“Giữ chân” hiền tài bằng chính sách
Chính sách xoay quanh trục “trọng dụng, đãi ngộ, đào tạo nâng cao trình độ và tạo môi trường hoạt động lành mạnh” cho cán bộ làm việc và cống hiến và có bộ tiêu chí đánh giá kết quả lao động được đội ngũ người lao động thừa nhận và tự nguyện tuân thủ, làm cơ sở để Viện “đòi hỏi và đánh giá” cán bộ của mình… Đây là cách để “giữ chân” và thu hút được cán bộ có năng lực tập trung vào nghiên cứu khoa học, GS.TS NGUYỄN QUANG LIÊM Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.
-
Nghiên cứu vật liệu luôn cho ra những thành phẩm cụ thể, vậy xin Ông
cho biết những kết quả nổi bật của Viện Khoa học vật liệu trong thời gian qua ?
GS.TS
NGUYỄN QUANG LIÊM: Khoa học vật liệu có tính
liên ngành dựa trên nền tảng Vật lý, Hóa học, Kim loại học, Khoáng vật học...
Trong thời gian qua, Viện Khoa học vật liệu đã đạt được một số kết quả nổi bật
trong nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ có hàm
lượng khoa học cao cho ứng dụng công nghiệp như Công nghệ chế tạo một số loại vật
liệu nanô: các chấm lượng tử bán dẫn huỳnh quang hiệu suất cao có thể ứng dụng
trong đánh dấu tế bào bệnh, trong chế tạo cảm biến độ nhạy cao, giúp phân tích
nhanh dư lượng thuốc trừ sâu, chất tăng trọng, virus,.. Ống các bon nanô và
graphen có thể ứng dụng trong chế tạo linh kiện điện tử, tản nhiệt hiệu suất
cao, tăng cường tính chất lớp mạ/phủ,… Các loại hạt từ tính nanô có thể giúp điều
trị hướng đích tiêu diệt tế bào ung thư... Viện cũng đã chế tạo một số loại hợp
kim đặc biệt.
Theo đó, đã cung cấp hàng chục tấn chi tiết phụ tùng có tính năng đặc
biệt như chịu mài mòn, ma sát… phục vụ các ngành kinh tế quốc dân. Viện đã
triển khai thành công công nghệ bảo vệ tích cực chống ăn mòn cho hệ thống ống dẫn
dầu ngoài biển, tạo cơ sở để chủ động ứng dụng trong các cơ sở đóng và sửa chữa
tàu biển, cầu cảng, giảm chi ngoại tệ cho nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm; chế
biến quặng đồng sulphua với công nghệ cho phép sản xuất hiệu quả, bảo vệ môi
trường, có giá trị kinh tế cao.
Quy mô dây chuyền công nghệ 5.000 tấn/năm đồng sulphát chất lượng cao
đang được Viện thiết kế để chuyển giao cho công nghiệp. Viện cũng đã chế tạo
hàng loạt thiết bị huỳnh quang tia X phân tích nguyên tố; tư vấn công nghệ chế
tạo các thiết bị chiếu sáng rắn LED, công nghệ chiếu phim 3D.
- Thưa Ông, để học và theo kịp các nước tiên tiến trong lĩnh vực
này thì việc hợp tác quốc tế đã được Viện triển khai như thế nào ?
GS.TS NGUYỄN QUANG LIÊM: Viện Khoa học vật liệu có truyền
thống triển khai tốt các hợp tác quốc tế, có nhiều đối tác quốc tế tốt. Viện có
những đối tác gần, hợp tác chặt chẽ, có những đối tác xa hơn với những công
việc triển khai hợp tác ít hơn và có những đối tác chỉ là quan hệ để chuẩn bị
cho các hợp tác khi có điều kiện và cần thiết. Theo đó, một số hình thức hợp
tác quốc tế được Viện triển khai là tạo giao lưu thường xuyên giữa các nhà khoa
học công nghệ thông qua tổ chức các Hội nghị, Hội thảo quốc tế.
Viện là cơ quan chủ trì tổ chức 2 năm 1 lần “Hội nghị quốc tế về Khoa
học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nanô”. Có thể nói, đây là Hội nghị có uy
tín nhất hiện nay ở Việt Nam,trong lĩnh vực Khoa học vật liệu, với số lượng
thường là hơn 500 nhà khoa học tham dự, trong đó có khoảng 180 nhà khoa học
nước ngoài đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau. Cùng với đó, Viện thúc đẩy triển
khai thực hiện các dự án, đề tài có yếu tố quốc tế, có sự tham gia của cán bộ
khoa học quốc tế, của các tổ chức quốc tế, có nguồn kinh phí quốc tế… Thông qua
đề tài, dự án hợp tác quốc tế, Viện đã cử người đi đào tạo, học được kinh
nghiệm, thảo luận về kết quả nghiên cứu chung,… để nâng cao trình độ.
- Việc chăm lo xây dựng nguồn nhân lực tương lai cho ngành khoa học này,
Viện đã và sẽ có những chủ trương nào, thưa Ông ?
GS.TS NGUYỄN QUANG LIÊM: Viện Khoa học vật liệu xác định,
muốn phát triển cần có nguồn nhân lực giỏi, chủ trương xây dựng nguồn nhân lực
phải được ưu tiên hàng đầu trong các giải pháp xây dựng Viện. Viện cũng nhận
thức được rõ ràng rằng đất nước còn nghèo, nhiều lĩnh vực khác nhau cần được
Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng thực tế là với chính sách lương, thu nhập và
điều kiện làm việc như hiện nay thì không thu hút được người giỏi đi học để làm
nghề khoa học công nghệ, thậm chí đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đã có còn
bị mai một, chuyển nghề. Chăm lo xây dựng nguồn nhân lực tương lai trong hoàn
cảnh như vậy là việc làm hết sức khó khăn.
- Vậy để vượt qua những khó khăn trên, Viện Khoa học vật liệu đã có
chính sách nào trong vấn đề này thưa Ông ?
GS.TS NGUYỄN QUANG LIÊM: để vượt lên, Viện Khoa học vật liệu
có một số chính sách xoay quanh trục “trọng dụng, đãi ngộ, đào tạo nâng cao
trình độ và tạo môi trường hoạt động lành mạnh” cho cán bộ làm việc và cống
hiến và có bộ tiêu chí đánh giá kết quả lao động được đội ngũ người lao động thừa
nhận và tự nguyện tuân thủ, làm cơ sở để Viện “đòi hỏi và đánh giá” cán bộ của
mình.
Cụ thể, thứ nhất, lãnh đạo Viện đã hàng năm tọa đàm với
thanh niên nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ trẻ; hai năm một lần tổ
chức Hội nghị “Khoa học vật liệu phục vụ cuộc sống” cho toàn thể cán bộ, viên
chức trong Viện. Thứ hai, lãnh đạo Viện đã và đang duy trì việc chủ động
tạo được môi trường làm việc lành mạnh, dân chủ, đầy đủ thông tin, tôn vinh và
đánh giá cao những người mang lại lợi ích nhiều, có đóng góp nhiều cho Viện.
Thứ ba, xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá kết quả lao động chi tiết, định
lượng, tạo được sự động viên, công bằng trong đánh giá kết quả lao động. Thứ
tư, động viên cán bộ hăng hái thực hiện đề tài, hợp đồng kinh tế - kỹ
thuật, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và tập thể. Thứ năm, có
chính sách thu hút bằng vị trí việc làm và ưu tiên đào tạo, giao việc cho cán
bộ trẻ tốt nghiệp giỏi từ các cơ sở đào tạo đại học trong và ngoài nước. Thứ
sáu, tạo điều kiện tối đa cho cán bộ được đào tạo ở những cơ sở nghiên cứu
tiên tiến trên thế giới được tham gia công tác đào tạo và được có chức danh
tương xứng. Thứ bảy, tăng cường quảng bá các hoạt động của Viện nhằm thu
hút được nhiều công việc, nhiều hợp tác với Viện. Thứ tám, tạo cơ chế
hợp tác quốc tế “dễ đi dễ về” để có được lực lượng cán bộ của Viện làm việc ở
các cơ sở nghiên cứu tiên tiến ở nước ngoài và “dễ” huy động về nước hoặc hỗ
trợ tốt công việc trong nước.
- Thưa Ông, để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như các
lĩnh vực khác của đời sống, mục tiêu hướng tới trong hoạt động của Viện?
GS.TS NGUYỄN QUANG LIÊM: mục tiêu hướng tới trong hoạt động
của Viện là xây dựng thành Viện trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học và công
nghệ vật liệu mạnh về nghiên cứu cơ bản và đào tạo, giỏi trong công tác phát
triển công nghệ và triển khai ứng dụng, có tiềm lực khoa học công nghệ đạt
trình độ trung bình khá trong khu vực. Xây dựng cơ sở đào tạo có uy
tín cao phục vụ đào tạo nhân lực khoa học công nghệ vật liệu dựa trên nghiên
cứu, đào tạo nhân lực cả trong nước và quốc tế đạt chuẩn của khu vực và quốc
tế. Nghiên cứu khoa học và công nghệ có gắn kết chặt chẽ với công nghiệp,
phát triển được và chuyển giao thành công một số công nghệ nguồn có ý nghĩa
quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và phục vụ sản xuất, đời
sống, an ninh - quốc phòng của đất nước. Cuối cùng là cơ quan tư vấn,
phản biện trước những vấn đề lớn của quốc gia liên quan tới khoa học công nghệ
vật liệu, sản xuất, an ninh quốc - phòng như vấn đề công nghệ vật liệu mới,
năng lượng, xử lý ô nhiễm môi trường.
- Xin cảm ơn Ông !
Viện
Khoa học vật liệu đã xây dựng một trung tâm đánh giá hư hỏng vật liệu với các
phương pháp tiên tiến đạt chuẩn quốc tế. Đây là loại hình hoạt động dịch vụ
khoa học công nghệ rất cần thiết ở các nước phát triển, đã bắt đầu được triển
khai ở Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây ; hoàn thiện công nghệ thu hồi
kim loại quý từ bã thải công nghiệp, cho khả năng thu hồi Ni, Cu từ bã thải của
các cơ sở sản xuất mạ... Các kết quả nổi bật trong nghiên cứu phát triển
công nghệ của Viện cho phép triển khai ứng dụng hiệu quả thông qua các hợp đồng
kinh tế - kỹ thuật, đã tạo điều kiện để một số tập thể nghiên cứu của Viện đoạt
nhiều Giải thưởng Nhà nước về KHCN và Giải thưởng VIFOTEC.
|