SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ươm tạo doanh nghiệp KH&CN: Cần cơ sở pháp lý đầy đủ để hoạt động

[02/11/2015 13:53]

Hiện Việt Nam đã hình thành khoảng 50 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ với các mô hình khác nhau và đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, hiện còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết từ phía cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như cách thức hoạt động của các vườn ươm để tạo sức hút thực sự đối với các doanh nghiệp (DN) KH&CN.

Vườn ươm – Nơi hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh

Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Technology business incubators hay technology incubators) là nơi giúp các DN có thể khởi nghiệp, phát triển vững mạnh dựa trên kết quả nghiên cứu công nghệ. Tại Việt Nam, hoạt động này đã hình thành và đang có những kết quả bước đầu. Hệ thống các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động ươm tạo cũng đang dần hoàn thiện.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, hiện Việt Nam đã hình thành khoảng 50 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ với các mô hình như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học (vườn ươm thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM,...); vườn ươm thuộc doanh nghiệp (như vườn ươm các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Tập đoàn FPT,...); vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao (CNC) TP. Hồ Chí Minh, Khu CNC Hòa Lạc;... Đặc biệt là mô hình vườn ươm doanh nghiệp CNC do Nhà nước quản lý nhằm tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng và nghiên cứu thực hiện hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm sản phẩm, thành lập doanh nghiệp.

Nhìn chung, các vườn ươm đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ về số lượng cũng như chất lượng doanh nghiệp KH&CN được ươm tạo. Có thể kể đến các vườn ươm đang hoạt động hiệu quả như Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (HBI) thuộc Khu CNC Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp CRC-TOPIC (thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (SBI),… Hoạt động ươm tạo đã và đang tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ quan trọng như: công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học; tự động hoá, vi điện tử; vật liệu mới; nông nghiệp;…

Tuy nhiên, hầu hết các vườn ươm của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển với thời gian hoạt động từ 1 - 5 năm. Hiện còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết từ phía cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như cách thức hoạt động của các vườn ươm để tạo sức hút thực sự đối với các DN KH&CN.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các vườn ươm đều đang gặp khó khăn về thiết lập, kết nối với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; sự gắn kết chưa chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu, trường/viện và doanh nghiệp; các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có tiềm lực yếu, công nghệ lạc hậu; trình độ quản lý vườn ươm còn hạn chế; thiếu cán bộ chuyên trách về ươm tạo; mối liên hệ với cộng đồng doanh nhân chưa tốt;… Các vườn ươm đang hoạt động riêng lẻ, mỗi DN đều phải tự tạo nguồn lực để tồn tại, phát triển nên hiệu quả chưa cao. Một số tổ chức, cá nhân có ý tưởng mới về KH&CN mong muốn tiếp cận hoạt động ươm tạo nhưng còn băn khoăn về các tiêu chí cần thiết để được hỗ trợ ươm tạo. Khâu thương mại hóa các sản phẩm ươm tạo còn hạn chế do thiếu thông tin về thị trường, kinh nghiệm marketing;...

Nhiều doanh nghiệp KH&CN “sống khỏe”

Thời gian qua, chúng ta đã có chủ trương phát triển mạnh các DN KH&CN. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020. Đây được coi là lực lượng sản xuất mới của đất nước, có khả năng đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, bởi họ có thể làm chủ công nghệ, phát triển nhiều mặt hàng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao.

Tính đến tháng 6/2015, cả nước có khoảng gần 200 DN KH&CN đã được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN và khoảng 200 hồ sơ đang trong quá trình thẩm định. Các DN KH&CN đã rất chú trọng vào việc đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Một số doanh nghiệp thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường như Công ty giống cây trồng Quảng Ninh, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, Công ty CP giống cây trồng trung ương,… Một số doanh nghiệp hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu. Nhiều doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực từ phía đối tác chuyển giao để làm chủ công nghệ. Các DN KH&CN cũng rất chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm thương mại hóa sản phẩm KH&CN.

Với cơ chế chính sách thuận lợi và chiến lược kinh doanh đúng đắn, các sản phẩm mới của DN KH&CN đã tiếp cận được thị trường, đạt doanh thu cao. Mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng một số DN KH&CN vẫn đạt được doanh thu, lợi nhuận cao từ các sản phẩm KH&CN: Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty BUSADCO, Công ty An Sinh Xanh, Công ty TNHH Dược Hanvet,…

Ngoài ra, còn rất nhiều DN khác, khi được chứng nhận là DN KH&CN họ đã tích lũy đầu tư từ phần tài chính do thuế thu nhập DN được miễn 4 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo để tái đầu tư và phát triển rất bền vững. Chính sách này cùng với những nội dung ưu đãi khác của Nhà nước đã tạo điều kiện cho DN KH&CN phát triển rất tốt trong thời gian qua.

Để hoạt động ươm tạo là công cụ để phát triển kinh tế xã hội

Chia sẻ về bài học thành công, Giám đốc Trung tâm SBI Lê Văn Hiếu cho biết, doanh nghiệp của Trung tâm có thể đưa ra từ 1-5 sản phẩm trong vòng 3 - 5 năm. Nhà nước đầu tư 1 đồng sẽ thu được 1,9 đồng từ khu vực tư nhân và 0,6 đồng từ nước ngoài. Việc quản lý, điều hành theo mô hình công - tư như tại SBI có nhiều thuận lợi, rõ ràng. SBI luôn quan tâm, dành nhiều kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đồng thời, SBI nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Công viên Phần mềm Quang Trung, Bộ KH&CN,… Để thành công, cần có chính sách hỗ trợ lâu dài cho hoạt động ươm tạo và coi hoạt động này như một công cụ để phát triển kinh tế xã hội.

Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM Mai Thanh Phong kiến nghị, cần có chính sách quy định khi doanh nghiệp được ươm tạo thành công sẽ có trách nhiệm trích một phần doanh thu để hỗ trợ duy trì hoạt động của vườn ươm; có chính sách thu hút các nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân; chính sách tốt nghiệp vườn ươm và các chương trình sau ươm tạo; nâng cao nhận thức cộng đồng về ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN; mở rộng mạng lưới liên kết với các vườn ươm, viện, trường, chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thời gian qua, các dự án liên quan đến hoạt động ươm tạo DN KH&CN đã góp phần xây dựng một số cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN từ các hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư ban đầu thông qua nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài và vốn đối ứng của Việt Nam. Kết quả, đã hình thành một số cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN có tư cách pháp nhân, một số cơ sở ươm tạo đã khẳng định được vai trò hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua các hoạt động của mình.

Với mục tiêu hỗ trợ xây dựng thể chế và phát triển năng lực trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp - BIPP” được hình thành nhằm góp phần hình thành các giải pháp tổng thể để hỗ trợ và nâng cao năng lực hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, nhân rộng các mô hình ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam. Đây là dự án thuộc Chương trình hợp tác định hướng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ giai đoạn 2011 – 2015. Dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ với tổng kinh phí 4,4 triệu Euro. Trong đó, Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ 4 triệu Euro (tương đương khoảng 4,8 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 400.000 Euro. Một số lĩnh vực Dự án ưu tiên tài trợ gồm: các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ về môi trường, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, những dự án ươm tạo trong các lĩnh vực công nghệ khác cũng được xem xét, tài trợ nếu phù hợp và đáp ứng yêu cầu.

Dự án BIPP giữ vai trò, vị trí quan trọng và đóng góp đáng kể vào thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời giúp nâng cao năng lực xây dựng thể chế, chính sách của Bộ KH&CN. Với 4 nội dung của Dự án, đặc biệt là việc vận hành Quỹ Innofund thông qua hỗ trợ xây dựng năng lực về ươm tạo và tiền ươm tạo cho các cá nhân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, việc thực hiện Dự án BIPP sẽ góp phần nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp để cho ra đời những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN tồn tại một cách bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội.

truyenthongkhoahoc.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ