nhà nước, tránh xảy ra trường hợp “bình mới, rượu cũ” khi chỉ thay đổi diện mạo bên ngoài của hệ thống trong khi sự trì trệ, ỷ lại vẫn tiếp tục duy trì từ bên trong tổ chức.

Ở đây, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ bài học thành công của việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Nhờ có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban và thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp công tác đổi mới doanh nghiệp nhà nước; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết và quyết liệt trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Với cách làm quyết liệt và hiệu quả như vậy, việc sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được thành công, giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước từ một vạn vào năm 1992 đến nay còn lại gần 1.000. 

Nhiệm vụ quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập cũng sẽ cần một quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo quyết liệt tương tự như vậy, coi đó là yếu tố quan trọng tạo ra đột phá trong khâu quản lý cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập.

Tuy nhiên, trong công tác quy hoạch, cũng cần phải có cả sự tham gia một cách chủ động và tích cực của đối tượng được quy hoạch, tức là các tổ chức KH&CN công lập. Bản thân các tổ chức này cũng nên tự trao đổi, thống nhất quan điểm hợp tác với nhau, qua đó báo cáo với các cấp lãnh đạo có thẩm quyền về việc hợp nhất, sáp nhập những tổ chức có cùng nhiệm vụ, chức năng, phạm vi hoạt động.

Tránh "bình mới rượu cũ"

Nhằm bảo đảm tính hiệu quả của các tổ chức KH&CN công lập, song song với việc quy hoạch cần phải có những cơ chế hợp lý về cách thức sử dụng ngân sách nhà nước, tránh xảy ra trường hợp “bình mới, rượu cũ” khi chỉ thay đổi diện mạo bên ngoài của hệ thống trong khi sự trì trệ, ỷ lại vẫn tiếp tục duy trì từ bên trong tổ chức.

Trước hết, để tiếp tục thúc đẩy xu hướng tự chủ hóa của các tổ chức KH&CN công lập, Bộ KH&CN đang chủ trì xây dựng một nghị định mới theo tinh thần của Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, để thay thế Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Nghị định mới này sẽ khắc phục được tâm lý ỷ lại, trông chờ vào bao cấp, đồng thời nâng cao quyền tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Bên cạnh đó, vai trò của người lãnh đạo tổ chức KH&CN sẽ được nâng lên nhằm tạo điều kiện cho họ phát huy tinh thần tự quyết và nâng cao vai trò quản lý, góp phần xóa bỏ những yếu tố phi khoa học trong bộ máy tổ chức.

Mặt khác, chúng ta cũng cần xây dựng thực hiện tốt cơ chế đánh giá, thẩm định năng lực, hiệu quả quy trình hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập sau quy hoạch theo cách thức mà các nền KH&CN tiên tiến đã áp dụng như kiểm tra chéo, chấm điểm hoạt động, mời chuyên gia đánh giá độc lập và coi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì được môi trường khoa học minh bạch và khách quan.

tiasang.com.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ