Hội thảo khoa học về đào tạo bồi dưỡng nhân lực KH&CN và các vấn đề liên quan đến tổ chức KH&CN công lập
Trong các ngày 16 - 17/10/2015, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) đã tổ chức 3 hội thảo gồm: Về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập; Về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN và Quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập. Tham dự và chủ trì Hội thảo có Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ; đại diện Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam; các nhà quản lý, khoa học, tổ chức KH&CN, trường đại học khu vực phía Nam.
Tại Hội thảo Về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công
lập, các đại biểu đã được nghe TS Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
trình bày Dự thảo nghị định quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN
công lập, trong đó nêu bật một số điểm mới của Dự thảo nghị định so với Nghị định
115 trước đây. Đa số các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, các quy định trong Dự thảo
nghị định có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN thực hiện
cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề xuất làm rõ hơn một số nội dung
như: cần có hướng dẫn chi tiết hơn cơ chế tự chủ đối với từng loại hình tổ chức
khác nhau; vấn đề trích khấu hao tài sản cố định như nào để tính vào chi phí dịch
vụ KH&CN; yêu cầu được tự chủ hơn về các định mức chi của tổ chức KH&CN
công lập...
Tại Hội thảo Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN, các đại
biểu đã được nghe báo cáo về thực trạng bức tranh nhân lực KH&CN Việt Nam
hiện nay. Theo đó, đội ngũ cán bộ KH&CN hiện nay không chỉ thiếu cán bộ đầu
ngành giỏi, thiếu các “tổng công trình sư” mà còn thiếu cả cán bộ trẻ có trình
độ cao. Khả năng thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ có trình độ vào làm việc
tại các tổ chức nghiên cứu triển khai rất thấp. Cơ chế, chính sách phát triển
nhân lực KH&CN còn hạn chế và chưa thực sự khuyến khích phát triển đội ngũ
nhân lực KH&CN. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KH&CN có trình độ cao
còn nhiều bất cập… Những hạn chế của đội ngũ nhân lực KH&CN nêu trên đặt ra
nhiều yêu cầu, đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số chính sách phát
triển nhân lực KH&CN trong thời gian tới, trong đó cần đặc biệt chú trọng
chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao các nội dung của
Dự thảo Đề án và cho rằng, nếu được phê duyệt, Đề án sẽ tạo ra sự đột phá trong
việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN cho đất nước. Các đại biểu
cũng kiến nghị một số vấn đề như: cần tăng chỉ tiêu, số lượng đào tạo, bồi dưỡng,
đặc biệt là đối tượng chuyên gia KH&CN; tạo điều kiện cho địa phương được
tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án, đặc biệt là các
chương trình đào tạo ở nước ngoài; chú ý cách thức trong triển khai thực hiện đảm
bảo khả thi, hiệu quả đối với từng nhóm đối tượng...
Hội thảo Quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập
là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia KH&CN đóng góp ý kiến nhằm phát triển
mạng lưới tổ chức KH&CN công lập có cơ cấu hợp lý theo lĩnh vực chuyên
ngành kinh tế - xã hội; chú trọng phát các tổ chức KH&CN công lập thuộc
lĩnh vực KH&CN ưu tiên, trọng điểm.
Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đã được
xác định là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý các tổ chức
KH&CN tại Luật KH&CN 2013, nằm trong tổng thể quy hoạch các tổ chức sự
nghiệp công lập, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc
gia cũng như chiến lược phát triển KH&CN. Các ý kiến góp ý tại Hội thảo tập
trung vào các vấn đề gồm: Bên cạnh các tổ chức KH&CN công lập đã có, cần
xem xét các đối tượng là đơn vị sự nghiệp trong ngành/ lĩnh vực như: nông nghiệp,
y tế, xây dựng, giao thông... có nhiều hoạt động KH&CN ở địa phương để đưa
vào quy hoạch tạo sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương; nên bổ sung các tiêu
chí để xây dựng các tổ chức KH&CN thuộc quy hoạch; chi tiết và cụ thể hóa
hơn các giải pháp nhằm thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả cao...