SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Để quyết tâm tự chủ không thành kêu gọi suông

[03/11/2015 08:12]

Nghị định 115 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa có những quy định hữu hiệu trong việc sàng lọc, loại bỏ các tổ chức KH&CN công lập hoạt động yếu kém cũng như một bộ phận cán bộ là những người “không làm mà vẫn hưởng lương”, theo đó tạo môi trường hoạt động thông thoáng, minh bạch cho khoa học Việt Nam. Vì vậy theo ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), một Nghị định thay thế sẽ được Bộ KH&CN trình Chính phủ vào cuối năm nay.

Quyết tâm tự chủ hóa mới có thể tái cơ cấu nền KH&CN thành công

PV: Thực tế cho thấy mặc dù Nghị định 115 đã đem lại những điều kiện thông thoáng, thuận lợi, giúp không ít tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ thành công, nhưng cho đến nay còn nhiều tổ chức hầu như chưa thực hiện chuyển đổi. Theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu?

Ông Trần Đắc Hiến: Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là nhiều tổ chức KH&CN công lập của chúng ta không có năng lực tự chủ, thiếu quyết tâm tự chủ, tư tưởng bao cấp còn ảnh hưởng nặng nề. Để khắc phục tình trạng này, không cách nào khác, trước hết, chúng ta phải thúc đẩy quyết tâm tự chủ, bắt đầu từ quyết tâm chính trị thông suốt giữa các cấp lãnh đạo tới các bên liên quan và tinh thần quyết liệt dám đương đầu với khó khăn để thực hiện đến cùng cơ chế tự chủ của người lãnh đạo các tổ chức KH&CN công lập cũng như các nhà khoa học làm việc trong các tổ chức này. Tiếp đến là tăng cường năng lực tự chủ cho các tổ chức KH&CN công lập bằng cách quy hoạch lại hợp lý, đồng bộ gắn với tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống tổ chức KH&CN công lập để có điều kiện đầu tư tập trung, có hiệu quả từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức này, khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún hiện nay. Cả hai nhân tố: quyết tâm tự chủ và quy hoạch lại phải được thúc đẩy song hành, bởi chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau.

Xin ông làm rõ mối liên quan giữa quyết tâm tự chủ hóa các tổ chức KH&CN công lập với việc quy hoạch lại các tổ chức này.

Thực tế cho thấy, chỉ những tổ chức KH&CN công lập có đủ năng lực, tiềm lực về cơ sở vật chất và nhân lực mới có thể tự chủ, còn các tổ chức yếu kém sẽ tìm cách tiếp tục tồn tại dựa vào hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, chỉ khi có quyết tâm tự chủ chúng ta mới có thể giải thể các tổ chức yếu kém, không hiệu quả, đồng thời cơ cấu lại những tổ chức có tiềm năng phát triển để tập trung nguồn lực đầu tư đủ mức cần thiết nhằm tăng quy mô và tiềm lực để các tổ chức này càng lớn mạnh, có thể đạt trình độ khu vực và quốc tế sau một vài năm. Ngược lại, nếu chúng ta không có một quy hoạch lại hợp lý các tổ chức KH&CN công lập thì nguồn lực Nhà nước đầu tư cho các tổ chức này sẽ vẫn manh mún, dàn trải, khiến họ tiếp tục yếu đuối, không đủ năng lực tự chủ, và như vậy quyết tâm tự chủ trở thành lời kêu gọi suông.

Làm sao để tránh tình trạng không làm vẫn hưởng lương?

Mục tiêu hình thành một loạt các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới vào năm 2020 mà Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 đề ra sẽ khó thành công nếu chúng ta không kiên quyết thực thi việc quy hoạch lại hệ thống các tổ chức KH&CN đi kèm với trao quyền tự chủ thực sự cho các tổ chức KH&CN công lập. Nâng cao tính tự chủ ở các tổ chức KH&CN công lập là một trong những điều kiện cần quan trọng hàng đầu để họ có thể chủ động nâng cao năng lực và cải thiện những nhân tố khác để có thể đạt trình độ quốc tế.

Được biết Bộ KH&CN đang xây dựng Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 115 trên tinh thần của Nghị định 16/2015/NĐ-CP [quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập], ông có thể cho biết nội dung cụ thể nào của Nghị định 16 là quan trọng nhất sẽ được kế thừa để áp dụng với cơ chế tự chủ cho các tổ chức KH&CN?

Nghị định 16 đưa ra cách phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập sát thực, phù hợp và khả thi hơn so với Nghị định 115. Nghị định 115 phân loại theo tính chất hoạt động của tổ chức KH&CN là làm nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng – trên nguyên tắc các nghiên cứu cơ bản thường khó có khả năng thương mại hóa, vì vậy cần được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Còn các tổ chức nghiên cứu ứng dụng thì phải chuyển sang diện tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên tại một thời điểm nhất định (31/12/2009 tại Nghị định 115, sau đó được dời sang 31/12/2013 tại Nghị định 96/2010/NĐ-CP). Điều này dẫn tới bất cập vì đa số các tổ chức làm nghiên cứu ứng dụng đều lập luận rằng bản thân họ cũng làm nghiên cứu cơ bản, và dựa vào đó để đòi hỏi tiếp tục được Nhà nước bao cấp. Nay với cơ sở từ Nghị định 16, mức tài trợ của Nhà nước cho các tổ chức công lập sẽ được phân loại dựa trên khả năng tự chủ về mặt tài chính chứ không phải ở tính chất làm nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng.

Như vậy, chúng ta cần làm rõ hơn về khái niệm tự chủ ở đây. Khi Nhà nước vẫn tiếp tục tài trợ cho các tổ chức KH&CN công lập, chỉ là thay đổi về tiêu chí nhận tài trợ, thì sao có thể nói là họ đã chuyển sang tự chủ? 

Khái niệm tự chủ ở đây có nghĩa là các tổ chức công lập sẽ tự nuôi sống mình nhờ hình thức khoán dựa trên kế hoạch làm nhiệm vụ chuyên môn, hay nhiệm vụ theo chức năng của tổ chức, thay vì cấp khoán kinh phí theo đầu biên chế của tổ chức. Với các tổ chức KH&CN công lập chưa tự trang trải được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên (do nhiệm vụ không mang lại nguồn thu tự thân, hoặc nguồn thu không đủ để bù chi) thì Nhà nước sẽ cấp bù phần kinh phí còn thiếu qua nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng để bảo đảm hoạt động thường xuyên của tổ chức. Tất nhiên, các nhiệm vụ cần trải qua đầy đủ các quy trình xét duyệt, giám sát, nghiệm thu để bảo đảm minh bạch và hiệu quả. Cơ chế cấp kinh phí theo nhiệm vụ như vậy sẽ đem đến hai tác động: (1) Xóa bỏ tư duy bao cấp về kinh phí cấp theo đầu biên chế như trước đây và bảo đảm công bằng trong hoạt động KH&CN, khắc phục tình trạng không làm việc nhưng vẫn hưởng lương; (2) Trao quyền tự chủ cao và mạnh hơn cho người đứng đầu tổ chức với phương châm quyền tự quyết định tùy thuộc vào mức độ tự chủ tài chính của đơn vị - đơn vị nào càng giảm sự lệ thuộc vào kinh phí tài trợ của Nhà nước thì càng ít bị ràng buộc bởi sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời được quyền tự chủ trong quản lý càng cao, thậm chí họ có quyền tự quyết định quy mô nhân sự của tổ chức, thành lập mới hoặc mở rộng các bộ phận trực thuộc nhằm giải quyết yêu cầu công việc đặt ra.

Vì sao quyền tự chủ trong quản lý của các tổ chức KH&CN công lập tùy thuộc vào mức độ tự chủ tài chính?

Điều này chạm đến vấn đề cốt lõi mang tính khách quan của tự chủ, bởi xét đến cùng, tự chủ về tài chính của tổ chức là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và quyết định nhất của sự tự chủ. Tổ chức KH&CN nào chưa tự chủ được về mặt tài chính thì những quyền tự chủ còn lại chỉ mang tính hình thức mà thôi.

Tuy nhiên trong thực tế, các tổ chức nghiên cứu cơ bản thường lệ thuộc nhiều vào kinh phí Nhà nước do không thể hoặc khó thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhưng chính họ lại cần tự do học thuật cao nhất?

Đối với các tổ chức nghiên cứu cơ bản, họ cũng cần lập kế hoạch và dự toán cho từng nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng trong kế hoạch như mọi tổ chức khác, trên cơ sở đó, cơ quan chủ quản sẽ xem xét cấp kinh phí thực hiện. Quyền tự do học thuật ở đây vẫn được đảm bảo, bởi các nhà khoa học trong các tổ chức này hoàn toàn được đề xuất các nhiệm vụ KH&CN để cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và cấp kinh phí thực hiện nếu đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Đối với các tổ chức KH&CN công lập làm nghiên cứu ứng dụng, với cơ chế mới họ vẫn có thể tồn tại nhờ thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước phê duyệt. Vậy đâu là động lực để họ tự nguyện từng bước rời xa bầu sữa Nhà nước để có thể tự lực sống nhờ vào thương mại hóa sản phẩm?

Khi xây dựng văn bản, chúng tôi cũng đã tính đến trường hợp nhiều tổ chức nghiên cứu ứng dụng tiếp tục tìm cách dựa dẫm tối đa vào nguồn lực đầu tư từ Nhà nước. Động lực để họ xa rời xu hướng này chính là gắn năng lực tự chủ về tài chính với quyền tự chủ quản lý như đã đề cập trên đây, cụ thể như quyền tự quyết định số người làm việc, mức lương trong đơn vị... Một nét đổi mới khác của nghị định thay thế Nghị định 115 là tạo điều kiện để các tổ chức tự trang trải toàn phần cũng có quyền bình đẳng trong đăng ký, đề xuất các nhiệm vụ do Nhà nước tài trợ kinh phí. Điều này cũng là một động lực cho các tổ chức hướng tới tự chủ về tài chính, bởi tự chủ tài chính không hề làm giảm cơ hội nhận thêm kinh phí tài trợ của Nhà nước cho các nhiệm vụ được Nhà nước giao. Có thể nói, Dự thảo Nghị định mới tạo ra một “sân chơi” sòng phẳng và minh bạch để các tổ chức KH&CN công lập và cơ quan quản lý lựa chọn và quyết định cho mình một hình thức phù hợp, hiệu quả nhất trong tổ chức và hoạt động.

Nêu vấn đề để thực hiện được chứ không phải cho đẹp văn bản

Việc thực hiện Nghị định 115 trên thực tế cũng đã gặp nhiều vướng mắc do sự không tương thích với các quy định quy phạm pháp luật ở tầm trên nghị định, như Luật Cán bộ Công chức hay Luật đất đai. Vậy khi soạn thảo nghị định mới, Bộ KH&CN có cân nhắc đến vấn đề này?

Đúng là có tình trạng nêu trên do một số nội dung tiến bộ của Nghị định 115 lại chưa đồng bộ với những quy định khác của pháp luật, ví dụ theo tinh thần Nghị định 115, một viện nghiên cứu trong nước có thể mời một chuyên gia uy tín của nước ngoài về làm lãnh đạo viện, nhưng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức lại không cho phép điều này khi quy định lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập là công chức, và công chức phải là công dân Việt Nam. Tương tự như vậy, quyền sử dụng đất của tổ chức KH&CN công lập theo quy định của Nghị định 115 cũng bị vướng mắc với quy định của pháp luật về đất đai… Vì vậy, khi soạn thảo Nghị định mới, chúng tôi chọn cách đưa vào những vấn đề có thể triển khai thực hiện, tránh đưa những vấn đề tưởng chừng rất hay nhưng chỉ có tác dụng làm đẹp văn bản chứ không thể thực hiện. Tuy nhiên mặt khác, với những nội dung của Nghị định 115 có tính tiến bộ nhưng lại đang vướng mắc do không tương thích với các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi sẽ không loại bỏ mà chỉ thay thế bằng những nội dung mang tính “để mở sẵn”- chẳng hạn như quy định rằng các nội dung này sẽ được căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành. Bằng cách đó, khi các luật liên quan được sửa đổi, Bộ KH&CN sẽ đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên.

Nghị định lần này về cơ chế tự chủ nếu có triển khai thành công sẽ có khả năng tác động sâu rộng tới các tổ chức và cá nhân nhà khoa học. Vậy cộng đồng khoa học Việt Nam đã có phản hồi gì với các nhà soạn thảo Nghị định lần này?

Trong quá trình soạn thảo nghị định, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, đồng thời cũng gửi Dự thảo Nghị định để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức KH&CN công lập quy mô lớn... Chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết cộng đồng khoa học Việt Nam đều mong muốn việc quản lý được thực hiện theo thông lệ quốc tế, áp dụng cơ chế tự chủ để qua đó minh bạch hóa các hoạt động KH&CN, thanh lý được những hoạt động đội lốt khoa học và những người đột lốt nhà khoa học và xóa bỏ những gian dối trong hoạt động KH&CN.

Xin cảm ơn ông.

Bốn loại hình tổ chức KH&CN công lập được phân loại theo tinh thần của
Nghị định 16/2015/NĐ-CP

1. Tổ chức tự trang trải toàn bộ kinh phí đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Đây là tổ chức giống doanh nghiệp và cần được trao quyền tự chủ giống như doanh nghiệp.

2. Tổ chức tự trang trải được toàn bộ kinh phí chi thường xuyên nhưng vẫn phụ thuộc nguồn ngân sách nhà nước về đầu tư phát triển cho cơ sở vật chất, nhà xưởng…

3. Tổ chức tự bảo đảm một phần kinh phí chi thường xuyên, như các tổ chức có hình thức thu phí, lệ phí hằng năm mà nguồn thu phí theo quy định pháp luật được giữ lại theo tỷ lệ cho phép để dành cho trả lương, khấu hao máy móc, các chi phí trung gian, v.v.

4. Tổ chức được Nhà nước đàm bảo chi thường xuyên, như các viện nghiên cứu khoa học tự nhiên cơ bản. Nhiệm vụ nghiên cứu của họ là do Nhà nước tài trợ theo hình thức khoán, bởi tính chất các kết quả nghiên cứu của họ không thể trực tiếp đưa vào thương mại hóa trên thị trường.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ