Thiếu thông tin KH-CN trong nước, doanh nghiệp chọn mua của nước ngoài
Chiều 19-10, tại buổi tọa đàm góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nêu ra thực trạng phát triển KHCN ở Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ KH-CN đã xác định, KHCN Việt
Nam phải hướng tới 3 nội dung tất yếu: thị trường, doanh nghiệp (DN), hiệu quả.
Thứ nhất,
KHCN phải hướng đến thị trường vì không một quốc gia nào lảng tránh được cơ chế
thị trường. Việt Nam đang từng bước phát triển cơ chế thị trường. Cơ chế này
vừa có độc quyền vừa cạnh tranh. KHCN cũng phải hướng đến thị trường, tức là
nghiên cứu những gì mà thị trường cần, theo đơn đặt hàng. Bên cạnh cạnh tranh
thì độc quyền trong KHCN cũng là đương nhiên, vì phải lựa chọn được người làm
tốt nhất cho dự án tốt nhất. Cùng với đó, phải thực hiện được nguyên tắc người
làm nhiều hưởng nhiều, theo đó nhà khoa học phải sống được bằng chất xám của
mình. Những nhà khoa học đóng góp nhiều cho đất nước phải được hưởng quyền lợi
nhiều hơn, không được có sự cào bằng.
Thứ hai,
KHCN phải hướng đến DN, vì DN là cầu của thị trường KHCN, cũng là nguồn đầu tư
chính của KHCN. Từ trước đến nay, tiền làm KHCN chủ yếu từ ngân sách nhà nước,
không thể bảo đảm. Luật KHCN đã thay đổi điều này, huy động sự tham gia đầu tư
của DN, DN cũng phải có trách nhiệm trích lợi nhuận để đầu tư cho KHCN.
Hiện có tình trạng DN chưa mặn mà với KHCN trong nước, Bộ
trưởng Nguyễn Quân thừa nhận là do cơ chế, do cách thực hiện của chúng ta. DN
thiếu thông tin, không biết các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra được ứng dụng
gì, có chất lượng hay không, vì vậy để chắc ăn, DN mua công nghệ của nước
ngoài. Chúng ta cũng chưa nuôi dưỡng được nguồn thu, vì thế hầu hết các
DN vừa và nhỏ không đầu tư cho KHCN. 90% đầu tư cho KHCN của Hàn Quốc là từ
phía doanh nghiệp; Trung Quốc là trên 50%; còn Việt Nam mới chỉ trên 30%. DN
không hào hứng cho việc lập quỹ đầu tư KHCN vì thủ tục quá nhiêu khê, phức tạp,
cứng nhắc, không có lợi, không khuyến khích được DN.
Về chương trình khởi nghiệp quốc gia, chúng ta chưa làm được
bao nhiêu. Nhiều quốc gia hỗ trợ để người dân của mình thuận lợi trong khởi
nghiệp. Nhưng Việt Nam chưa có cơ chế chính sách về đầu tư mạo hiểm, bảo đảm
các nhà khoa học không bị trách nhiệm hình sự khi thực hiện đầu tư mạo hiểm.
Nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, chấp nhận bỏ ngân sách để đầu tư trong giai đoạn đầu
để hỗ trợ cho việc đầu tư mạo hiểm, đến nay ngân sách không còn phải cấp cho
các dự án đầu tư mạo hiểm.
Thứ ba,
KHCN phải hướng tới hiệu quả. Tính chung hiện nay, nếu đầu tư cho KHCN 1,5 tỷ
USD thì sẽ mang lại 4 tỷ USD cho GDP. Việt Nam hiện đầu tư cho các nhà khoa học
rất ít nhưng đòi hỏi lại rất nhiều, mới chỉ đạt mức 10 USD/đầu người, bằng
1/100 của Hàn Quốc, bằng 1/6 của Trung Quốc. Hiện nay, dù Đảng, Nhà nước xác
định chi đầu tư cho KHCN là 2% GDP nhưng chưa bao giờ đạt được. Năm 2014 chỉ
được 1,36%; năm nay 1,52%. Càng hội nhập sâu, nhất là khi tham gia TPP thì càng
phải đầu tư cho KHCN, thực sự coi đó là quốc sách.
Các bộ ngành, địa phương, DN phải thay đổi quan điểm, hướng
tới lợi ích lâu dài thay vì lợi ích trước mắt. “Ví dụ, vừa qua Bộ KHCN dự kiến
ban hành thông tư cấm DN nhập khẩu máy móc cũ đã qua sử dụng lâu nhưng bị DN
phản ứng. Nếu còn nhập thì KHCN của chúng ta vẫn còn lạc hậu, DN Việt Nam còn
bị tụt hậu, thiếu sức cạnh tranh. Vì DN phản ứng mạnh nên Bộ đành lùi một
bước, cho nhập nhưng phải bảo đảm tuổi sản xuất của máy móc chưa quá 10
năm", Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.